Tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH Một thành viên Tình thương (TYM) còn thiếu cầu thị

22/10/2012 12:51

(Baonghean) - Ngày 9/10/2012, báo Nghệ An đăng bài viết “Quỹ tình thương… có thương?” phản ánh: “Quỹ tình thương” cho các đối tượng phụ nữ vay với lãi suất quá cao và quỹ lợi dụng vỏ bọc tình thương để kinh doanh trốn thuế?

Sau khi Báo đăng, ngày 9/10/2012, Tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH Một thành viên Tình thương (viết tắt là TYM – tiền thân là Quỹ tình thương) có Công văn số 108/CV-TYM gửi Báo Nghệ An với nội dung sau:

Chúng tôi thấy rằng, bài báo đã có sự khuyến cáo để TYM cần xem trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, tăng cường kết nối với các cơ quan chức năng trên địa bàn mà Quỹ hoạt động và phải làm tốt hơn công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ của TYM tại cơ sở và công văn cũng giải thích một số vấn đề báo nêu:

Thứ nhất, TYM là đơn vị trực thuộc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, hỗ trợ tài chính vi mô cho phụ nữ nghèo và được ưu đãi về thuế.

TYM được Hội LHPN Việt Nam thành lập năm 1992, là một trong các chương trình tài chính vi mô của Hội nhằm góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Với mục đích đó, sứ mệnh của TYM là "Cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nghèo thông qua hỗ trợ tín dụng và tiết kiệm, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ”. Về tư cách pháp nhân, TYM là đơn vị trực thuộc Hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị do Hội giao phó. Vì vậy, việc TYM sử dụng tên gọi và hình ảnh của Hội trong các hoạt động, văn bản của TYM là theo đúng quy định của pháp luật.

Hội đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập và hoạt động Tổ chức Tài chính quy mô nhỏ TNHH MTV Tình thương (TYM) trên cơ sở chuyển đổi Quỹ Tình thương theo Giấy phép số 181/GP-NHNN ban hành ngày 17/8/2010. Từ thời điểm này, hoạt động của TYM chịu sự thanh tra, giám sát của Ngân hành Nhà nước.

Sau khi được cấp phép, xét thấy bản chất hoạt động của TYM thuộc diện doanh nghiệp xã hội, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, việc đóng thuế của TYM sẽ làm giảm nguồn vốn hoạt động, đồng nghĩa với việc giảm khả năng tiếp cận và hỗ trợ phụ nữ nghèo và thu nhập thấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho TYM để sử dụng khoản tiền được miễn, giảm đó vào mục đích tiếp cận và hỗ trợ nhiều thành viên nghèo hơn nữa. Ghi nhận những đóng góp tích cực của TYM trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vung khó khăn. Ngày 2/3/2012, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã ký Công văn số 2818/BTC-CST trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng chính sách miễn, giảm thuế thí điểm đối với Quỹ TYM: được miễn thuế 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo từ năm đầu tiên tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH MTV Tình thương có thu nhập chịu thuế. Ngày 2/4/2012, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng đã ký Công văn số 215/NPCP-KTTH trả lời Công văn số 28/8/BTC-CST của Bộ Tài chính, theo đó, Phó Thủ tướng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính tại Công văn số 2818/BTC-CST.

Như vậy, việc TYM hiện nay chưa đóng thuế cho ngân sách của địa phương là hoàn toàn hợp pháp.

Thứ hai, tiết kiệm - nét đặc trưng của tài chính vi mô và của TYM. TYM quy định mỗi thành viên tham gia TYM đóng tiền tiết kiệm bắt buộc hàng tuần với hai mục đích: Tạo dựng thói quen tiết kiệm cho người dân từ những món nhỏ để người dân có được nguồn vốn tự có sau một quá trình tham gia, khoản tiết kiệm này được trả lãi theo đúng quy định của TYM. Hai là, bổ sung vào nguồn vốn để tiếp tục hỗ trợ cho vay đến những người dân nghèo ở các địa bàn mới, đồng thời tăng mức vốn cho vay đối với khách hàng ở các lần vay tiếp theo. Hiện nay, mức gửi hàng tuần là 10.000 đ/1 thành viên, không phải 1 triệu đồng. Mặt khác, việc huy động tiết kiệm bắt buộc của TYM là hoàn toàn phù hợp với thông lệ tài chính vi mô quốc tế và pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Trong Giấy phép của TYM do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp cũng nêu rõ TYM hoàn toàn được quyền huy động tiết kiệm bắt buộc và tự nguyện để phục vụ cho hoạt động. Những điều này cho thấy sản phẩm tiết kiệm bắt buộc và tự nguyện là dòng sản phẩm hợp pháp, chính thống.

Thứ ba, TYM hoạt động trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện

Thứ tư, TYM không lợi dụng vốn của nhiều tổ chức cá nhân cho vay với lãi suất rất cao. Chúng tôi xin khẳng định TYM không lợi dụng vốn của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Đối với nguồn vốn có được từ huy động tiết kiệm, TYM đều công khai và thực hiện đúng cam kết về việc tính toán và chi trả lãi suất tiết kiệm. Đối với các nguồn vốn vay từ các tổ chức, TYM thực hiện đúng nghĩa vụ đã nêu tại các hợp đồng, thỏa thuận ký kết giữa các bên, đã thông qua ý kiến luật sư và đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nếu có thông tin về việc lợi dụng vốn của các tổ chức, cá nhân, chúng tôi rất mong Quý Báo cung cấp cho chúng tôi được biết để chúng tôi kịp thời điều chỉnh, xử lý.

Thứ năm, liên quan đến việc TYM đang cho vay với lãi suất cao, chúng tôi xin được làm rõ như sau: Đây cũng là trăn trở lớn của Hội LHPN Việt Nam và của TYM. Là một đơn vị sự nghiệp của Hội - điều kiện hỗ trợ cho tổ chức hoạt động của bộ máy còn quá khó khăn (do chỉ là tổ chức đoàn thể); mặt khác, thực hiện sứ mệnh xã hội được Hội giao phó, TYM đã dành nhiều kinh phí cho các hoạt động đào tạo, cộng đồng, giáo dục, văn hóa, xã hội… Phần lớn kinh phí cho các hoạt động này được trích từ kết quả hoạt động của TYM, trung bình chiếm khoảng 25% kết quả hoạt động hàng năm. Bên cạnh đó, với đặc thù hoạt động cho vay hoàn toàn phù hợp và thuận lợi với người dân như cho vay món nhỏ (trung bình 5 triệu đồng/người vay), không cần tài sản thế chấp, vốn vay được trả dần hàng tuần không tạo ra gánh nặng trả nợ, vốn vay đến tận tay người dân ở từng thôn xã, hàng tuần cán bộ phải đến từng địa bàn nơi người dân đang sinh sống để thu gốc, lãi, triển khai các hoạt động đào tạo/ phổ biến thông tin tại cụm, đồng thời kiểm tra, tư vấn thực hiện các dự án kinh doanh. Chi phí nhân sự, chi phí cho cơ sở vật chất và chi phí vận hành vì thế cao hơn chi phí hoạt động tín dụng thông thường. Với đặc thù như vậy, TYM cũng đã được Chính phủ cho phép cho vay theo lãi suất thỏa thuận theo Khoản 4, Điều 11, Nghị định số 4/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/4/2010 quy định về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở cho phép của pháp luật và tính toán chi phí của tổ chức, TYM áp dụng mức lãi suất như hiện nay để bù đắp chi phí, đảm bảo hoạt động bền vững và không làm thâm hụt khoản vốn 50 tỷ đồng mà đầu năm 2012 Chính phủ đã tin tưởng giao cho TYM sử dụng để cấp vốn cho phụ nữ nghèo.

Thứ sáu, số liệu về kết quả hoạt động của TYM - Chi nhánh Nghi Lộc trong 8 tháng đầu năm 2012, tính đến tháng 8/2012, tổng số dư nợ của chi nhánh đạt hơn 55 tỷ đồng. Về kết quả hoạt động: kết quả hoạt động lũy kế của toàn TYM sau 20 năm đạt 78 tỷ đồng. Kết quả hoạt động này được sử dụng để tiếp tục bổ sung vào nguồn vốn nhằm tăng cơ hội tiếp cận vốn cho phụ nữ có thu nhập thấp, không vì mục tiêu lợi nhuận và không thuộc diện chịu thuế.

Với mong muốn cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác tới người dân, chúng tôi kính đề nghị quý Báo kịp thời xác minh lại các thông tin đã nêu trong bài báo đồng thời tiếp tục chia sẻ với hoạt động của TYM. Chúng tôi hy vọng với cùng mục tiêu hoạt động đúng theo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, quý báo và TYM sẽ tìm được tiếng nói chung và có biện pháp xử lý, phối hợp hiệu quả nhất, đem lại những kết quả tốt đẹp cho người dân.

Trước hết, Báo Nghệ An và tác giả cảm ơn tổ chức tài chính quy mô nhỏ trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tình thương, sau khi bài báo ra mắt bạn đọc đã có ý kiến phản hồi kịp thời. Đồng thời xin được trao đổi về nội dung trả lời những thông tin mà báo đã nêu của TYM như sau: Việc trả lời của TYM như trên còn bao biện, quanh co, thiếu cầu thị, chưa trả lời rõ về những vấn đề báo nêu.

Về lãi suất cho vay, bài báo phản ánh TYM cho vay với mức lãi suất đặt ra và đang thực hiện 28%/năm (mức vay 10 triệu đồng, phải trả trong 50 tuần, mỗi tuần 250 ngàn đồng, trong đó 28 ngàn đồng tiền lãi, 20 ngàn đồng tiền tiết kiệm và 2 ngàn đồng tiền bảo hiểm) là quá cao và không phải 1,2%/tháng như TYM khuyến cáo. TYM cho rằng, lãi suất cho vay là do thỏa thuận giữa 2 bên, nếu vậy thì tại sao trong các tài liệu in ấn tuyên truyền vận động TYM lại khuyến cáo cho bà con vay mức lãi suất 1,2%/tháng? Đây có phải do sai sót trong in ấn tài liệu hay là có chủ đích? Mặt khác, dù có thỏa thuận giữa 2 bên thì cũng phải thực hiện đúng nguyên tắc mà TYM đã khuyến cáo cho vay hộ nghèo và cận nghèo với mức lãi suất cho vay cao hơn Ngân hàng Chính sách và thấp hơn Ngân hàng Thương mại chứ không thể muốn làm gì thì làm. Vì đây là tổ chức tài chính vi mô nhỏ “về tư cách pháp nhân, TYM là đơn vị trực thuộc Hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị do hội giao phó”, nhằm góp phần giúp Chính phủ thực hiện chương trình giảm nghèo trong giới nữ, đang sử dụng một phần nguồn vốn ngân sách (50 tỷ đồng) để cho vay. Cũng do tính chất, tôn chỉ mục đích của TYM khác với các tổ chức tín dụng khác là đối tượng cho vay phụ nữ nghèo và cận nghèo với mức lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại thì Chính phủ mới có chính sách giảm, miễn thuế, áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% trong suốt thời gian hoạt động. Còn như trả lời của TYM với Báo Nghệ An thực hiện cho vay lãi suất thỏa thuận thì đã đưa TYM thành một tổ chức tín dụng thương mại. Như vậy, TYM hưởng các chính sách về ưu đãi miễn giảm các loại thuế theo Thông tư 116 và mang danh là Quỹ Tình thương là hoàn toàn không xứng đáng. Với mức lãi suất áp dụng như hiện nay của TYM (28%/năm) thì TYM cần phải thực hiện nộp thuế bình đẳng như mọi tổ chức hoạt động tín dụng khác.

Xin được nói thêm, Thông tư 116/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký ngày 18/7/2012, có hiệu lực từ 1/9/2012 về “Hướng dẫn giảm, miễn thuế đối với tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH một thành viên Tình thương”, thời gian tính giảm, miễn được áp dụng trong kỳ tính thuế năm 2012 trở đi, không phải tất cả các năm 2010-2011 như TYM trả lời. Điều này cũng có nghĩa, năm 2011, các chi nhánh của TYM hoạt động trên địa bàn Nghệ An đều phải đóng thuế, nhưng chưa có chi nhánh nào đăng ký kê khai nộp thuế là vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, sai sót đáng tiếc và nghiêm trọng là TYM - là tổ chức kinh doanh tài chính tiền tệ - một lĩnh vực nhạy cảm “chịu sự thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước” nhưng khi vào địa bàn Nghệ An hoạt động chưa có văn bản báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An và các cơ quan chức năng khác của địa phương.

Về khoản tiết kiệm, vì trong bài phản ánh mỗi tuần người vay phải nộp một khoản tiền tiết kiệm bắt buộc và tự nguyện 20 ngàn đồng, như vậy, kết thúc kỳ vay 10 triệu đồng trong 50 tuần, người vay đã có số tiền tiết kiệm là 1 triệu đồng (thực chất không phải là 10.000 đồng/tuần như TYM đã giải thích). Số tiền tiết kiệm này TYM đã đưa vào vốn cho vay, cộng với số tiền Chính phủ cấp không phải lãi suất để TYM cho vay lãi suất rất cao. Cách làm đó không phải là lợi dụng hay sao?
Còn về số liệu kết quả hoạt động của TYM - chi nhánh Nghi Lộc trong 8 tháng đầu năm 2012, trong bài báo là do Chi nhánh Nghi Lộc cung cấp nên sự sai lệch như TYM phản hồi, đề nghị kiểm tra lại ở chi nhánh TYM.


Tổ chức tài chính quy mô nhỏ TNHH một thành viên tình thương (TYM) -