"Con đã tha thứ cho cha từ lâu lắm rồi..."

08/10/2012 22:00

Trong hàng trăm đôi mắt sớm buồn của lũ trẻ Làng S.O.S Vinh buổi chiều hôm ấy, tôi đặc biệt chú ý tới đôi mắt thăm thẳm của một cô bé 10 tuổi. Em vừa đi học về, cái bóng bé nhỏ lũn cũn trên cái sân thênh thang nắng quái. Anh Lê Bá Lương, cán bộ Làng trẻ nói nhỏ: Đó chính là bé Nguyễn Thị Thanh Trúc, con của tử tù Nguyễn Khắc Long, kẻ đã tước đoạt mạng sống của vợ và anh trai vợ, trong vụ án ở bến đò Cây Chanh (Anh Sơn) năm 2010. Hôm qua, chính tôi đã đưa cháu vào thăm cha ở trại Nghi Kim nhờ sự giúp đỡ của một phóng viên Báo Pháp luật. Có lẽ hôm nay, cháu vẫn chưa hết buồn?

(Baonghean) Trong hàng trăm đôi mắt sớm buồn của lũ trẻ Làng S.O.S Vinh buổi chiều hôm ấy, tôi đặc biệt chú ý tới đôi mắt thăm thẳm của một cô bé 10 tuổi. Em vừa đi học về, cái bóng bé nhỏ lũn cũn trên cái sân thênh thang nắng quái. Anh Lê Bá Lương, cán bộ Làng trẻ nói nhỏ: Đó chính là bé Nguyễn Thị Thanh Trúc, con của tử tù Nguyễn Khắc Long, kẻ đã tước đoạt mạng sống của vợ và anh trai vợ, trong vụ án ở bến đò Cây Chanh (Anh Sơn) năm 2010. Hôm qua, chính tôi đã đưa cháu vào thăm cha ở trại Nghi Kim nhờ sự giúp đỡ của một phóng viên Báo Pháp luật. Có lẽ hôm nay, cháu vẫn chưa hết buồn?


Và câu chuyện của tôi với con gái người tử tù đã diễn ra ngay tại bậc thềm Nhà số 10, của Làng trẻ...


Nỗi bất hạnh từ bi kịch kinh hoàng ấy đã trút cả lên đôi vai gầy của em suốt 2 năm qua, giờ đây, nó trĩu xuống một buổi chiều trước bậc thềm đầy gió. Có một căn nhà nhỏ từng ngập tràn hạnh phúc bởi đôi tay gây dựng của cha và mẹ cùng tiếng khóc, cười của bé Trúc. Rồi người lớn, không hiểu sao cứ làm nó nứt rạn...Lộn xộn kí ức, Trúc kể lại những ngày mẹ em bỏ hai cha con vào Tây Nguyên. Thương con gái nhỏ khóc hàng đêm nhớ mẹ, cha đã ôm em đi tìm mẹ. "Ngày ấy, biết cháu nhớ mẹ, cha cũng nhớ nên hai cha con bắt ô tô khách đi một chặng dài, sau đó cha chở cháu bằng xe đạp trên khắp các con đường xa lạ mong tìm thấy mẹ. Cháu biết, mẹ cũng thương cháu chứ, nhưng chắc mẹ sợ mang cháu theo vào đây làm cà phê vất vả".

Những hình ảnh, cảm giác ấy đến giờ vẫn sáng bừng trong trí nhớ của đứa trẻ non nớt: ấy là khi em ngồi sau lưng cha trên chiếc xe đạp cọc cạch, vòng tay bé bỏng của em bíu chặt manh áo bay lật phật của cha đi trên những con đường đất đỏ. Cha lúc nào cũng kể chuyện cho em bớt buồn. Hai cha con vẽ ra cái cảnh tượng được gặp mẹ, được sống cùng mẹ. Ấy còn là những lần cô bé lon ton ôm sách vở, chọn ngồi dưới gốc cây cà phê, còn ở đằng xa người cha vừa cười, vừa chuyện trò với em vừa hái cà phê. Sâu đận ấy, gia đình Trúc cũng đoàn tụ một thời gian ngắn ngủi. Chưa kịp vui mừng, em lại phải chứng kiến sự chia ly. Lần này thì mẹ mang theo em vào lại Tây Nguyên: "Những ngày xa mẹ thì nhớ mẹ, nhưng thời gian cháu vào với mẹ thì cháu lại nhớ cha lắm"...Cha em lại cất công một lần nữa vào Tây Nguyên tìm vợ con. Nhưng cha chỉ mang được Trúc về, còn mẹ em đã ở lại với hy vọng xây dựng được hạnh phúc mới.


Khi mẹ Trúc về quê lần nữa, chính là lần mẹ em muốn ra tòa xin ly dị. Ngày cậu em chở mẹ lên tòa, Trúc xin cha cho đi theo, nhưng cha em chỉ dặn bằng cái giọng khác thường: Con không được đi theo cha, phải ngoan, ở lại nhà... Bi kịch lớn nhất của gia đình em đã xảy ra trong ngày hôm đó. Mẹ và cậu em ra đi vĩnh viễn dưới những nhát dao oan nghiệt của chính cha mình. "Thương mẹ, thương cậu, lúc đầu, cháu cũng giận cha lắm, nhưng khi cha bị bắt vào tù rồi thì cháu lại nhớ thương cha. Cháu cũng không oán trách cha nhiều nữa".


Trúc được đưa vào Làng trẻ S.O.S cách đây vừa 1 năm. Em có gia đình mới của mình, có người mẹ tên Soa với nhiều anh, chị và em. Em được đi học, được vui vầy với nhiều trò chơi. Nhưng trong những giấc mơ, em vẫn gặp lại mái nhà xưa. Dưới mái nhà ấy, em trở dậy mỗi ban mai trong lành bởi đôi tay dịu dàng của mẹ Ngân. Và trên con đường làng lầy thụt những ổ gà, em ngồi trên lưng cha Long với ríu rít câu chuyện thơ trẻ. Niềm vui nhỏ bé, xa xôi và ấm áp vô cùng... Trúc thường có một góc riêng của mình để tưởng tượng và thương nhớ. "Lúc nhớ mẹ, cháu lại lấy tấm ảnh mẹ ra ngắm. Lúc nhớ cha, cháu lấy thư cha ra đọc". Trúc run run cầm những kỷ vật quý giá của em để khoe với tôi. Em chỉ vào 2 bức ảnh mà em có: "Đây là mẹ cháu, mẹ cháu mỉm cười đấy. Còn đây là những bức thư mà cha viết cho cháu trong tù". Tôi nhìn những bức ảnh và những bức thư Trúc đang giữ chặt trong lòng. Cô bé ấy đã ấp nó bao lần lên ngực, bao lần xem và đọc nó mà trào dâng nước mắt? Đã bao lần nó giúp cô bé được vỗ về quên đi nhớ thương, hờn tủi?


Trong những bức thư được viết với nét chữ nguệch ngoạc sau song sắt nhà tù, tôi không còn thấy nữa hình ảnh một tử tù, chỉ còn một con người đầy ăn năn, một người cha thương yêu con vô bờ bến: "Con có nhớ cha không, có nhớ những ngày cha con bên nhau? Ở nơi đây cha đang gắng từng ngày, để mong có ngày cha được nhìn thấy con, ôm con vào lòng, được bù đắp lại cho con tất cả những gì đã mất bằng tình thương vô hạn cha dành cho con. Con ạ, nếu như con mong nhớ cha nhiều thì con hãy tin rằng cha luôn ở bên con và luôn theo dõi con, mong con khôn lớn. Tình yêu thương cha dành cho con bao nhiêu thì cha càng đau khổ và ân hận về lỗi lầm của cha bấy nhiêu". "Và cha cứ nghĩ không biết phúc hậu nhà ta mai sau thế nào nữa, cho nên cha đã làm điều ác và thất đức thì con phải biết sống cho nhân nghĩa ở đời. Ở hiền gặp lành con ạ... Mỗi khi cha nghĩ đến con là nước mắt lại tuôn trào, cổ họng cứ nghẹn đắng lại... Cho cha gửi lời xin lỗi con và anh em nội ngoại nhé!".

Niềm mong mỏi duy nhất khi được hỏi của tử tù Nguyễn Khắc Long chính là mong được gặp con gái một lần. Ước mong ấy đã được toại nguyện khi ngày 24/9 vừa qua, một phóng viên báo Pháp luật Việt Nam sau thời gian đi viết bài về những tử tù, đã viết đơn xin phép Trại giam Nghi Kim và Làng trẻ cho phép Trúc được đến thăm cha.


Trúc mặc bộ đồ học sinh và em nức nở khi xe ô tô dừng trước khu cửa trại giam. Trúc đứng vịn vào lan can sắt nhìn vào những căn phòng biệt giam qua những tấm lưới sắt. Em chờ giây phút cha mình xuất hiện. Giây phút hai cha con nhìn thấy nhau qua mấy tấm lưới và khoảng không, cả hai đều đã òa lên. Cha em mãi mới dám ngẩng đầu vì nỗi mặc cảm quá lớn trước đứa con gái bé bỏng. Thật gần ngay đây, mà người cha không thể ôm con vào lòng. Thật gần ngay đây mà hình ảnh con chợt nhạt nhòa giữa những hàng nước mắt. Người cha lắp bắp, như thể những lời đang nói không thể diễn tả hết biết bao nhiêu trào dâng trong lồng ngực. Chỉ có điều này là rõ ràng, và được nhắc đi, nhắc lại: "Con hãy hiểu cho cha. Xin con hãy tha thứ cho cha".



Phút giây gặp gỡ của hai cha con bé Trúc.Ảnh: V.Minh

Còn Trúc, em nhoài tấm thân mỏng mảnh của mình lại phía những cánh cửa, những tấm lưới sắt nặng nề, mong gần cha hơn. "Cha hỏi cháu sống có tốt không, cháu nói rằng cha cứ yên tâm. Con ở Làng trẻ có rất nhiều bạn bè, có mẹ rất thương con. Cha cháu cũng nói ở trong ấy cha sống tốt. Mọi người ai cũng thương cha và đối xử tốt với cha. Con đừng lo gì nhiều. Cha cháu còn nhắc lại chuyện cũ, rằng lúc đó cha quá điên khùng, không phân biệt được phải trái nữa. Cha hỏi bà có khỏe không, con biết tin gì ở nhà nữa không, giỗ mẹ con có về được không... Cha nói trong thời gian ở tù, cha cháu đã đan quà cho cháu bằng sợi len". Những lời hỏi thăm, câu chuyện gia đình, quá khứ, lời phân trần, những ăn năn ấy đã diễn ra giữa trăm nỗi nghẹn ngào. Người cha hỏi đi hỏi lại, không hiểu vì nặng tai, vì bối rối hay vì muốn giành giật chút thời gian quý giá của một tử tù. 30 phút gặp gỡ, và khi tiếng thông báo hết thời gian kết thúc, có cảm giác rằng em đã phải tự gỡ đôi bàn tay nhỏ bé của mình bám trên lan can phòng chờ một cách đầy khó nhọc để bước khỏi nơi này, rời xa cha mình.

Anh Lê Bá Lương kể lại: Lúc đó, ai chứng kiến giây phút này cũng trào nước mắt. Bé Trúc ngoái lại nhìn mãi theo bóng cha khi người ta đưa em đi xa dần. Phía sau song sắt, mặt người tử tù tái dần. Anh ta bỗng dưng khuỵu xuống, như một tàu lá, đôi chân anhb ta không thể mang nổi cơ thể nặng nề những buồn đau, day dứt. Còn lại tàn hơi cuối cùng, anh ta gọi tên con. Trúc quay trở lại, đôi mắt em đầy nước, bàn tay vô vọng níu giữa khoảng không. "Cha ơi!". Em đã thốt lên bằng tất cả tấm lòng của một người con đầy kính trọng, biết ơn, đầy đau khổ, vị tha.




Trúc nâng niu món quà cha tặng. Ảnh: T.Vinh

Và khi Trúc kể lại câu chuyện gặp cha với tôi, trong đôi mắt em vẫn nguyên hai ánh nước. Em mân mê món quà của cha tặng, được gói trong một túi bóng cũ: Những con tôm, những chiếc vòng, chiếc nhẫn, một cậu bé người tuyết... được đan bằng sợi. Trên chiếc nhẫn, người tù tỉ mẩn ghép sợi thành tên con: Thanh Trúc, và trên chiếc vòng tay là hàng chữ, phải nhìn tinh lắm mới thấy: Cha thương con nhiều lắm! Tôi nghĩ đến những đêm, những ngày dài của người cha ăn năn và thương nhớ ấy trong góc tối của căn phòng biệt giam. Giờ đây, đứa con bé bỏng đang cầm trên đôi tay rưng rưng. "Có điều gì không, Trúc muốn nói với cha mình?" - tôi hỏi. Và câu trả lời của Trúc đã làm tôi sững sờ vì triết lý giản dị của tình yêu thương: "Lúc nào viết thư, hay cả khi gặp mặt, cha đều xin cháu tha thứ cho những lỗi lầm. Cha không biết được rằng, con đã tha thứ cho cha từ lâu lắm rồi!".


Thùy Vinh