Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ

24/12/2012 08:40

 Tháng 12/2005, Sở VHTT và DL phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trương đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào học trong nhà trường. Ngày 6/7/2007, hai ngành chính thức ban hành kế hoạch số 1341/ về giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh THSC và THPT. Sau 5 năm triển khai, đã góp phần không nhỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

(Baonghean.vn) - Tháng 12/2005, Sở VHTT và DL phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trương đưa giáo dục lịch sử Xô Viết Nghệ Tĩnh vào học trong nhà trường. Ngày 6/7/2007, hai ngành chính thức ban hành kế hoạch số 1341/ về giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh cho học sinh THSC và THPT. Sau 5 năm triển khai, đã góp phần không nhỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Ngày 19/12/2012, tại Tp Vinh, Sở VHTT và DL phối hợp Sở GD - ĐT tổ chức tổng kết 5 năm đưa giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trường học. Hội nghị là dịp đánh giá những kết quả đạt được trong 5 năm qua và đưa ra những nhiệm vụ chính trong thời gian sắp tới.

Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến xung quanh đưa giáo dục truyền thống Xô Viết vào trường học. Trao đổi với thầy giáo Nguyễn Nam Giang – Hiệu trưởng Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) – một trong những đơn vị làm tốt giáo dục truyền thống XVNT cho thế hệ học sinh, được biết: Xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, thời gian qua, nhà trường đã tích cực đa dạng hóa các hình thức hoạt động như tổ chức cho các em chăm sóc các di tích Nhà cụ Vi Văn Khang, Cây đa Cồn Chùa ở Môn Sơn; thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ, bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhân ngày 27/7; 2/9, ngày lễ, tết... Điều đáng mừng nhất là từ ngày tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước cho các em học sinh, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp của trường ngày càng tăng. Đặc biệt tại các cuộc thi Tìm hiểu lịch sử, an ninh biên giới, trường THCS Môn Sơn luôn đạt kết quả cao nhất. Năm 5 qua, nhà trường có 67 lượt học sinh giỏi môn lịch sử; giải nhất “CLB lịch sử” cấp cụm và được chọn tham gia cấp tỉnh; giải nhất “Tìm hiểu kiến thức lịch sử về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931” do Bảo tàng XVNT tổ chức ...



Các em học sinh THCS Nghĩa Khánh – Nghĩa Đàn tham quan Hang Rú Ấm – địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn thời kỳ 1930 – 1931.



Các em học sinh THCS Nghĩa Khánh vui mừng trong ngày đón nhận bằng di tích lịch sử 1930 – 1945 cây đa làng Trù - hang Rú Ấm .

Trường THCS Diễn Trường (Diễn Châu) đã lồng ghép các bài học lịch sử về Xô Viết Nghệ Tĩnh vào các môn học lịch sử, tổ chức các cuộc thi Tìm hiểu lịch sử giai đoạn 1930 – 1931; lồng ghép trong các buổi chào cờ đầu tuần mỗi tháng/lần. Duy trì CLB em yêu lịch sử “Tiếng trống Long Ân”... Ngoài ra, Nhà trường còn giáo dục bằng cách tổ chức cho các em học sinh thăm quan, học tập tại đình Long Ân; tổ chức thắp hương ở đình nhân dịp lễ lớn trong năm như 27/7; 2/9, ngày lễ, tết... Tất cả những hoạt động này đã góp phần tạo hứng thú trong học tập bộ môn lịch sử cho các em, giúp các em hiểu được lịch sử quê hương, địa phương.

Bên cạnh ý kiến của các trường học, thì các Trung tâm VHTT của các huyện có di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng góp phần không nhỏ trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động về nguồn cho các em. Theo ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Trung Tâm VHTT Thanh Chương: giáo dục truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh chính là giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho các em học sinh. Thời gian qua, ở Thanh Chương các di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh như đình Võ Liệt, nhà đồng chí Nguyễn Đình Kình ở Xuân Tường, Nhà thờ họ Nguyễn Duy ở Thanh Phong, Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Sỹ Sách ở Thanh Lương... đều được các trường học nhận chăm sóc, bảo quản và phát huy tác dụng. Mỗi tuần một lần các em đến quét dọn, tưới cây.... Đây cũng là hình thức sinh hoạt ngoại khóa thú vị sau những giờ học căng thẳng. Theo tôi, thời gian tới chúng ta nên chú trọng hơn nữa vào việc chăm sóc di tích, thăm hỏi bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, thâ nhân liệt sỹ nhân các ngày lễ lớn... đó cũng là dịp giáo dục truyền thống cách mạng hiệu quả nhất cho các em.

5 năm qua các ngành liên quan đã hoàn thành việc biên soạn các bài giảng ngoại khóa về XVNT cho học sinh lớp 9 THCS và lớp 12 THPT; xây dựng phim khoa giáo "Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931"... Riêng Bảo tàng XVNT đã phối hợp với các địa phương, nhà trường tổ chức giao lưu tìm hiểu lịch sử, đối thoại với nhân chứng lịch sử, nghe nói chuyện chuyên đề, chiếu phim XVNT... Mỗi năm Bảo tàng tổ chức từ 7 - 9 cuộc trưng bày lưu động tại Trung tâm VHTT huyện hoặc các UBND xã. Bằng hình thức này Bảo tàng đã đưa XVNT đến với hầu hết nhà trường trong tỉnh. Trong việc xây dựng mô hình "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", Bảo tàng XVNT giúp trường lập danh mục di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh đã được xếp hạng để học sinh các trường nhận chăm sóc tại địa phương... Chỉ đạo các trường THCS, THPT, các phòng GD - ĐT tổ chức học sinh tham quan Bảo tàng XVNT và tham gia giao lưu tìm hiểu kiến thức về XVNT và các nội dung lịch sử khác. Hầu hết các trường THCS và THPT trên địa bàn TP Vinh hàng năm tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng Xô Viết. Trong đó, tiêu biểu nhất là trường THPT Lê Viết Thuật và Hà Huy Tập, THCS Lê Lợi, Cửa Nam, Quang Trung, Trung Đô, Bến Thủy... đã duy trì thành nền nếp. Từ khi triển khai đến nay, số học sinh được đến tham quan Bảo tàng XVNT ngày càng nhiều hơn. Số lượng học sinh được tham quan trưng bày lưu động, được tham gia giao lưu văn hóa, tìm hiểu lịch sử, nghe nói chuyện truyền thống, xem phim khoa giáo về phong trào XVNT đã tăng lên, trong đó có một số trường ở miền núi. Nhờ vậy nhận thức, hiểu biết của các em về lịch sử địa phương, về phong trào XVNT ngày càng sâu sắc hơn.

Trong những năm tiếp theo, để phát huy hơn nữa giá trị truyền thống Xô Viết Nghệ Tĩnh trong quần chúng nhân dân, nhất là các em học sinh, Sở VH-TT&DL tiếp tục phối hợp với Sở GD-ĐT chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch cho các phòng, đơn vị liên quan. Bảo tàng XVNT chỉnh lý nội dung trưng bày lưu động phù hợp với lứa tuổi các em, đổi mới phương pháp thuyết minh hấp dẫn hơn. Đồng thời phối hợp với CLB lịch sử của các trường để nâng cao chất lượng hoạt động giao lưu văn hóa, thi tìm hiểu lịch sử quê hương, đất nước... Việc đưa giáo dục truyền thống lịch sử bằng tham quan bảo tàng, di tích sẽ được đưa vào chương trình ngoại khóa bắt buộc. Phân công và tổ chức cho học sinh chăm sóc di tích XVNT trên địa bàn trường học theo phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.


Thanh Thủy