Tấm gương sáng về tính trung thực và lòng nhân ái

22/10/2012 20:55

(Baonghean) - Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng khi nhặt được 30 triệu đồng, 3 em học sinh ở xóm 4 xã Thượng Sơn (Đô Lương) là Hồ Sỹ Tiến, Nguyễn Công Lương và Lê Đăng Mạnh đã tìm trả lại người đánh rơi mà không nhận một đồng hậu tạ nào. Hành động đẹp của các em được nhà trường biểu dương, lấy đó làm gương sáng cho học sinh toàn trường noi theo.

(Baonghean) - Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng khi nhặt được 30 triệu đồng, 3 em học sinh ở xóm 4 xã Thượng Sơn (Đô Lương) là Hồ Sỹ Tiến, Nguyễn Công Lương và Lê Đăng Mạnh đã tìm trả lại người đánh rơi mà không nhận một đồng hậu tạ nào. Hành động đẹp của các em được nhà trường biểu dương, lấy đó làm gương sáng cho học sinh toàn trường noi theo.



Em Nguyễn Công Lương (phải) và Hồ Sỹ Tiến (trái)

Qua thầy giáo Nguyễn Văn Ân, Bí thư Đoàn Trường THPT Đô Lương 3, chúng tôi được biết: Vào ngày 4/10, 2 em học sinh Hồ Sỹ Tiến và Nguyễn Công Lương (học sinh Trường Trung học phổ thông Đô Lương 3) trên đường từ nhà đến trường, qua đoạn Rú Rướng thì nhặt được 3 gói tiền nằm rải rác bên vệ đường. Trong đó, 1 gói toàn tiền mệnh giá 500.000đ, 1 gói mệnh giá 50.000đ và 1 gói mệnh giá 100.000đ, tổng trị giá 30 triệu đồng. Không ngần ngại, các em thống nhất “sẽ trả lại cho người đánh rơi”. Không biết số tiền trên là của ai, lại sắp đến giờ vào học nên cả 3 quyết định giao cho Hồ Sỹ Tiến giữ toàn bộ số tiền, khi đến trường sẽ báo lại với Ban giám hiệu, Công an xã. Vừa đến cổng Trường THPT Đô Lương 3 thì có 2 người đang dò hỏi các học sinh về số tiền bị mất. Lập tức Tiến và Lương xác nhận vừa nhặt được tiền. Chủ tài sản sau khi đưa ra các bằng chứng xác minh được đó là số tiền của mình, đã được các em trả lại vẹn toàn.

Để cảm ơn các em, anh Nguyễn Văn Phượng đã rút từ bọc tiền đưa 500.000 đồng hậu tạ nhưng cả Tiến và Lượng kiên quyết từ chối. Em Nguyễn Công Lương cho biết: “Khi nhặt được tiền, không biết đó là của ai, nhưng điều chúng em nghĩ đến đầu tiên là tìm cách trả lại cho người đánh mất. Đó là tiền mồ hôi, nước mắt của họ, phải tích góp mới có được, biết đâu là cả một tài sản của cả gia đình họ. Chắc khi mất đi, họ xót lòng lắm...!” Anh Nguyễn Văn Phượng cho biết: “Sáng đó, tôi gom tiền, vay mượn bạn bè đi mua trâu. Đi giữa đường thì đánh rơi, qua một quãng khá xa mới biết mình bị mất. Lúc đó, thần hồn át thần tính, vừa lo, vừa xót, không một chút hy vọng gì tìm được số tiền trên. Nhờ người chở đến cổng trường hỏi dò, hy vọng có học sinh nào đó nhặt được trả lại cho mình phần nào hay phần đó. Thật phúc đức cho gia đình tôi, các em đã không ngần ngại trả lại toàn bộ số tiền trên. Tôi thật sự cảm ơn các em, gia đình, nhà trường đã nuôi dạy các em trở thành con ngoan, trò giỏi, là người thật thà, tốt bụng...”

Sinh ra trong một gia đình bố là bộ đội, mẹ làm nông nghiệp, từ nhỏ, Hồ Sỹ Tiến đã rất chăm học, chăm làm. Suốt những năm học ở Trường Tiểu học Thượng Sơn, Tiến là học sinh giỏi trường, học sinh giỏi huyện. Lên THCS, Tiến luôn nằm trong tốp đầu của trường về điểm số, và hiện nay Tiến là thành viên đội tuyển bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh 2 môn Vật Lý và Tin học. Không chỉ học giỏi, sẵn lòng giúp đỡ bạn bè mà Tiến còn được yêu mến bởi sự hiền lành, lòng trung thực. Ở nhà, mẹ mở quán tạp hóa, ngoài giờ học em trông hàng thay mẹ, thi thoảng khách trả thừa tiền, lúc vài ngàn, có khi cả trăm ngàn, Tiến đều trả lại cho khách. Ở lớp, nhặt được lúc cuốn vở, khi cuốn sách, có lúc tiền học phí của các bạn đánh rơi, Tiến đều báo lại cho giáo viên chủ nhiệm để trả lại cho các bạn.

Còn em Nguyễn Công Lương, sinh ra trong gia đình thuần nông, mọi chi phí trong nhà đều trông chờ vào mấy sào ruộng khoán, cuộc sống khá chật vật. Vậy nhưng khi nhặt được số tiền lớn, Lương thống nhất với các bạn sẽ tìm người đánh mất để trả lại. Khi mọi người hỏi chuyện Lương giải thích rành mạch, rõ ràng rằng: “Ba mươi triệu hay ba trăm triệu thì đó cũng không phải là tiền mình, không phải do mình làm ra nên trả lại cho chủ nhân của nó thì đó là việc đương nhiên. Huống chi, chú Phượng là người trong xã, gia cảnh lại khó khăn. Với em, đó chỉ là việc làm hết sức bình thường, là việc nên làm”. Khi biết chuyện con mình nhặt được số tiền lớn đem trả lại cho người đánh mất, bố mẹ Lương rất tự hào về cậu con trai của mình. “Nuôi con, dạy con, chỉ mong chúng lớn lên trở thành người tốt, từ nhỏ gia đình luôn chú ý việc rèn luyện, uốn nắn con về đức tính trung thực. Làm cha mẹ, tôi tự hào vì sự trưởng thành, suy nghĩ chín chắn và lòng trung thực của con, thế cũng bõ công nuôi dạy”, anh Nguyễn Công Nam, bố của Lương chia sẻ.

Cô Trương Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 3- nơi Tiến và Lương đang theo học cho biết: “Hành động của 2 em Hồ Sỹ Tiến và Nguyễn Công Lương là tấm gương sáng cho các học sinh khác noi theo. Với quan điểm “một việc tốt dù nhỏ mấy cũng cần nhân rộng” nên mỗi khi các em làm được một việc tốt đều được nhà trường tôn vinh, trước toàn trường, ghi vào số truyền thống, biểu dương trong các cuộc họp, hội nghị để động viên, khuyến khích các em, qua đó, tác động đến nhận thức của những học sinh khác...”.


Thanh Phúc