“Viên gạch non”

26/12/2012 16:45

(Baonghean) - Hôm qua tôi vào bệnh viện thăm một anh bạn là cán bộ đứng đầu một cơ quan. Có chuyện này hay lắm muốn trao đổi với ông.

- Chuyện bình thường trong cuộc sống chứ chuyện bí mật hay nhạy cảm là tôi không nghe đâu, nghe rồi suy nghĩ mệt óc lắm, chẳng giải quyết được việc gì.
- Ông yên tâm, chuyện rất đời thường. Khi ngồi trên giường bệnh trò chuyện với tôi, anh ta chỉ tay vào bức tường rào bệnh viện tróc lở, nhôm nhoam mấy viên gạch non bị vữa rồi nói: “Tớ cũng như viên gạch non kia bị mấy tay thợ nề chọn nhầm”.

- Anh ta nói thế nghĩa là thế nào?

- Từ từ rồi ông sẽ hiểu. Anh bạn đó không phải là người được đào tạo bài bản mà thuộc diện “trưởng thành từ phong trào”. Trình độ hạn chế, năng lực vừa phải, nhưng được cái lành tính, gặp ai cũng mỉm cười thân ái. Trong các cuộc họp anh ta rất ít khi phát biểu. Ai đúng, anh mỉm cười ra chiều tán đồng, khích lệ. Ai sai, anh cũng mỉm cười ra chiều thông cảm. Vì thế, trong các cuộc bầu bán bao giờ anh cũng được phiếu cao và lên đến chức vụ như bây giờ. Hiềm một nỗi…

- Quan lộ hanh thông thế còn nỗi niềm gì nữa?

- Chết ở cái hanh thông đó. Khi nắm giữ trọng trách lãnh đạo đơn vị, có những việc anh ta phải quyết bằng văn bản hay bằng những phát biểu rõ ràng chứ không thể mỉm cười thay cho lời nói như trước nữa, nên dần dần bộc lộ những thiếu hụt, bất cập trong trình độ, năng lực. Sau vài lần như thế, cấp trên bắt đầu nhắc nhở còn cấp dưới thì nghi ngại về những quyết định của anh. Biết vậy, anh ra sức học hỏi để lấp những khiếm khuyết, nhưng cũng chỉ được phần nào thôi. Áp lực công việc ngày càng tăng, cộng với sự căng thẳng tâm lý, anh lăn ra ốm.

- Tôi hiểu vì sao bạn ông nói vậy rồi. Anh ta đã nhận ra mình là một viên “gạch non” chưa đủ độ chín, độ cứng cần thiết để gánh vác trọng trách. Nhưng anh ta nói “bị chọn nhầm” là không đúng. Viên gạch vô tri vô giác thì không thể biết được là mình chín hay non, còn con người có nhận thức thì chắc chắn phải biết rõ mình giỏi hay kém. Vấn đề là có đủ dũng khí để nhận ra mình còn kém để từ chối gánh nặng quá sức.

- Ông nói đúng. Nếu làm được như thế thì không những khỏi phải chuốc khổ vào thân mà còn tránh được cho tập thể cơ quan khỏi lâm vào hoàn cảnh khó xử.


Phúc Vinh