Thanh long khi chín lần hai trái căng bóng, tai dày, giòn và ngọt hơn rất nhiều

21/11/2012 18:51

Được trồng khá phổ biến ở một số tỉnh miền Nam Việt Nam, thanh long – một chi thuộc họ xương rồng, không chỉ được yêu thích bởi vị ngon ngọt, thanh mát mà còn được biết đến như là loại cây có sức sống mãnh liệt.

Xuất thân từ Trung và Nam Mỹ, thanh long – loại cây cùng họ với xương rồng khá “hạp” với khi hậu khắc nghiệt, hanh khô quanh năm được trồng nhiều ở các nước trong khu vực Đông Nam Á: Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Phillippines… chủ yếu để lấy quả. Mang trong mình sức sống mãnh liệt, thanh long chẳng tốn mấy công chăm sóc. Người ta giăm những nhánh thanh long quanh trụ xi măng, rồi chăm tưới, bón… 8 tháng là có quả. Thanh long thường cho quả vào mùa hè, trong 6 tháng mùa mưa, thanh long cho trái liên tục. Tuy vậy, vào những tháng cuối năm, khi thời tiết trở nên mát mẻ và khô ráo, cây không cho hoa nữa, do đó để đáp ứng nhu cầu thị trường quanh năm, người dân nảy ra sáng kiến chong đèn cho hoa ra trái vụ.

Trái thanh long có thể chín đi chín lại đến ba lần. Lần chín đầu quả chưa ngọt lắm, nếu để vậy không thu hoạch, thanh long sẽ xanh trở lại và tiếp tục chín lại lần hai. Khi ấy trái căng bóng, tai dày, giòn và sẽ ngọt hơn rất nhiều, nông dân gọi nó là thanh long hai da. Thanh long là loại cây chứa nhiều nước, giàu vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe. Trong 100g thanh long có chứa khoảng 9mg vitamin C, 0,3mg vitamin B1, là thành phần chính giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch, chống chọi các bệnh tật thường gặp lúc giao mùa, tốt cho hệ tiêu hóa, làm giảm cholesterol, thích hợp với người cao huyết áp, bệnh tim mạch, béo phì… carotene có nhiều trong thanh long còn làm tăng khả năng “đề kháng” tổn thương, làm giảm các cơn đau, tăng tính đàn hồi cho da và là nhân tố trẻ hóa làn da của chị em phụ nữ. Tuy vậy, những người quá gầy, huyết áp thấp không nên ăn nhiều thanh long, sẽ làm tăng thêm chứng bệnh của mình.

Hiện thị trường có ba loại thanh long là thanh long ruột trắng vỏ hồng hay đỏ, thanh long ruột đỏ vỏ đỏ, ruột trắng vỏ vàng. Với thanh long ruột đỏ, sắc tố lycopene – chứa hàm lượng màu tự nhiên, tương tự như trong các loại trái cây có màu đỏ: gấc, cà rốt… vừa có tác dụng giảm thiểu nguy cơ ung thư vừa bổ sung vào bảng “màu nhuộm” thiên nhiên cho thực phẩm, mỹ phẩm…

Sườn rim thanh long

Nguyên liệu:

Sườn non: 400g
Thanh long: 2 quả
1 thìa cà phê tỏi băm,1 thìa cà phê hành tím băm, 1 thìa cà phê nước màu, 2 thìa súp nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa cà phê đường, ½ thìa cà phê tiêu xay

Cách làm:

Sườn non rửa sạch, để ráo nước, chặt khúc vừa ăn.

Thanh long lột vỏ, 1 quả cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, một quả cắt đôi, cắt khoanh mỏng dày 1cm. Thanh long xay nhuyễn chia làm 2 phần, một phần đem ướp cùng sườn, nêm một thìa súp nước mắm, 1 thìa cà phê hạt nêm, đường, chút nước màu, tiêu, hành, tỏi, để khoảng 25 phút cho thấm gia vị.

Làm nóng chảo với ít dầu ăn, cho sườn vào đảo đều trên lửa vừa. Sườn vừa chín tới cho tiếp ½ nước cốt thanh long còn lại và thanh long lát vào, rim sườn cho đến khi thấy nước sệt lại là được. Bày sườn ra đĩa. Dùng nóng.


Theo SK&ĐS-MĐ