Góp phần xây đắp tình hữu nghị

23/11/2012 15:25

Trường Đại học Vinh có rất đông lưu học sinh Lào (hiện tại có khoảng hơn 400 người, trung bình mỗi năm có từ 80-100 lưu học sinh theo học), khó khăn ban đầu đối với các lưu học sinh chính là vốn tiếng Việt. Bởi vậy, nhiều sinh viên đại học Vinh đã tham gia hoạt động củng cố vốn tiếng Việt cho lưu học sinh Lào học tập tại trường và tình nguyện sang tận nước bạn Lào để dạy tiếng Việt…

(Baonghean) - Trường Đại học Vinh có rất đông lưu học sinh Lào (hiện tại có khoảng hơn 400 người, trung bình mỗi năm có từ 80-100 lưu học sinh theo học), khó khăn ban đầu đối với các lưu học sinh chính là vốn tiếng Việt. Bởi vậy, nhiều sinh viên đại học Vinh đã tham gia hoạt động củng cố vốn tiếng Việt cho lưu học sinh Lào học tập tại trường và tình nguyện sang tận nước bạn Lào để dạy tiếng Việt…



Sinh viên Trường ĐH Vinh dạy học cho học sinh
Xiêng Khoảng (Lào).

Khởi xướng cho việc làm đầy ý nghĩa này là Liên chi đoàn khoa Kinh tế với ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Hoa Chăm Pa vào đầu năm 2010. Mục đích của CLB không chỉ tạo điều kiện cho các lưu học sinh có cơ hội rèn luyện tiếng Việt tốt hơn, mà còn là nơi để sinh viên Lào - Việt giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. CLB đã nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, Ban Chủ nhiệm khoa Kinh tế, Đoàn Trường Đại học Vinh cũng như sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo sinh viên, đặc biệt là các bạn lưu học sinh Lào. “Thời gian đầu mới sang học tập, đa phần các bạn lưu học sinh Lào còn bỡ ngỡ, rụt rè, phần vì xa lạ với môi trường mới, phần vì vốn tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Nhưng sau khi được các bạn sinh viên Việt Nam dạy thêm về tiếng Việt, kèm cặp các môn đại cương và hướng dẫn tiếp cận các môn chuyên ngành, lưu học sinh Lào đã tự tin hơn trong giao tiếp, hòa nhập nhanh hơn với môi trường mới, tiếp thu bài vở nhanh hơn, học tập tiến bộ hơn…", Syvonne Rue VaiBonthavy ở tỉnh Xiêng Khoảng, đang theo học cao học Toán tại Đại học Vinh chia sẻ.

Còn đối với các tình nguyện viên CLB thì việc giúp đỡ các lưu học sinh Lào, ngoài vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, hình thành lối sống đẹp, sống có ích thì chính bản thân họ lại thêm một lần được củng cố kiến thức của mình. “Ban đầu chỉ là hoạt động của riêng khoa Kinh tế nhưng dần dần hoạt động đầy ý nghĩa này đã thu hút nhiều bạn sinh viên ở các khoa khác tham gia. Đa phần các tình nguyện viên không thuộc ngành Sư phạm nhưng dạy học rất nhiệt tình. Hiện CLB đang quản lý 16 nhóm tình nguyện với hơn 300 tình nguyện viên. Tùy theo số lượng lưu học sinh đăng ký, các nhóm tình nguyện sắp xếp thời gian và địa điểm để luân phiên củng cố kiến thức cho lưu học sinh vào các buổi tối trong tuần và ngày nghỉ ở ký túc xá của lưu học sinh hoặc trên giảng đường. Thời gian này, các nhóm đang tập trung bổ sung vốn tiếng Việt cho khoảng 50 lưu học sinh, sinh viên khóa 53 vừa nhập học được hơn một tuần”, Hoàng Kim Cúc, sinh viên năm cuối khoa Kinh tế, Chủ nhiệm CLB Hoa Chăm Pa chia sẻ.

Bên cạnh tình nguyện tại chỗ, trong năm 2012, chào mừng kỷ niệm “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012”, chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962 – 5/9/2012), Đại học Vinh đã thành lập đội tình nguyện gồm 30 tình nguyện viên (trong đó có 4 cán bộ, 18 sinh viên và 8 lưu học sinh Lào đang học tập tại trường) hoạt động tình nguyện tại tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Anh Lê Minh Giang, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Vinh cho biết: Tuy số lượng học sinh đông, lại thuộc nhiều chuyên ngành và đến từ các vùng, miền khác nhau nhưng với nỗ lực, tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ từ phía Tỉnh Đoàn Xiêng Khoảng và Trường cấp 3 Phôn Xa Vẳn, Đội sinh viên tình nguyện Đại học Vinh đã hoàn thành tốt việc dạy Tiếng Việt cho 614 người chia thành 15 lớp, trong đó cán bộ 3 lớp, 132 người, giáo viên 1 lớp 22 người, học sinh 11 lớp 298 người…. Ngoài dạy Tiếng Việt, các “thầy, cô giáo” Việt Nam còn tập nhiều bài hát cho các em học sinh Lào. Những bài hát quen thuộc như "Việt Nam quê hương tôi", "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" đã được đón nhận nồng nhiệt trên đất bạn…”. Có thể nói, thông qua hoạt động dạy Tiếng Việt và nhiều hoạt động ý nghĩa khác, sinh viên Đại học Vinh đã góp phần xóa nhòa khoảng cách ngôn ngữ, xây đắp nhịp cầu hữu nghị keo sơn, bền chặt giữa nhân dân và tuổi trẻ 2 nước Việt - Lào.


Khánh Ly