Di đường chữa viêm phế quản mãn tính

16/11/2012 20:40

Di đường còn gọi là đường dẻo, mạch nha, kẹo nha, kẹo mạch nha, mạch nha đường, tên khoa học là maltum.

Đông y gọi là di đường hay giao di có nguồn gốc từ ngũ cốc, được tạo ra qua quá trình lên men sinh học, thủy phân tinh bột thành đường.

Từ cổ xưa, dân gian đã biết chế kẹo nha từ gạo nếp và mầm lúa để dùng làm nguyên liệu trong chế biến bánh kẹo và được sử dụng làm thuốc. Ở Việt Nam ta vì chưa có lúa mạch, vẫn dùng hạt thóc tẻ (thóc chiêm hay thóc mùa đều được) oryza sativa l. Var. Utilissima cùng họ để ngâm cho nẩy mầm rồi phơi khô gọi là cốc nha. Mới đây ta có nhập giống lúa mạch về trồng để chế bia nhưng chưa đủ dùng.

Đông y coi di đường là loại thuốc quý và gọi tên thuốc là di đường và cho rằng, di đường có vị ngọt, tính ôn đi vào các kinh tỳ, vị và phế. Công năng bổ trung ích khí, bổ tỳ, nhuận phế, điều vị hoà trung, an thai, chỉ thống, bổ hư, sinh tân, chỉ khái, nhuận tràng.

Dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, đau do loét dạ dày tá tràng, viêm khí phế quản, ho khan đờm dính, táo bón (nhờ độ ngọt thấp hơn đường saccharose và glucose, dễ tiêu hoá). Ngoài ra còn công hiệu giải độc Phụ tử Ô đầu…

Lưu ý: Người có thấp nhiệt đầy tích, không tiêu, nôn thổ không nên dùng. Dưới đây là vài cách trị bệnh từ di đường.

* Tri cơ thể gầy yếu suy nhược, mệt mỏi kém ăn, chân tay lạnh, xanh xao, khí huyết hư: Dùng phương gồm thục địa 10g, can khương 16g, đẳng sâm 8g, di đường 60g, 3 vị đầu đem sắc lấy dịch thuốc, rồi pha di đường vào uống ngày 1 thang, chia 2 - 3 lần, uống liền 7 - 10 ngày.

* Chữa chứng dương hư, âm hàn thịnh: Biểu hiện vùng ngực lạnh đau, không ăn được, đau đầu hoặc đau bụng âm ỉ do hàn tích, rêu lưỡi trắng trơn, mạch vi tế hoặc chân tay quyết lạnh, mạch phục hoặc sôi bụng đi phân lỏng, nguyên nhân do hàn ẩm tích ở trong.

Phép trị là ôn trung bổ hư, giáng nghịch, chỉ thống.

Dùng "Đại kiến trung thang"gồm thục tiêu 12g, can khương 16g, nhân sâm 8g, di đường 80g. Sắc uống ngày 1 thang. Chia 3 lần.

* Trị các chứng hư nhược, lý cấp, đau bụng: Biểu hiện thích chườm nóng hoặc dương hư phát nhiệt gây phúc thống hoặc vùng ngực máy động.

Phép trị cần phải ôn trung bổ khí hòa lý, chỉ thống.

Dùng phương"Hoàng kỳ kiến trung thang" gồm thược dược 24g, quế chi 12g, sinh khương 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g, di đường 80g, hoàng kỳ 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần.

* Dùng cho các trường hợp đau bụng đe doạ sảy thai: Dùng "Di đường sa nhân thang" gồmdi đường (mạch nha) 20g, sa nhân 1 - 2g. Hãm hoặc sắc sa nhân, hoà tan đường trong nước sa nhân; cho uống…

* Dùng cho các trường hợp lao phổi khái huyết, viêm khí phế quản mạn tính, ho khan dài ngày, các bệnh nhân đau do loét dạ dày tá tràng: Món "Gà hầm di đường thục địa":Gà mái 1 con, di đường (mạch nha) 150g, thục địa 50g. Gà làm sạch bỏ ruột, cho mạch nha, thục địa vào trong bụng gà, thêm ít gia vị hầm nhỏ lửa. Chia ăn vài lần trong ngày.

* Dùng cho các trường hợp ho gà, ho dài ngày do viêm khí phế quản mạn tính... dùng "nước ép củ cải di đường":Nước ép củ cải trắng 1 bát, di đường (mạch nha) 15 - 20g. Nước ép hoà với di đường (mạch nha), chưng cho sôi và tan đều, cho uống.

* Chữa phụ nữ sau đẻ, người suy yếu, bất túc: Biểu hiện bát mạch hư suy, bụng đau lâm râm, thiểu khí hoặc bụng dưới đau cấp lan sau lưng, không ăn uống được.

Phép trị phải ôn trung, bổ huyết hư, hòa lý chỉ thống.

Dùng phương "Đương quy kiến trung thang" gồm đương quy 12g, thược dược 24g, quế chi 12g, sinh khương 12g, cam thảo 4g, đại táo 12g, di đường 80g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống ấm trước bữa ăn.

* Trị hư lao: Biểu hiện bụng đau thích xoa, thích chườm ấm lưỡi nhợt, mạch tế hoặc tâm quý hư phiền, không yên, lòng bàn tay, bàn chân nóng, tê mỏi.
Dùng phương"Tiểu kiến trung thang", gồm bạch thược 12g, quế chi 6g, sinh khương 4g, cam thảo 4g, đại táo 12g, di đường 40g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần...


Theo BS Hoàng Tuấn Linh - Nông Nghiệp Việt Nam - nt