Điểm sáng giáo dục miền Tây Nam xứ Nghệ

16/11/2012 20:43

(Baonghean) - Với bề dày thành tích của 45 năm phấn đấu, trưởng thành, với tiềm năng và sức sống mới, Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú Con Cuông xứng đáng là một trong những cái nôi giáo dục - đào tạo của miền Tây Nam Nghệ An.

Trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Con Cuông được thành lập năm 1967, với tên gọi đầu tiên là Trường cấp 3 huyện Con Cuông. Trường được hình thành trên cơ sở tách ra từ Trường cấp 3 huyện Tương Dương, lúc đầu chỉ với 3 thầy giáo và 43 học sinh. Sau một tháng thành lập, Trường tổ chức được hội đồng giáo dục với 9 giáo viên đầy đủ các bộ môn và 1 cán bộ văn phòng, do thầy giáo Vi Văn Phúc làm Hiệu trưởng.

Để phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, ngày đầu thành lập Trường đóng tại bản Lằn, xã Môn Sơn, là địa bàn vùng sâu nhưng có bề dày truyền thống cách mạng. Với sự giúp đỡ tận tình của cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Con Cuông và xã Môn Sơn, thầy và trò bắt tay xây dựng cơ ngơi với những lớp học ban đầu bằng khung tre nứa, mái lá, tường đất, thiết kế nửa chìm, nửa nổi để tránh bom Mỹ. Ngay trong năm học đầu tiên (năm học 1967-1968), Trường đã huy động được 155 học sinh đến trường, trong đó có 46 học sinh người dân tộc thiểu số; chia thành 4 lớp gồm hai lớp 8, một lớp 9 và một lớp 10.

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Trường phải sơ tán qua nhiều địa điểm khác nhau, trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh. Đáng nhớ là sự kiện bi thương đêm 21/11/1972, máy bay B52 của Mỹ oanh tạc vào khu vực của Trường, làm 2 học sinh, 1 cô giáo bị thương và 1 cán bộ hy sinh. Tuy vậy, được sự đùm bọc, che chở, giúp đỡ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện, Trường vẫn duy trì hoạt động dạy học và đào tạo được nhiều khóa, với hàng trăm học sinh tốt nghiệp ra trường.

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, năm 1973, Trường chuyển về thị trấn huyện, xây dựng cơ ngơi trường lớp, bổ sung đội ngũ giáo viên, mở rộng quy mô đào tạo và trở thành ngôi trường có bề dày thành tích ở khu vực miền núi của tỉnh.

Bước vào thời kỳ đổi mới, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của ngành giáo dục và nhân dân, Trường tiếp tục có bước phát triển quan trọng. Đến nay, cơ sở vật chất của Trường được xây dựng hoàn chỉnh, hiện đại, với 39 phòng học cao tầng kiên cố, đảm bảo học 1 ca, có 4 phòng học lý thuyết và thực hành môn Tin học với 40 máy vi tính, 3 phòng thực hành môn Vật lý - công nghệ, Hóa, Sinh và phòng truyền thống, có ký túc xá đủ chỗ cho 100 học sinh, cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. Quy mô đào tạo lên đến 39 lớp, gần 1.500 học sinh. Đội ngũ có hơn 100 cán bộ, giáo viên, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo; đa số đều trẻ trung, năng động, có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, nhiều người đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Trải qua 45 năm phấn đấu, trưởng thành, Trường đã đào tạo được gần 10.000 học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó hàng ngàn học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Những năm gần đây, Trường liên tục đứng ở vị trí thứ 3, thứ 2 bảng B (gồm có 34 trường) về kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Có nhiều học sinh đậu vào các trường đại học với điểm số cao từ 24 đến 28,5 điểm.

Từ mái trường Trung học phổ thông Dân tộc Nội trú Con Cuông, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều học sinh ưu tú đã trở thành sỹ quan, tướng lĩnh, các nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc; cán bộ giữ vị trí quan trọng ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Có thể kể đến như: PGS-TS Hà Văn Thuyết - Phó Chủ nhiệm khoa Hóa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS- TS Nguyễn Văn Long, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; TS Vi Văn An - Trưởng phòng Sưu tầm Nghiên cứu văn hóa nước ngoài Viện Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; đồng chí Phan Tuấn Hùng - Chánh Văn phòng Viện Chiến lược Chính sách Bộ Tài Nguyên và Môi trường; anh Nguyễn Cảnh Nam - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Vi Xuân Giáp - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Con Cuông và nhiều cán bộ chủ chốt của địa phương, cán bộ cốt cán của ngành giáo dục huyện Con Cuông.


Trọng Hoàng