Luôn cần tôn trọng giá trị truyền thống

10/12/2012 18:42

(Baonghean) - Tôi cảm ơn Báo Nghệ An đã đưa vấn đề "Giá trị truyền thống" của Hải Triều ở số báo ra ngày 22/11/2012 lúc này thật đúng lúc. Đây quả thực là một bài báo hay. Chủ đề này rất hấp dẫn trong mọi tầng lớp quần chúng nhân dân, bởi nó đã và đang đặt ra nhiều chiều hướng trái ngược nhau. Kẻ thì tán đồng lối sống phương Tây, cho đó là văn minh, tiến bộ, khoa học, tự do. Cái tôi được phát huy đến tối đa, chê lối sống phương Đông là gò bó, là kìm hãm sự phát triển tài năng, trí tuệ của con người… Ngược lại, có người ca ngợi lối sống của phương Đông là một lối sống đầy “tình người" và "tính người", họ đả kích không tiếc lời lối sống phương Tây. Cũng có kẻ lưng chừng vì theo họ là: Chưa biết gì rõ ràng về hai lối sống Đông và Tây này, chưa thật thấu đáo nên họ khen cũng có mà chê cũng có. Việc khen chê đó chủ yếu là dựa trên những ấn tượng trực quan và phát biểu theo ý chủ quan của mình mà thôi...

Theo tôi, con người phương Tây là con người đã được hấp thụ khá chắc nếp sống của họ. Qua thời gian sống, họ đã chấp nhận nó một cách tự giác hoặc là không tự giác, rồi xem việc đó, cuộc sống đó như là một lẽ đương nhiên không thể chối từ. Và cũng chính cuộc sống lại giúp họ nhẹ nhàng điều chỉnh từ từ, lặng lẽ hoặc thêm, hoặc bớt để rồi đi đến chấp nhận thoải mái.

Còn ở phương Đông thì chúng ta vừa mới liếp thu nó. Mà việc tiếp nhận nó lại không ai bắt buộc, không ai tuyên truyền, vậy nên như thế nào, bởi lối sống đó vào các ngả với nhiều cách khác nhau. Hoặc là theo con cái họ "đi Tây" về, hoặc là nghe nói ở phương Tây thế này thế nọ, rồi họ tự làm theo cho có vẻ ta đây, hoặc học đòi theo phim ảnh, hoặc nghe mấy tay đi xa về nói khoác… Và bây giờ, trong cái thời kỳ hội nhập này, chúng ta còn phải chấp nhận nhiều những cái trái tai gai mắt, không phải vì nó ngược ngạo, vô lý mà chính vì ta chưa quen mắt và hợp tai.

Khi đi vào cuộc sống, con người phương Tây lại muốn đâu ra đấy rành mạch, rõ ràng, cha mẹ ra cha mẹ, con cái ra con cái không lẫn lộn chung chạ được, việc ai người ấy lo. Điều ấy làm tăng tính tự lập cao, trách nhiệm lớn không ỷ lại, không nhờ vả làm phiền nhau, nhất là họ đề cao vai trò "người đàn ông" dám lăn xả, dám nhận trách nhiệm, là chỗ dựa vững chắc cho người đàn bà mà có đôi lúc do nhìn nhận nhầm lẫn ta thường gọi đó là nịnh đầm. Nếu trong khi có cả đàn ông và đàn bà xuất hiện một việc nào đó cần làm (có thể phù hợp cho cả hai loại người cùng làm được) thì nhất định là người đàn ông phải làm, dứt khoát là không né tránh. Còn ở phương Đông, thì nhiều lúc ngược lại. Ngay việc hai vợ chồng đi chợ thì đương nhiên là người chồng phải xách túi. Họ coi đó như là một vinh dự vì họ đang làm một việc làm cao cả. Còn ở phương Đông thì dứt khoát là vợ phải xách túi. Hơn nữa, cũng do cuộc sống đòi hỏi con người luôn luôn phải khẩn trương, nhịp điệu khoa học, không cho phép chậm chạp, rề rà.

Phân tích kỹ hơn một số nếp sống phương Đông: Các cô mới lớn lên mà có con mọn rồi, khi đến công sở cũng luôn luôn gắt gỏng vì bận rộn từ ở nhà mang đến. Đã thế, khi cuộc sống được nâng cao thì những mong muốn, những yêu cầu cho mỗi cá thể cũng từ đó đòi hỏi cần có nhiều thời gian hơn. Trước kia ngủ dậy ăn uống qua loa, rửa mặt qua loa, mặc áo, quần cũng qua loa. Ngày nay đâu được thế. Phải ăn cho có chất để cái mặt không bị rám đen, rửa mặt bằng nước gì đây cho da bớt nhăn nheo. Lại còn tý phấn, hộp sáp sao cho cái môi không nhợt nhạt…

Mặt khác, chúng ta thường ít nghĩ rằng, những vấn đề khoa học mà chúng ta có ngày nay là đều dựa trên những thành tựu khoa học của ngày hôm qua. Cái tivi, cái máy điện thoại, thậm chí những công trình khoa học lớn nhất thế giới ngày nay đều phải dựa vào những thành tựu của ngày hôm qua. Thế mà thế hệ hôm nay luôn mở miệng ra là chê bai người hôm qua là lạc hậu. Con cái nói cha mẹ là bảo thủ, trẻ con bảo người già là chậm tiến. Thời đại ngày nay, chê thời đại ngày xưa là lỗi thời… Nói như vậy chính là phản bội hay nói đúng hơn là một khía cạnh của sự phản bội, là sự không muốn nhìn nhận lại quá khứ. Quá khứ đã mất rất nhiều công sức và cả trí tuệ kể cả xương máu mới có cái hiện tại ngày nay. Ta cần nhận thức được rằng: Chúng ta có thể tiến bộ hơn ngày hôm qua nhưng không thể tiến bộ hơn những ngày mai, cũng như những người ngày hôm qua làm thế nào tiến bộ hơn ngày hôm nay được. Vì thế chúng ta phải luôn luôn biết ơn và kính trọng những người hôm qua, vì chính họ có sự tiến bộ hơn ngày hôm qua đó, nên mình mới có chỗ đứng cho ngày hôm nay mà vượt lên ngày mai và rồi con cháu chúng ta lại có thế đứng trên cái ngày mai đó mà thăng tiến lên ngày hôm kia, tạo thành quy luật của sự tiến bộ chung của loài người đi lên. Đó mới là cách nhìn đúng đắn của một con người gọi là có hiểu biết. Chúng ta ngày nay có trách nhiệm tìm ra cái lỗ hổng của ngày hôm qua để bù đắp vào cho hoàn thiện hơn cái ngày hôm nay cũng như lớp sau có trách nhiệm tìm cái lỗ hổng ngày hôm nay để bù đắp vào cho hoàn thiện cái ngày mai và cứ thế tiếp tục.

Trở lại câu chuyện "Hãy trân trọng những giá trị truyền thống" của Hải Triều, tôi rất tán đồng rằng, chúng ta là những con người được cha mẹ, nhân dân nuôi dưỡng. được thầy, cô giáo dạy dỗ, soi sáng tâm hồn, được Đảng chỉ đường, mở lối, được thừa hưởng nhiều điều rất tốt đẹp trong thời đại Hồ Chí Minh, được ảnh hưởng một nền nếp truyền thống của một dân tộc vừa anh hùng vừa thông minh và cần cù, vừa giàu tình nghĩa, vừa rộng lòng nhân ái, phân minh phải trái, biết đoàn kết thương yêu đùm bọc nhau. Chúng ta tự hào và luôn luôn biết phân minh phải trái mà nâng niu quý giá, biết ơn và trân trọng những giá trị truyền thống xưa và chúng ra cũng biết rất rõ ràng rằng: Chúng ta chỉ có thể sánh vai cùng nhân loại năm châu bốn biển khi chúng ta biết tự mình đứng vững trên nền của những truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Và đó cũng chính là bệ phóng để chúng ta bay lên.
Vinh, ngày 23/11/2012


Lê Hoà Mai (Nhà 11 - ngõ 65, đường Tôn Thất Tùng, K.Xuân Bắc- P.Hưng Dũng – TP. Vinh)