Thực trạng bưu điện văn hóa xã - Nhìn từ Cửa Lò

17/12/2012 16:47

Ra đời từ những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, Bưu điện văn hóa cấp phường xã (gọi tắt là BĐVHX) là một thiết chế văn hóa ở cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng đến nay, thiết chế văn hóa này đang rơi vào rất nhiều khó khăn từ cơ chế thị trường, thậm chí đối mặt với bài toán tồn tại hay không tồn tại. Điển hình như ở Cửa Lò, địa phương đang trên đà đô thị hóa với nhiều tác động từ cơ chế thị trường.

(Baonghean) Ra đời từ những năm cuối thập niên 90 thế kỷ trước, Bưu điện văn hóa cấp phường xã (gọi tắt là BĐVHX) là một thiết chế văn hóa ở cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, nhất là các địa phương vùng sâu, vùng xa. Thế nhưng đến nay, thiết chế văn hóa này đang rơi vào rất nhiều khó khăn từ cơ chế thị trường, thậm chí đối mặt với bài toán tồn tại hay không tồn tại. Điển hình như ở Cửa Lò, địa phương đang trên đà đô thị hóa với nhiều tác động từ cơ chế thị trường.

Toàn Thị xã Cửa Lò hiện có 5/7 phường có điểm BĐVHX thì hầu hết đang tồn tại một cách “thoi thóp”. Điểm BĐVHX Nghi Hải lại phải mượn mặt bằng của HTX Sông Lam xây dựng từ 1998 đến nay. Chị Nguyễn Thị Hương là nhân viên phụ trách ở đây cho biết, điểm BĐVHX Nghi Hải từ lúc đi vào hoạt động (1998) đến 2002 liên tục là đơn vị kiểu mẫu và dẫn đầu toàn Thị xã, nhưng từ khi chia tách dịch vụ bưu chính với dịch vụ viễn thông (2004), điểm BĐVHX này rơi vào khó khăn, khốn đốn còn điểm BĐVHX Nghi Thu có vị trí khá thuận lợi, gần khu trung tâm hành chính và các trường học, nhưng vẫn rất để tồn tại.

Chị Hoàng Thị Liễn, nhân viên phụ trách phân trần, để đảm bảo mức khoán doanh thu, chị buộc phải vay mượn “cơi nới” thêm một quầy kinh doanh tạp hóa, văn phòng phẩm… phía trước đầu tư tới gần 20 triệu đồng. Qua trực tiếp tìm hiểu, nhận thấy các điểm BĐVHX ở đây đều có nhiều điểm chung giống nhau như về diện tích đều trên 20m2 sử dụng, gần trung tâm hành chính và khu dân cư (trừ trường hợp BĐVH Nghi Hòa xa khu hành chính hơn 1 km). Ngoài các dịch vụ bưu chính như tem thư, sách báo, bán sim thẻ, bưu phẩm…, các điểm BĐVHX đều có thêm quầy dịch vụ văn phòng phẩm, tạp hóa… nhằm đảm bảo doanh thu như đã nêu. Về sách báo cũng khá phong phú, như các báo: Tiền Phong, Hoa Học Trò, Nông thôn ngày nay, Tuổi Trẻ, Nông Nghiệp… Về sách có nhiều sách thuộc các NXB như Giáo dục, Dân Trí, Nông nghiệp, Pháp luật…

Khó khăn lớn nhất là đảm bảo mức khoán doanh thu để có mức lương 1,2 triệu đồng/tháng; do vậy, các nhân viên BĐVHX ở đây đều phải tìm cách mở rộng dịch vụ như văn phòng phẩm, có điểm thêm vi tính, photocopy, bán hàng lưu niệm… nhưng đều luôn trong tình trạng “ế ẩm”, bởi xung quanh “nhà nhà kinh doanh” các mặt hàng mà BĐVH có thì làm sao cạnh tranh nổi, kể cả sim thẻ các loại.

Trao đổi về những khó khăn của BĐVHX hiện nay, bà Đào Thị Nguyệt, Phó giám đốc Bưu điện Thị xã Cửa Lò, cho biết: “Mức khoán doanh thu cho BĐVHX là xuất phát từ mức tổng mà Bưu điện tỉnh giao cho nên chúng tôi buộc phải chấp hành. Dù biết khó khăn nhưng cấp nào cũng có khó khăn chung như vậy”. Về lý do còn 2 phường chưa có điểm BĐVHX là Nghi Tân và Thu Thủy. Bà Nguyệt giải thích là đã có 2 bưu cục khá lớn trên địa bàn “kiêm nhiệm” thêm chức năng của BĐVHX là hợp lý.

Thế nhưng khi trao đổi với ông Hoàng Minh Sơn - Chủ tịch UBND phường Nghi Tân, được ông bộc bạch, sở dĩ đến nay Nghi Tân vẫn chưa có BĐVHX là do trước kia chưa tìm được quỹ đất, nay bố trí được đất thì chưa bố trí được nguồn vốn xây dựng. Ông Sơn cho rằng, tác dụng của BĐVHX là rất to lớn, dù đã có điểm Bưu cục Cảng Cửa Lò trên địa bàn nhưng không thể thay thế tất cả cho BĐVHX, nên dù gặp khó khăn, phường vẫn đang có kế hoạch xây dựng BĐVH khi đủ điều kiện.

Trong khi khó khăn chồng chất, 2/5 BĐVHX đã tạm ngừng hoạt động, 3 điểm còn hoạt động thì cảnh tượng có phần nhếch nhác, gần giống điểm quầy kinh doanh ngoài phố khác, nguy cơ sẽ ngừng hoạt động nếu kinh doanh tiếp tục khó khăn, ế ẩm. Được biết, các điểm BĐVHX nơi đây đã được quan tâm cho kiêm nhiệm thêm một số dịch vụ khác như bán bảo hiểm ô tô, xe máy, gần đây thêm dịch vụ phát trả lương hưu; cho phép mở thêm dịch vụ kinh doanh riêng… nhưng các nhân viên BĐVHX vẫn cảm thấy khó trụ vững, bởi theo họ, mức thu nhập đã quá thấp (cao nhất chỉ được 1,2 triệu đồng/tháng, thường xuyên dưới 1 triệu đồng/tháng), lại không được quan tâm cho đóng bảo hiểm xã hội như mọi lao động các ngành khác nên càng khó an tâm làm việc. Điều này cần được các nhà quản lý quan tâm giải quyết thấu đáo.


Mai Hồ Minh