Đoàn ĐBQH 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia

19/09/2012 11:33

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 22 tháng 10 tới, sáng nay 19/9, tại thành phố Vinh, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Phạm Văn Tấn - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Trần Tiến Dũng - Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn đại biểu Quốc hội 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia.

(Baonghean.vn) - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 22 tháng 10 tới, sáng nay 19/9, tại thành phố Vinh, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Phạm Văn Tấn - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Trần Tiến Dũng - Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn đại biểu Quốc hội 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia.

Tham dự có đồng chí Thái Văn Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Lê Xuân Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước.

Dự thảo Luật Dự trữ quốc gia gồm 6 chương với 63 điều, đã được Quốc hội khóa XIII cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 vừa qua. Dự thảo luật này quy định việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng nguồn dự trữ quốc gia; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong việc hình thành, tổ chức quản lý, điều hành và sử dụng nguồn dự trữ quốc gia.




Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến: Tên gọi là Luật Dự trữ quốc gia thì hợp lý hơn tên gọi Luật Dự trữ nhà nước, bởi theo định hướng tới đây mà dự án luật đưa ra là nguồn lực cho hoạt động dự trữ sẽ huy động xã hội hóa từ nhiều nguồn lực khác chứ không phải chỉ huy động từ nguồn lực ngân sách Nhà nước như lâu nay. Về mục tiêu, cần tập trung vào các mục tiêu đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng – an ninh và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác của Nhà nước, không chỉ dàn trải vào nhiệm vụ kìm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội.

Về danh mục hàng dự trữ cần quy đinh theo nhóm, đảm bảo tính linh hoạt và phản ánh đúng mục tiêu của dự trữ quốc gia. Cần thống nhất giao Chính phủ ban hành chính sách, định hướng phát triển, ngân sách chi cho hoạt động dự trữ cần phù hợp với Luật ngân sách. Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về nguyên tắc, quy định, điều kiện nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia; giá mua, giá bán, chi phí nhập, xuất, bảo quản và sử dụng hàng dự trữ quốc gia.


Mai Hoa