Vệ sinh an toàn thực phẩm ở Đô Lương: Khó kiểm soát
Những năm qua, nền kinh tế tại Đô Lương phát triển năng động, nhu cầu trao đổi, thông thương hàng hóa trên thị trường ngày càng nở rộ, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ban ngành chức năng trên địa bàn, đây hiện đang là một vấn đề rất khó kiểm soát…
(Baonghean.vn) - Những năm qua, nền kinh tế tại Đô Lương phát triển năng động, nhu cầu trao đổi, thông thương hàng hóa trên thị trường ngày càng nở rộ, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ban ngành chức năng trên địa bàn, đây hiện đang là một vấn đề rất khó kiểm soát…
Khu bán hàng rau củ quả và thực phẩm tươi sống của Trung tâm thương mại (TTTM) Đô Lương khá rộng rãi, tràn ngập mọi mặt hàng, người mua thỏa sức lựa chọn. Đon đả mời khách, chị Minh (bán rau củ quả tươi sống), bộc bạch: “Năm nay, nguồn rau cải, cà rốt, cà chua từ trong dân mình không nhiều nên bọn mình phải lấy hàng từ miền Nam. Tuy giá cả đắt hơn từ 700 đồng – 2.000 đồng/kg so với hàng nội tỉnh nhưng đảm bảo lúc nào cũng có, màu sắc và hình thức đẹp nên vẫn dễ bán”. Còn chị Nguyễn Thị Bình (xóm 5, xã Đặng Sơn) lại nhận xét: “Thị trường rau củ quả tràn lan, cá rốt và nho quả to căng tròn nhìn rất bắt mắt, nhưng thấy trên mạng cảnh báo nhiều về hoa quả Trung Quốc không an toàn cho sức khỏe vẫn được nhập vào ta nhiều, nhất là từ miền Nam ra, thật khó phân biệt mà lựa chọn”.
Ở TTTM Đô Lương hiện có trên 1.000 hộ kinh doanh buôn bán ổn định, trong đó có 30 hộ kinh doanh các mặt hàng rau củ quả, gần 90 hộ kinh doanh thực phẩm thịt, cá và trên 10 hộ kinh doanh bánh kẹo, rượu các loại. Theo ông Nguyễn Hoàng Sỹ - Giám đốc TTTM này thì đa số các mặt hàng rau củ, quả (nhất là cà rốt, nho, bắp cải tím…) được đưa từ miền Nam ra, mỗi ngày 2 - 3 chuyến ô tô với hàng tấn hàng về tận nơi phân phối. Đối với riêng các mặt hàng tự cung, tự cấp lâu nay được thu hoạch tại chính các cánh đồng thu nhập cao nội địa như Đông Sơn, Tràng Sơn, Thuận Sơn, Lưu Sơn... chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu thị trường các xã và các huyện lân cận như Anh sơn, Tân Kỳ, Thanh Chương, Con Cuông… Việc phân phối và trung chuyển lên miền núi phải phụ thuộc nguồn hàng trôi nổi từ nhiều kênh, nhiều miền, thậm chí người kinh doanh chủ động ký hợp đồng lấy hàng nhập ngoại về.
Một quày bán thịt tại TTTM Đô Lương .
Toàn huyện Đô Lương hiện có có 65 cơ sở sản xuất chế biến với gần 520 đại lý kinh doanh thực phẩm, trên 200 cơ sở chế biến và dịch vụ nhà hàng ăn uống, bếp ăn tập thể, bán trú tại các trường học. Trao đổi về vấn đề này, Bà Trần Thị Hườn - Phó khoa Vệ sinh ATTP- Trung tâm Y tế huyện Đô Lương, cho hay: không những các mặt hàng rau củ quả nhập về đang nảy sinh nguy cơ mất an toàn về chất lượng mà qua các lần kiểm tra của đoàn liên ngành gần đây cũng cho thấy nhiều bất cập trong công tác VSATTP. Điển hình như nhiều cơ sở chế biến bánh kẹo, bún, đậu phụ quy trình xử lý chất thải chưa đảm bảo, sử dụng chất phụ gia vượt mức cho phép của ngành Y tế như các cơ sở tại Thị trấn, Đông Sơn, Tân Sơn, Lưu Sơn, Đà Sơn. Đặc biệt, đợt kiểm tra dịp trung thu gần đây nhất thì các xã như Lạc Sơn, Hòa Sơn, Đà Sơn, Minh Sơn, Thuận Sơn còn sử dụng hàng bánh kẹo, rượu, nước mắm, xúc xích, cháo gà, sữa tươi không được đảm bảo về thời hạn sử dụng hoặc không nhãn mác nhưng vẫn được bày bán công khai. Cũng theo bà Huờn thì từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm toàn huyện có khoảng 200 vụ ngộ độc lẻ tẻ tại các hộ, nguyên nhân được xác định do thức ăn từ rau củ ,quả, rượu, hay chế biến thịt cá các loại chưa đảm bảo.. Các địa phương xã vào cuộc để tuyên truyền, thắt chặt công tác vệ sinh ATTP trong khối dân còn lơ là, buông lỏng về trách nhiệm.
Ông Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Hàng năm, để nâng cao hiệu quả công tác vệ sinh ATTP, huyện có công văn chỉ đạo chính quyền cơ sở, chủ nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất chế biến, nhất là bếp ăn bán trú cho nhà trẻ. Huyện tăng cường 5 đợt kiểm tra chính, yêu cầu các xã kiểm tra phải có biên bản cụ thể, vạch bỏ từng sản phẩm không đảm bảo yêu cầu và lập biên bản xử lý vi phạm tại chỗ. Tuy nhiên, hiện nay thực trạng vệ sinh ATTP trên địa bàn rất khó kiểm soát, nguyên nhân được xác định do luồng hàng xô bồ quá lớn, trong khi đó lực lượng quản lý, chuyên trách rất mỏng, kiêm nhiệm. Thiết bị đo lường, kiểm tra chất lượng không có, chủ yếu dùng nhãn quan, tét thử thông thường nên việc vạch định mức độ dư lượng an toàn của sản phẩm là điều chưa làm được. Đây cũng là nguyên nhân làm cho công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn vẫn đang “thả nổi” cùng thị trường.
Người dân Đông Sơn chăm sóc rau vụ đông
Được biết, hiện nay Chương trình hỗ trợ nguồn vốn của Ngân hàng thế giới LiSat đang tài trợ BQL cạnh tranh chăn nuôi và ATTP tỉnh kinh phí gần 3 tỷ đồng để xây dựng chợ thực phảm sạch tại Đô Lương, nằm trong khuôn viên chợ TTTM. Với chương trình này, chợ sẽ được xây dựng trên khuôn viên 260m2, đảm bảo công tác ATTP sạch khép kín có trang bị dụng cụ bán, dao thớt và đảm bảo an toàn về công tác y tế, thú y… Trên tinh thần này chợ sẽ từng bước trang bị, nâng cao nâng cao nhận thức của người dân về công tác tiêu dùng và vệ sinh ATTP tại Đô Lương.
Lương Mai