Cẩn trọng trong việc chọn mua, sử dụng thực phẩm chức năng

12/11/2012 18:16

Thực phẩm chức năng (TPCN) được hiểu là tổ hợp những vi chất có ích mà cơ thể con người không thể tổng hợp bằng việc hấp thu từ thức ăn. Qua việc sử dụng TPCN đúng mục đích sẽ tăng cường, phục hồi sức khỏe…Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do khác nhau người dân vẫn chưa hiểu đúng, nhầm tưởng tai hại về loại sản phẩm này dẫn đến “tiền mất tật mang”.

(Baonghean) - Thực phẩm chức năng (TPCN) được hiểu là tổ hợp những vi chất có ích mà cơ thể con người không thể tổng hợp bằng việc hấp thu từ thức ăn. Qua việc sử dụng TPCN đúng mục đích sẽ tăng cường, phục hồi sức khỏe…Tuy nhiên, hiện nay vì nhiều lý do khác nhau người dân vẫn chưa hiểu đúng, nhầm tưởng tai hại về loại sản phẩm này dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Tại một hiệu thuốc trên đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh, có khá đông người dân đến hỏi mua các loại TPCN nhằm để “bổ não, tăng thông minh cho con”, “giải độc gan cho chồng tiến tới việc từ bỏ rượu bia”, “Đông trùng Hạ thảo – tăng cường sinh lực” … Khi được hỏi, một số người vẫn hiểu TPCN như một loại “Thần dược” trị bách bệnh- chị Nguyễn Thị Thùy, phường Hưng Phúc (TP.Vinh) cho hay: “Nghe mọi người vẫn bảo loại này có thể ngăn ngừa, phòng, chống và chữa trị ung thư nên mua cho bố và người nhà uống. Loại này 1 hộp 350 ngàn đồng, có 60 viên, uống trong 15 ngày, uống liền từ 4 - 6 tháng là có tác dụng”. Loại TPCN mà chị Thùy cho xem có nhãn mác cũng giống như bao loại khác: Dòng chữ công dụng ghi to rõ ràng hơn chữ “thực phẩm chức năng” in mờ nằm khiêm tốn nơi góc hộp – Khiến người xem nhầm tưởng đây là một loại “thuốc”.

Giá của các loại TPCN đang được bày bán tại hiệu thuốc không hề rẻ: Loại ít tiền cũng trên 50 ngàn đồng/hộp, loại giá cao thì xấp xỉ 1 triệu đồng/hộp. Tuy nhiên, việc bán mua vẫn rất tấp nập. Loại được ưa chuộng hơn cả là TPCN giảm cân từ thuốc uống cho tới trà, cà phê hay sữa. Được biết, trong hiệu thuốc này có trên 20 loại thực phẩm giảm cân như thế. Người mua càng nhiều thì người bán càng vui, cô dược sỹ bán hàng tại hiệu cho hay: Các loại TPCN này đều đã được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp phép nên việc hiệu thuốc bán là hợp pháp. Các công ty, nhà phân phối các thực phẩm chức năng đều có chế độ khuyến mãi, hậu mãi rất tốt, ví dụ như loại CALSABA giá nhập vào là 120 ngàn đồng/hộp, bán ra 132 ngàn đồng/mua 10 thì được tặng 1; loại Cà Gai leo thì lại có chương trình tích điểm đổi quà …

TPCN đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Nếu như năm 2000 ở nước ta mới chỉ có 60 sản phẩm thực phẩm chức năng thì đến đầu năm nay đã có hơn 10.000 sản phẩm, từ năm 2009 – 2012 có 1.781 doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh TPCN. Trong đó 40 TPCN tiêu thụ tại Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường; với mức tiêu thụ trị giá hàng nghìn tỷ đồng… Ở Nghệ An, TPCN xuất hiện muộn hơn – khoảng từ năm 2008 nhưng cũng nhanh chóng phổ biến, phát triển với hàng nghìn loại khác nhau. Đến nay, cũng như tình hình chung cả nước: bên cạnh một số chế phẩm có chất lượng thì xuất hiện nhiều chế phẩm có chất lượng thấp, không an toàn cho người sử dụng. Cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ nhiều loại thực phẩm chức năng giảm cân giả. Điều nguy hại là nhiều sản phẩm còn chứa chất Sibutramine - hoạt chất gây ức chế thần kinh trung ương, làm người sử dụng có cảm giác no, không muốn ăn. Nguy hiểm hơn, hoạt chất này còn khiến người sử dụng mất ngủ, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, giãn mạch.

Lợi ích từ TPCN là rất thật nhưng nguy hại từ TPCN cũng rất rõ ràng. Ông Phạm Hưng Củng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết: “Lợi dụng tâm lý nhiều người tiêu dùng, một số công ty kinh doanh, sản xuất mặt hàng này đã thổi phồng công dụng TPCN không có quy chuẩn kỹ thuật, khi sử dụng vào không những không có tác dụng như người ta nói mà còn có thể gây hại. Ví dụ như loại dùng thải nước ra ngoài thì nó sẽ đẩy nước ra quá nhiều làm mất nước, mất điện giải, rối loạn môi trường dung dịch, môi trường nước trong cơ thể. Từ đó có thể gây ra bệnh lý khác”...
Yếu tố tiêu cực, có hại của TPCN đe dọa người tiêu dùng còn đến từ việc các quy định về luật, nghị định và văn bản dưới luật liên quan đến thực phẩm chức năng và quảng cáo thực phẩm còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ, như: Với các hình thức kinh doanh đa cấp, các sản phẩm chức năng không bắt buộc thử nghiệm lâm sàng cũng như chưa công bố quy định ngưỡng thực phẩm thông thường và thực phẩm bổ sung. TPCN chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng và các phép thử đối với các thành phần. Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm này đã và đang lợi dụng những chỗ trống để ghi nhãn, mác không rõ ràng; trốn lậu thuế; quảng cáo quá công dụng, lạm dụng việc công bố công dụng, hiệu quả của thực phẩm chức năng, coi đó như là “thần dược” chữa bệnh hiệu quả, kể cả những bệnh nan y như: ung thư, HIV/AIDS. Biểu hiện điều này chính là trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều đoàn khám bệnh nhân đạo tới các khu dân cư chẩn đoán bệnh, tư vấn miễn phí cho người dân – Khám thì ít, bán TPCN và các loại máy thì nhiều; Hay các hội nghị giới thiệu sản phẩm do các công ty tổ chức (gần đây nhất là vào cuối tháng 9, tại khách sạn Giao Tế, Thành phố Vinh có buổi quảng bá thực phẩm chữa bách bệnh do một công ty Trung Quốc tổ chức).

Bác sỹ Nguyễn Xuân Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế thừa nhận: Hiện công tác quản lý các sản phẩm chức năng còn gặp khó, bởi tỉnh ta chỉ là một mắt xích trong chuỗi tiêu thụ TPCN; Khi có một sản phẩm TPCN đã được các cấp, ngành cấp trên cho phép sản xuất, kinh doanh thì không có lý do gì để ngăn cản, ngăn cấm. Ngành Y tế chỉ có thể kiểm tra, ngăn chặn các sản phẩm giả, nhập lậu; Cũng như yêu cấp các y, bác sỹ, hệ thống y tế cơ sở không kê TPCN vào đơn thuốc – theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế, không giới thiệu, tham gia vào các đoàn mạo danh khám, chữa bệnh để bán máy móc, các loại thuốc hay TPCN. Theo bác sỹ Hồng: Người dân cần cẩn trọng trong việc chọn mua, sử dụng TPCN; phải tìm được sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đầy đủ thông tin, tên, sản xuất ở đâu; Sản phẩm phải có công thức, gồm những thành phần gì; Có ngày sản xuất và ngày hết hạn sử dụng; Và đặc biệt phải xem được tính năng tác dụng của sản phẩm ấy, nó có phù hợp với nhu cầu của mình hay không để tránh lãng phí tiền của, ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng không đúng mục đích.


Thành Chung