Quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

16/01/2013 19:41

Sáng 16/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì Hội nghị Chính phủ với tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận hội nghị.
(Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Khẳng định vai trò chủ lực trong ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tại hội nghị cho thấy, trong bối cảnh hết sức khó khăn của năm 2012, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động cũng như công tác bảo toàn và phát triển vốn nhà nước.

Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần bình ổn giá cả, vật tư hàng hóa, kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia và an sinh xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Cũng trong năm 2012, từng tập đoàn, tổng công ty đã xây dựng đề án tái cơ cấu toàn diện, từ xác định mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, cơ cấu sản phẩm, nguồn nhân lực trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Năm 2012 tổng doanh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt trên 1.621.000 tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch năm, tăng 2% so với thực hiện năm 2011, các tập đoàn, tổng công ty có doanh thu lớn như dầu khí, điện lực, hàng không…tổng lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011; tổng nộp ngân sách của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đạt 294.000 tỷ đồng, bằng 100% so với kế hoạch năm… Các đơn vị đạt tổng doanh thu lớn là dầu khí, điện lực, xăng dầu, viễn thông quân đội, bưu chính-viễn thông, hàng không, than-khoáng sản.

Để thu được lợi nhuận cao trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hết sức khó khăn năm 2012, nhiều tập đoàn, tổng công ty đã có những bước điều chỉnh hợp lý như Viettel đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và tập trung vào mảng sản xuất thiết bị đầu cuối; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ yếu tăng nguồn thu, lợi nhuận từ dịch vụ, đặc biệt là cơ khí chế tạo, tự chủ việc chế tạo giàn khoan, thiết bị khai thác dầu khí;

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giảm tối đa việc phải thuê nhân sự người nước ngoài đồng thời bám sát nhu cầu thị trường để bố trí lịch, khai thác phương tiện một cách hợp lý; Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam tiết kiệm tối đa chi phí gắn với đổi mới công nghệ nhằm nâng cao sản lượng, hạ giá thành sản phẩm; Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai huy động nguồn lực tối đa của công ty mẹ, hỗ trợ vốn cho công ty con gặp khó khăn, qua đó tiết kiệm tối đa chi phí vốn...

Về tình hình tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty; đến nay, từng tập đoàn, từng tổng công ty đã xây dựng Đề án tái cơ cấu một cách toàn diện, từ đó xác định mô hình tổ chức, quản lý, tài chính, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, cơ cấu sản phẩm, nguồn nhân lực trên cơ sở xác định rõ nhiệm vụ, ngành nghề, chiến lược phát triển và đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực.

Trong năm 2012, đã sắp xếp được 21 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 13 doanh nghiệp (có 3 tổng công ty), sáp nhập 5 doanh nghiệp và chuyển thành thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 3 doanh nghiệp.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty đã tiến hành rà soát, xác định lại ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính và ngành, ngành kinh doanh khác; từ đó chấn chỉnh việc đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính. Biện pháp chủ yếu là thoái vốn đầu tư, chuyển nhượng vốn đầu tư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty còn những tồn tại, hạn chế như, hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2011 và không hoàn thành kế hoạch đề ra; vốn chủ sở hữu tăng thấp so với năm 2011; tình hình tài chính của không ít tập đoàn, tổng công ty thiếu lành mạnh; quản trị doanh nghiệp chưa có nhiều đổi mới; tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chậm, đặc biệt là cổ phần hóa; cơ cấu tổ chức, quản lý của nhiều tập đoàn, tổng công ty còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc;…

Công khai, minh bạch để người dân hiểu đúng về doanh nghiệp nhà nước

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2012, mặc dù nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nền kinh tế nước ta đã có chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội… Trong kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp nhà nước, mà chủ lực là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước .

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các tập đoàn, tổng công ty đã cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập cho người lao động, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; đồng thời, tiếp tục thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô; góp phần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế…

Nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty đã nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng được đội ngũ lao động kỹ thuật với trình độ tay nghề cao; góp phần quan trọng xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các công trình trọng điểm của Nhà nước, hoặc có ý nghĩa chính trị và hiệu quả xã hội lớn mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không làm hoặc không có đủ khả năng làm, đặc biệt những dự án có ý nghĩa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng miền theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Những đóng góp của doanh nghiệp nhà nước là một thực tế, không ai có thể phủ nhận được”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước cần nghiêm túc khắc phục trong thời gian tới đó là, còn có những tập đoàn, tổng công ty làm ăn thô lỗ kéo dài; công tác quản trị doanh nghiệp chưa có chuyển biến nhiều; nhiều doanh nghiệp đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, tái cơ cấu chậm, còn tình trạng lãng phí, tham nhũng…
Về nhiệm vụ năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tình hình kinh tế-xã hội sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao hơn nữa của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Do vậy, doanh nghiệp nhà nước phải là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế.

Chỉ đạo những vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp trên cơ sở rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính; tích cực triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ.

Cùng với đó, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã được phê duyệt , trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty; tập trung đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giảm vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, chỉ tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chính; kiên quyết thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính.
Đối với những tập đoàn, tổng công ty đang có khó khăn về tài chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, đồng thời cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án và cơ cấu lại tài sản.

“Thoái vốn phải hết sức chặt chẽ, không để tiêu cực xảy ra trong quá trình thoái vốn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức quản lý, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; kết quả sản xuất kinh doanh phải được công bố công khai, minh bạch, trung thực, kịp thời với báo chí, dư luận để xã hội hiểu đúng về doanh nghiệp nhà nước. Chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp nhà nước, bộ quản lý ngành phải chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần hết sức quan tâm, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy quá trình đổi mới, xắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước./.


Theo (TTXVN) - L.T