Nữ trí thức trẻ trên vùng đất “4 không”

11/12/2012 18:04

Năm 2010, Lương Thị Vân Anh (Hữu Khuông-Tương Dương) tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp phát triển nông thôn và làm việc tại Hà Nội. Công việc khá tốt, nhưng cô vẫn mong muốn được trở về phục vụ quê hương, bởi cô thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của đồng bào nơi đây.

(Baonghean) Năm 2010, Lương Thị Vân Anh (Hữu Khuông-Tương Dương) tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp phát triển nông thôn và làm việc tại Hà Nội. Công việc khá tốt, nhưng cô vẫn mong muốn được trở về phục vụ quê hương, bởi cô thấu hiểu nỗi vất vả, gian truân của đồng bào nơi đây.

Khi dự án 600 tri thức trẻ làm phó chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo do Bộ Nội vụ triển khai, Vân Anh nộp hồ sơ và đã vượt qua 170 ứng viên tại tỉnh Nghệ An trúng tuyển. Hoàn thành khóa tập huấn 3 tháng tại Trường Đại học Quảng Bình loại xuất sắc trong số 26 tân phó chủ tịch xã với đề án “Xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ ”, Vân Anh được phân công về công tác tại xã Hữu Khuông.

Tháng 6 năm 2012, nhận công tác, cô vô cùng ngỡ ngàng bởi Hữu Khuông giờ đây không còn đông vui với những bản làng san sát nhau như ngày xưa mà giờ như “ốc đảo” trong lòng hồ thủy điện, chỉ còn 7 bản của 3 dân tộc sinh sống: Thái, Khơ mú, Mông. Toàn bộ diện tích của xã đều là đồi núi cao, muốn đến các bản phải đi bộ, cũng là xã không có điện lưới, không có sóng điện thoại, không có đường, không có chợ.



Lương Thị Vân Anh

Được giao phụ trách mảng phát triển nông nghiệp nông thôn, nữ phó chủ tịch xã 27 tuổi đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ dân trí thấp, sản xuất tự cung tự cấp. Việc thuyết phục, vận động, hỗ trợ bà con thay đổi phương thức sản xuất, ứng dụng KHKT vô cùng khó khăn, trong khi không có phương tiện thông tin, liên lạc để trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp. Vân Anh kể, đợt triển khai dự án nuôi lợn đen bằng hình thức nuôi nhốt, dùng mọi lời lẽ thuyết phục nhưng đồng bào chẳng ai chịu bắt tay làm theo vì chưa tin cán bộ nói, không muốn thay đổi. Cuối cùng, cô đã tự tay làm chuồng và nuôi 2 chú lợn để làm mô hình mẫu. Chỉ trong thời gian ngắn, bà con đã bị thuyết phục và tự giác tham gia dự án bởi 2 chú lợn tăng trưởng rất nhanh. Hiện nay, ngoài dự án nuôi lợn đen, cô đã phối hợp Huyện đoàn Tương Dương chỉ đạo triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, dự án nuôi vịt bầu, dự án trồng lúa nước.

Vân Anh tâm sự: “Tham gia dự án trí thức trẻ, ban đầu rất lo lắng, băn khoăn, giờ đã quen, với lại được làm việc tại quê hương nơi sinh ra đúng với nguyện vọng của bản thân nên cũng vui. Năm năm sẽ là chặng đường dài vất vả vì em chưa lập gia đình, đang sống một mình giữa “ốc đảo” này, nhưng em tự nguyện vì đồng bào nơi đây đã quá vất vả. Kết thúc dự án, nếu được đồng bào chấp nhận em vẫn tiếp tục gắn bó nơi này”.

Chia tay bản làng Hữu Khuông, dáng người nhỏ bé của nữ phó chủ tịch xã khuất dần trong màu xanh ngút ngàn của núi rừng, để lại tình cảm quý mến và khâm phục của chúng tôi về một cô gái Thái đã không ngại gian khổ tình nguyện vì cuộc sống của bà con dân bản.


Đặng Quang (Tỉnh đoàn)