Đưa dịch vụ CSSKSS đến với đồng bào vùng cao
Trong chiến lược quốc gia về Dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) là một nhiệm vụ quan trọng. Trong những năm qua, mô hình cung cấp dịch vụ lưu động của Hội KHHGĐ được đánh giá là một mô hình hiệu quả, góp phần trong việc CSSKSS cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
(Baonghean) - Trong chiến lược quốc gia về Dân số - KHHGĐ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) là một nhiệm vụ quan trọng. Trong những năm qua, mô hình cung cấp dịch vụ lưu động của Hội KHHGĐ được đánh giá là một mô hình hiệu quả, góp phần trong việc CSSKSS cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) là xã biên giới, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Hòa, Trạm trưởng Trạm y tế xã Hạnh Lâm cho biết: “Do đặc thù xã vùng cao, biên giới, cách xa trung tâm huyện nên việc tiếp cận các dịch vụ về CSSKSS rất hạn chế. Người dân, nhất là đồng bào dân tộc ít quan tâm và còn xem nhẹ việc thăm khám SKSS theo định kỳ; không có những kiến thức cơ bản về SKSS. Sau 5 năm thực hiện mô hình cung cấp dịch vụ lưu động, bất cập trên cơ bản có chuyển biến tích cực...”
Phụ nữ xã Tri Lễ, huyện Quế Phong tham gia khám phụ khoa trong chiến dịch CSSKSS. Ảnh: Thành Hưng
Trước thực trạng đó, thời gian qua, Đội cung cấp dịch vụ lưu động (Hội KHHGĐ) phối hợp với Trạm y tế xã Hạnh Lâm đã tổ chức được 80 cuộc sinh hoạt hàng tháng, 160 cuộc sinh hoạt nhóm nhỏ với hơn 10.000 lượt người tham gia, thực hiện 16 chuyến cung cấp dịch vụ miễn phí như siêu âm, khám thai, khám phụ khoa, cấp phát thuốc... cho hơn 9.000 lượt người. Nhờ đó, tỷ lệ nhận thức về SKSS, KHHGĐ của người dân trên địa bàn 2 xã Hạnh Lâm, Thanh Sơn tăng 30%, tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa giảm 20%, số người sử dụng các biện pháp tránh thai tăng 20%, 97% phụ nữ được khám thai, siêu âm theo định kỳ... Chị Vi Thị Hương, bản Kim Chương, xã Thanh Sơn cho biết: “Suốt ngày quanh quẩn với nương rẫy, chăn nuôi để lo cho 2 đứa con ăn học, không có thời gian, sợ tốn kém nên chỉ khi đau lâu, ốm nặng, tôi mới đi bệnh viện thăm khám. Vừa qua, đội khám lưu động về tận xã, đi khám mới biết tôi bị viêm nhiễm. Sau đó, tôi được cấp thuốc điều trị, được cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS...”
Đội cung cấp dịch vụ lưu động là một mô hình nằm trong Dự án “Tăng cường tiếp cận và CSSKSS, tập trung vào làm mẹ an toàn, sức khoẻ vị thành niên, thực hiện quyền sinh sản” được Hội KHHGĐ triển khai từ năm 2007. Đội có 5-7 thành viên, đều là những cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm tư vấn và kỹ năng giao tiếp, được đào tạo kiến thức cung cấp dịch vụ theo chuẩn quốc tế... Địa bàn hoạt động của Đội là 10 xã thuộc 2 huyện Thanh Chương và Anh Sơn. Đây đều là những xã khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, nhất là kiến thức về kế hoạch hoá gia đình còn hạn chế nên tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ mắc các bệnh phụ khoa còn cao. Người dân còn hạn chế trong việc tiếp cận những thông tin, kiến thức và dịch vụ về SKSS, kế hoạch hoá gia đình và còn e ngại khi đề cập đến vấn đề SKSS.
Với tiêu chí hoạt động là cung cấp dịch vụ mang tính thân thiện và có chất lượng, các chuyến cung cấp dịch vụ lưu động của Đội đều được chuẩn bị rất kỹ càng. Không chỉ trang bị các tài liệu truyền thông, thuốc men, máy móc, dụng cụ y tế, cán bộ của Đội lưu động còn chuẩn bị cả nước uống cho bà con có chỉ định siêu âm, bánh kẹo, nước uống cho trẻ nhỏ đi theo mẹ... Đồng thời, Đội cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương hưởng lợi từ dự án để vận động người dân tới khám, tuyên truyền giúp người dân hiểu về tầm quan trọng của CSSKSS. Trong 5 năm qua, Đội đã tổ chức 150 chuyến thăm khám lưu động cho phụ nữ tại 10 xã vùng cao; đã có 83.000 lượt phụ nữ được khám, điều trị bệnh phụ khoa tại chỗ, trên hàng chục ngàn lượt người được tư vấn về CSSKSS, KHHGĐ, bình đẳng giới, bệnh lây truyền qua đường sinh sản. Ở các xã được tiếp nhận dịch vụ lưu động, tỷ lệ phụ nữ viêm nhiễm đường sinh sản giảm 30-40% so với trước khi thực hiện dự án; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm 6-10%; tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các BPTT tăng 20-25%...
Mô hình Đội cung cấp dịch vụ lưu động đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao nhận thức cho đồng bào vùng cao, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số về CSSKSS. Tuy nhiên, dự án mới chỉ dừng lại ở 10 xã của 2 huyện nên đối tượng hưởng lợi còn hạn hẹp. Thiết nghĩ, khi dự án kết thúc, hoạt động của mô hình vẫn được hỗ trợ để duy trì; đồng thời có kế hoạch nhân rộng mô hình này đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn ở 11 huyện miền núi.
THANH PHÚC