Cần làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải quyết triệt để

22/10/2012 12:47

Có thể nói, việc đưa vào vận hành, sử dụng công trình Thuỷ điện Bản Vẽ đã khẳng định chiến lược đầu tư, khai thác tiềm năng vùng miền Tây xứ Nghệ là hoàn toàn đúng đắn. Vừa cung cấp điện năng mỗi năm hơn 1 tỷ kWh, công trình vừa đảm bảo chức năng khác: cung cấp nước sinh hoạt, phòng lũ cho vùng hạ lưu sông Cả. Tuy nhiên, công tác tái định cư di dân vùng lòng hồ vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, cần quyết liệt tập trung tháo gỡ.

(Baonghean) - Có thể nói, việc đưa vào vận hành, sử dụng công trình Thuỷ điện Bản Vẽ đã khẳng định chiến lược đầu tư, khai thác tiềm năng vùng miền Tây xứ Nghệ là hoàn toàn đúng đắn. Vừa cung cấp điện năng mỗi năm hơn 1 tỷ kWh, công trình vừa đảm bảo chức năng khác: cung cấp nước sinh hoạt, phòng lũ cho vùng hạ lưu sông Cả. Tuy nhiên, công tác tái định cư di dân vùng lòng hồ vẫn còn những tồn tại, vướng mắc, cần quyết liệt tập trung tháo gỡ.

Kỳ 1: HIỆU QUẢ ĐA MỤC TIÊU

Trở lại bản Vẽ vào dịp cuối thu khi lòng hồ tích cực tích nước chuẩn bị cho mùa khô kéo dài. Từ trên đỉnh Pù Lôm phóng tầm mắt nhìn xa, công trình Thủy điện Bản Vẽ hiện lên hùng vỹ giữa núi rừng miền Tây.



Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ Ảnh: P.V

Công trình Thuỷ điện Bản Vẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 665/QĐ-TTg ngày 19/6/2003, với công suất 320 MW, là dự án thuỷ điện lớn nhất Bắc miền Trung. Theo báo cáo của Công ty CP Thuỷ điện Bản Vẽ: Tính từ thời điểm đưa vào vận hành cả 2 tổ máy ngày 19/5/2010 đến nay thì nhà máy vận hành ổn định, sản lượng điện đã phát lên lưới điện quốc gia đạt 2,497 tỷ kWh. Điện lượng trung bình hàng năm của nhà máy đạt hơn 1,085 tỷ kWh, đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách thuế trên 100 tỷ đồng/năm. Với cao trình mực nước dâng bình thường 200m, công trình Thuỷ điện Bản Vẽ sau thời điểm tích nước tạo ra một diện tích vùng hồ rộng 4.842 ha, dung tích hơn 1,8 tỷ m3 nước. Ngoài nhiệm vụ sản xuất nguồn điện năng thì hồ thuỷ điện Bản Vẽ còn có các chức năng khác: cung cấp nước sinh hoạt, nước sản xuất, đẩy mặn, chống lũ cho vùng hạ lưu sông Cả. Từ bến Thượng lưu, chiếc thuyền máy đưa chúng tôi lướt nhẹ đi khắp vùng lòng hồ. Dòng Nậm Nơn hung dữ, chật hẹp trước đây với những Cành Tạt, Cành Pải… chỉ còn trong dĩ vãng mà hiện hữu một vùng hồ nước mênh mong trong suốt, soi bóng đại ngàn miền Tây. Mới hơn 3 năm kể từ ngày tích nước, vậy mà rừng đã tái sinh trở lại xanh tốt. Những cánh rừng loang lổ, nham nhở do tệ đốt nương làm rẫy của bà con bây giờ gần như đã được “thay áo” bởi màu xanh, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, chống xói lở, mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái vùng lòng hồ và khai thác thuỷ sản tại đây.

Để hoàn thành được công trình Thủy điện Bản Vẽ hùng vỹ ngày đêm sản xuất dòng năng lượng trắng phục vụ xây dựng đất nước thì vùng thượng nguồn lòng hồ đã có 3.022 hộ đồng bào dân tộc thuộc 34 bản của 9 xã 2 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn phải rời nơi chôn rau cắt rốn để đến lập nghiệp trên vùng đất mới (có 112 hộ di dân tại huyện Kỳ Sơn, 555 hộ di dân tại huyện Tương Dương, 2.123 hộ di dân về huyện Thanh Chương và 232 hộ di dân tự do theo nguyện vọng). Cuộc di dân lịch sử của bà con vùng lòng hồ được bắt đầu bằng sự xung kích của 63 hộ dân bản Kim Liên về vùng tái định cư Thanh Chương vào tháng 2/2006 và cũng phải mất 3 năm sau, với sự tham gia vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và bà con vùng lòng hồ, cuối năm 2009 công tác di dân mới cơ bản kết thúc. Có thể nói, chừng ấy thời gian bà con đã thực sự trăn trở, vật lộn để vừa đảm bảo cuộc sống sinh tồn, vừa dần thích ứng phương thức sản xuất mới: từ đốt nương, phát rẫy tự cấp tự túc, sống phụ thuộc vào tự nhiên, chuyển xuống vùng quê mới bà con đã biết khai hoang, cải tạo ruộng đất, trồng lúa nước, trồng sắn hàng hoá, trồng chè công nghiệp… Từ vùng đất gần như là biệt lập, cách trở sông nước, phương tiện duy nhất để giao thương đi lại là thuyền và phương thức kết nối với nhau chủ yếu bằng… đi bộ, không điện lưới, không điện thoại, hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế dân sinh rất thiếu thốn, thì đến vùng tái định cư, bà con đã được đầu tư đồng bộ: điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt với quy hoạch, kết nối hợp lý. Dẫu rằng, có khó khăn bởi để thay đổi phương thức, cách thức sản xuất, thích ứng với phương thức mới thực sự không dễ nhưng với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt các cấp, ngành, các địa phương liên quan và chủ đầu tư, cuộc sống của bà con tái định cư cơ bản đã ổn định, đã xác định rất rõ trong suy nghĩ, trong tư tưởng: khó khăn chỉ là tạm thời, còn về lâu dài vùng tái định cư của 2 xã Ngọc Lâm, Thanh Sơn (Thanh Chương) sẽ mở ra một trang sử mới, hứa hẹn tương lai tươi sáng.



Khu tái định cư hôm nay.

Trở lại vùng tái định cư thăm bản Kim Liên, xã Ngọc Lâm, bản đầu tiên đến vùng đất mới, điều dễ nhận thấy đó là sự thay đổi gần như hoàn toàn trong cung cách làm ăn. Những khu đồi, vườn nhà mới ngày nào còn trơ trọi, hoang vu giờ đã khoác trên mình một màu xanh của sắn cao sản, chuối, rau xanh, cây nguyên liệu giấy… Dẫn chúng tôi lên vùng quy hoạch trồng chè công nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi bộ (nguyên trưởng bản) trao đổi: Về nơi ở mới cuộc sống thay đổi, bà con lúc đầu chưa quen với cung cách làm ăn mới, nhưng chi bộ đã lãnh đạo tốt công tác tư tưởng, nhân dân yên tâm ở lại xây dựng cuộc sống lâu dài, không có người về lòng hồ mưu sinh. Có nhiều gia đình đã nỗ lực, vượt khó, vươn lên ổn định cuộc sống, làm kinh tế khá như các gia đình: Quang Hợi, vừa khai hoang ruộng nước, vừa trồng nhiều sắn; Lương Thắng chăn nuôi trâu bò, lợn, gà. Bản thân gia đình Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Thanh, gương mẫu đi đầu, vừa khai hoang trồng lúa nước, vừa vận động bà con trồng sắn, trồng chè… Đi khảo sát các bản thuộc 2 xã tái định cư, còn rất nhiều những hộ đã nhanh thích ứng, vươn lên thoát nghèo, có cách thức làm giàu hiệu quả. Gia đình anh Lô Văn Dần, bản Tả Xiêng (xã Ngọc Lâm), cách đây 3 năm nhờ vay 10 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, gắn với mở dịch vụ xay xát, buôn bán hàng tạp hoá… nên bây giờ gia đình anh đã thoát nghèo, trở thành mô hình kinh tế hộ tổng hợp cho bà con học tập làm theo. Một mô hình liên kết hộ nghèo sáng tạo tại bản Noòng không thể không nhắc đến: Đó là 3 hộ: Vi Văn Hải, Vi Văn Tuấn và Vi Văn Thảo khi được vay vốn hộ nghèo đã gom lại, đầu tư thêm nguồn vốn sẵn có mua máy ép gạch, mở xưởng sản xuất gạch không nung. Mới đi vào hoạt động 3 tháng nhưng xưởng sản xuất gạch không nung bản Noòng đã tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và trở thành địa chỉ quen thuộc mua vật liệu xây dựng khi có nhu cầu…

Ngoài xây dựng hạ tầng, chia đất ở, đất vườn theo quy hoạch, đã có 1997 hộ nhận 3.606 ha đất sản xuất (trung bình 1,8ha/hộ), đạt tỷ lệ trên 94%, chỉ còn 119 hộ/1.010 ha thuộc 2 bản Chà Coong 2 và bản Kim Hồng bà con chưa nhận đất. Khắc phục tình trạng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy bị hư hỏng bằng hỗ trợ đào, khoan giếng khơi, đến thời điểm này đã có 1.849 hộ được nhận hỗ trợ, 274 hộ còn lại đang vận động để nhân dân tiếp tục đào giếng. Bên cạnh đó, các hộ còn được hưởng các chính sách hỗ trợ lương thực 12 tháng trong 3 năm đầu, hỗ trợ chăn nuôi 2 triệu đồng/hộ, hỗ trợ tiền khai hoang với tổng kinh phí gần 9,1 tỷ đồng (đạt 72% số hộ), hỗ trợ y tế, điện thắp sáng, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, miễn học phí cho học sinh... Ngân hàng CSXH cũng đã ưu tiên tập trung nguồn vốn (5/8 tỷ đồng) cho vay hộ nghèo (bình quân một hộ 10 triệu đồng), có 360 hộ đặc biệt khó khăn được vay 5 triệu đồng/hộ miễn lãi suất để phát triển sản xuất. Sở KH - CN, UBND huyện Thanh Chương cũng đang tích cực triển khai đề án phát triển chè công nghiệp, trồng cây rễ hương. Chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ cũng đang tập trung khai hoang ruộng lúa nước được 50 ha/150 ha kế hoạch để bàn giao cho bà con. Những công trình phúc lợi xã hội được đầu tư đồng bộ thực sự đang là điều kiện tốt để bà con phát triển, hoàn thiện về thể chất và trí tuệ, đảm bảo sức khoẻ. Học sinh các cấp có điều kiện để đi học ở những ngôi trường mới khang trang, nhân dân được khám, chữa bệnh tại các trạm y tế… Mới đây nhất, Chính phủ đã có thông báo hỗ trợ 24 tháng lương thực cho bà con tái định cư… Theo báo cáo của phòng Dân tộc huyện Thanh Chương, về nơi ở mới, bà con tái định cư đang có thu nhập ổn định trên diện tích 845 ha sắn cao sản với năng suất 25,7 tạ/ha, 80 ha lúa nước do bà con tự khai hoang với sản lượng 320 tấn thóc, 767 ha keo bình quân một hộ 1,63 ha, tổng đàn trâu bò 2.238 con, bình quân 1 con/hộ, đàn lợn 1.628 con, đàn gia cầm 8.213 con... đặc biệt, đã trồng được 51 ha chè công nghiệp...



Vợ chồng chị Lương Thị Cúc ở bản Kim Lân,
xã Thanh Sơn thu hoạch lúa

Kết quả trên cho thấy, cuộc trường chinh di dân tái định cư Thuỷ điện Bản Vẽ bước đầu cơ bản đã đạt mục tiêu “tốt hơn, hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ” như chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc, đến thời điểm này vẫn còn 46 hộ với 225 khẩu, trong đó bản Chà Coong có 33 hộ, mặc dù đã được chính quyền vận động, thuyết phục nhưng vẫn cố thủ chưa chịu di dời và 245 hộ với trên 600 khẩu trở lại lòng hồ Bản Vẽ để mưu sinh, trong đó một số hộ đã bán nhà đang lâm vào cảnh sống du mục, khó khăn, thiếu thốn trăm bề… gây ra nhiều hệ lụy phức tạp khôn lường.


Nhóm P.V