Xây dựng nông thôn mới ở xứ mường Chiêng Ngam
Mường Chiêng Ngam - địa danh đã đi vào lịch sử, thi ca và là nơi hội tụ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An từ bao đời. Ở miền đất được mệnh danh là “thủ phủ” của xứ mường xinh đẹp ấy, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu đang chung tay xây dựng nông thôn mới để vừa xây dựng quê hương giàu đẹp vừa bảo tồn, phát huy được giá trị không gian giàu bản sắc văn hóa Thái cổ.
(Baonghean) - Mường Chiêng Ngam - địa danh đã đi vào lịch sử, thi ca và là nơi hội tụ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An từ bao đời. Ở miền đất được mệnh danh là “thủ phủ” của xứ mường xinh đẹp ấy, Đảng bộ và nhân dân xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu đang chung tay xây dựng nông thôn mới để vừa xây dựng quê hương giàu đẹp vừa bảo tồn, phát huy được giá trị không gian giàu bản sắc văn hóa Thái cổ.
Ngược lên miền Tây xứ Nghệ, một lần nữa tôi được đắm mình trong không gian văn hóa Thái đậm đà, khung cảnh hữu tình của hang Bua và những guồng quay nước ẩn hiện trong sương sớm ở xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Trong nhịp sống tĩnh lặng, bản làng bỗng rộn lên không khí làm đường nông thôn mới. Người dân bản Hồng Tiến 1 đang cùng nhau chung sức hoàn thiện con đường bê tông mới rộng rãi, khang trang chạy qua trung tâm bản. Trưởng bản Quang Văn Tuấn – 34 tuổi đời và 6 năm tuổi đảng nom đĩnh đạc hơn độ tuổi của mình phấn khởi: “Thực hiện xây dựng nông thôn mới, dân bản đã tình nguyện hiến cả ngàn mét vuông đất vườn với bao nhiêu cây cối lâu năm để làm đường. Dù mỗi người chịu thiệt hại một ít nhưng mang lại lợi ích chung cho cộng đồng nên bà con đồng tình ủng hộ.
Nhân dân bản Hồng Tiến 1 (xã Châu Tiến) làm đường bê tông.
Cư dân bản Hồng Tiến 1 chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp nên đời sống của nhiều người không hẳn đã hết khó khăn. Do vậy, để có được sự đồng tình ủng hộ đó, Đảng ủy, chính quyền xã và lãnh đạo thôn bản đã thực hiện vận động nhân dân, giải thích được lợi ích cũng như cách thực hiện nông thôn mới. Đi đôi với đó là phát huy tính gương mẫu, đi đầu của những đảng viên trong chi bộ Hồng Tiến 1 để bà con làm theo. Một trong những đảng viên đó là anh Lê Văn Sơn. Mặc dù kinh tế gia đình chỉ trông vào 4 sào ruộng và bao nhiêu lo toan cho cuộc sống thường nhật nhưng đảng viên trẻ Lê Văn Sơn (28 tuổi) vẫn hiến hơn 100m2 đất trồng keo sắp thu hoạch của gia đình để xây dựng đường bê tông. “Chương trình xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho chính bà con ở nông thôn. Làm xong đường, các cháu học sinh, bà con đi lại thuận lợi chứ không phải “lội” đường đất như trước đây nữa. Lợi ích đã thấy rõ nên mình ủng hộ và tự nguyện hiến đất”, anh Sơn chia sẻ. Cho đến nay, cả bản Hạnh Tiến 1 đã có 13 hộ tham gia hiến đất. Trên bình diện cả xã, đã có hàng chục hộ tham gia hiến đất, tiền, công lao động, cây cối, bờ rào… tiêu biểu như hộ ông Lữ Văn Vinh, bản Hồng Tiến 1, hộ ông Vi Văn Doãn ở bản Hạnh Tiến… Tính tổng thể trong năm 2012, ngay sau lễ phát động toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đã có 6,3 km đường được đào đắp, tu sửa, 2,6 km bờ rào được di chuyển; 85 hộ hiến đất với tổng diện tích hơn 2.000m2.
Hiện nay, Châu Tiến đang tích cực hướng dẫn bà con đầu tư phát triển kinh tế, triển khai các mô hình kinh tế mới, phá vỡ thế độc canh trồng lúa, nâng cao mức sống. Đơn cử là mô hình nuôi cá lồng, hiện nay cả xã đã có 120 lồng cá được nuôi tại bản Hạnh Tiến, Hoa Tiến 1 và Hoa Tiến 2. Ông Lương Tiên Sinh – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Các hộ nuôi cá lồng đều có thu nhập khá cao so với mặt bằng chung. Hiện xã đang khuyến khích bà con đầu tư phát triển”. Bên cạnh đó, Châu Tiến còn xác định tiếp tục phát huy thế mạnh nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái đang ở bản Hoa Tiến 1, 2 vốn đã phục hồi, phát triển được gần 10 năm nay. Theo đó, có những gương đảng viên đã thực sự gương mẫu đi đầu để không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp bà con trong bản. Đảng viên Sầm Thị Khuyên là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn giữ được nghề đã tích cực truyền dạy cho cư dân địa phương cùng làm, trong nhiều năm qua đã truyền dạy cho khoảng 70 phụ nữ trong bản Hoa Tiến nghề dệt thổ cẩm. “Mỗi năm trừ chi phí, lợi nhuận của sản phẩm thổ cẩm cho gia đình tôi thu nhập trung bình 60 - 70 triệu đồng”, ông Lương Trung Thay (chồng bà Khuyên) cho biết. Nhờ thu nhập này nên gia đình 7 người của đảng viên Thay có cuộc sống khá giả, con cái được học hành đầy đủ. Hiện, 2 người con của công đang theo học các trường đại học ở Hà Nội.
Hiện nay, dệt thổ cẩm mang thương hiệu Hoa Tiến đã có chỗ đứng khá vững chắc trên thị trường trong nước. Nhìn thấy được hiệu quả, người dân đã thành lập 2 HTX dệt thổ cẩm là: HTX làng nghề thổ cẩm và HTX dệt thổ cẩm Hoa Tiến để cùng giúp nhau trao đổi kỹ thuật, mở rộng thị trường cho sản phẩm. Hai nhà trưng bày sản phẩm cũng được thành lập ở Châu Tiến nhằm giới thiệu sản phẩm cho khách tham quan, mua sắm. Những kết quả đã đạt được giúp chính quyền địa phương có cở sở để khẳng định người dân Châu Tiến có thể sống được, thậm chí làm giàu bằng nghề truyền thống của ông bà để lại. Bí thư Đảng ủy xã Lương Tiên Sinh cho biết: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy đã tính toán để vừa hoàn thành các chỉ tiêu vừa đảm bảo được không gian bản Thái cổ ở Hoa Tiến, cũng như có phương án phát triển mạnh nghề dệt truyền thống. Từ đó, đặt mục tiêu nông thôn Châu Tiến tiến lên nông thôn mới có bộ mặt khang trang hiện đại xen lẫn với những giá trị văn hóa, vật chất truyền thống”.
Là một trong những đơn vị điểm được chọn xây dựng nông thôn mới của huyện Quỳ Châu, mặc dù thực hiện trong quãng thời gian chưa dài nhưng Châu Tiến đã đạt 7/19 tiêu chí. Đảng ủy, chính quyền xã đặt quyết tâm đến năm 2015 hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Và, với sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy đảng, mà gần nhất là Đảng ủy xã và chính quyền địa phương, cùng sự xông xáo, gương mẫu đi đầu của tập thể 176 đảng viên trong Đảng bộ, tin rằng, mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở “thủ phủ” mường Chiêng Ngam sẽ về đích đúng hẹn.
Thành Duy