Hương trầm Quỳ Châu vào vụ
(Baonghean) - Những ngày này lên huyện rẻo cao Quỳ Châu đi đâu cũng thơm ngát mùi hương trầm. Hương trầm Quỳ Châu đã trở thành thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Nhờ từ nghề này mà nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Thị trấn Tân Lạc - Quỳ Châu dịp cuối năm dường như nhộn nhịp hơn bởi không khí làm việc của làng nghề hương trầm. Nhiều chuyến xe ô tô vào ra chở hương đưa đi tiêu thụ. Bà Đặng Thị Khang, gần 80 tuổi, đang cuốn hương, tâm sự: Nghề làm hương trầm là nghề truyền thống có từ rất lâu đời, thuở nhỏ tôi đã được bố, mẹ truyền nghề làm hương trầm, và nay thế hệ con, cháu cũng làm theo trở thành nghề cha truyền con nối.
Chúng tôi tìm đến gia đình anh Phan Công Hà và chị Nguyễn Thị Loan với thương hiệu hương trầm Hà - Loan ở khối II, Thị trấn Tân Lạc, đây là cơ sở sản xuất hương trầm lớn nhất Quỳ Châu. Cả căn nhà khách rộng lớn, chất hàng trăm thùng hương trầm đã đóng gói kỹ lưỡng chờ xe đến vận chuyển đưa đi tiêu thụ. Chị Loan tâm sự: Ban đầu gia đình sản xuất với quy mô ít, thuê lao động từ 5 - 7 người, nhưng do nhu cầu của thị trường nên gia đình phải thuê tăng thêm từ 25 - 30 lao động. Bình quân mỗi ngày cuốn được từ 45.000 - 50.000 que hương, dịp Tết năm vừa qua tổng doanh thu được trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng. Chị Loan có 3 đại lý ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, hương trầm làm không kịp cho khách hàng đến lấy. Chị Vi Thị Trang ở bản Na Phi, xã Châu Hạnh, làm công cho chị Loan nói: Làm hương trầm được khoán theo sản phẩm, bình quân thu nhập đạt 200.000 đ/ngày/người. Cháu Lang Thanh Tùng, học sinh lớp 7 ở khối II, Thị trấn Tân Lạc cũng tranh thủ những buổi nghỉ học đến cuốn hương thuê cho hay: Mỗi buổi cháu cuốn được khoảng từ 800 - 1000 que hương, được trả công 100.000 đ/buổi.
Cơ sở sản xuất hương trầm Hà-Loan ở Thị trấn Tân Lạc - Quỳ Châu.
Theo chị Loan, sở dĩ gia đình sản xuất hương trầm với quy mô lớn là do đã xây dựng được uy tín, thương hiệu để đảm bảo uy tín, ngoài khâu chọn lựa nguyên liệu đảm bảo chất lượng thì để có được loại hương cháy đượm, thơm ngát thì chị có bí quyết pha trộn nguyên liệu riêng.
Gia đình chị Phan Hồng Thái ở Tân Hương - Thị trấn Tân Lạc có 4 người đang tích cực cuốn hương thâu đêm suốt sáng để phục vụ thị trường Tết. Chị Thái kể: 4 người quấn bình quân đạt 10.000 que hương/ngày. Nhờ từ nghề này mà chị nuôi được 4 đứa con ăn học, làm được căn nhà trị giá gần 200 triệu đồng.
Ông Lô Thanh Sơn - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Châu, cho biết: Toàn huyện Quỳ Châu hiện có 3 làng nghề làm hương trầm. Tổng số hộ tham gia làm nghề hương có khoảng trên 500 hộ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Tổng doanh thu từ nghề làm hương của người dân đạt khá lớn, từ 25-30 tỷ đồng/năm.
Để nghề hương trầm Quỳ Châu phát triển bền vững, khó khăn hiện nay là nguồn nguyên liệu cây rễ hương ngày càng khan hiếm. Toàn huyện mới có trên 40 ha cây rễ hương, trong khi nhu cầu cần từ 200-250 ha cây rễ hương. Chị Thái cho biết: Gia đình trồng được 4 sào cây rễ hương, năng suất đạt trên 100 kg rễ khô/sào, bán đạt 5,5-6 triệu đồng/100 kg rễ hương. Tuy nhiên vẫn phải mua thêm cây rễ hương từ các địa phương khác. Các làng nghề làm hương trầm rất cần chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ, cần được Nhà nước hỗ trợ để mở rộng diện tích cây rễ hương và đưa thiết bị máy móc nghiền trộn nguyên liệu vừa đỡ sức lao động, vừa tăng năng suất.
Trong năm 2012, Chương trình 135 đã hỗ trợ giống và phân bón cho trên 25 hộ dân thuộc diện hộ nghèo trồng được trên 2 ha cây rễ hương. Bên cạnh đó, dự án của Bỉ đã hỗ trợ 61 triệu đồng xây dựng mô hình trồng 2,6 ha cây rễ hương cho 21 hộ dân tham gia của 3 khối là khối Tân Hương, Định Hoa, Hoa Hải (Thị trấn Tân Lạc - Quỳ Châu). UBND huyện Quỳ Châu đang tích cực vận động bà con mở rộng diện tích trồng cây rễ hương ở các vùng đồi thoải để đáp ứng cho các làng nghề sản xuất hương trầm và coi đây là nghề xoá đói giảm nghèo hữu hiệu.
Văn Trường