Đi cơ sở - không mới mà cần mới

21/11/2012 14:43

(Baonghean) - Cơ sở là đơn vị ở cấp dưới cùng, nơi trực tiếp thực hiện các hoạt động như sản xuất, công tác... của một hệ thống tổ chức, trong quan hệ với các bộ phận lãnh đạo cấp trên. Cơ sở là nơi thể hiện sinh động, là "tấm gương phản chiếu" các chủ trương, chính sách và hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Để các chủ trương, nghị quyết thành hiện thực thì phải thể hiện bằng phong trào từ cơ sở.

Đi cơ sở, đó là việc mà các cấp từng chủ trương và đúc kết từ hàng chục năm qua. Đã từng có những chủ trương được nói gọn cho dễ nhớ như "cùng ăn, cùng ở, cùng làm", "bám đội, lội đồng", "cầm tay chỉ việc", "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"... Bác Hồ từng dạy cán bộ phải "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm...". Vậy mà khi kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, cấp nào cũng có, rất nhiều cán bộ tự nhận hoặc được góp ý là "chưa dành thời gian thích đáng đi cơ sở". Đó là một khuyết điểm có vẻ "dễ chịu", nghe qua như "vô tội"?

Đã có những cán bộ khi đến cơ sở có những phát hiện sắc sảo, mang đến cho cơ sở một tầm nhìn toàn diện, chỉ ra những cách làm hay, hiệu quả, được cán bộ và nhân dân quý mến. Có những chủ trương, việc làm hay được đúc kết, nhân ra diện rộng, rất thiết thực. Tuy nhiên, cũng có những cán bộ đến cơ sở không giúp được gì mà lại làm cho cơ sở nản. Có những cán bộ trống rỗng, nắm không chắc chủ trương, cách làm - cấp trên mà không hướng dẫn được cho cấp dưới. Có những cán bộ làm dáng "ta đây", lấy thế cấp trên để hạch sách. Có những cán bộ gợi ý chia chác, phong bao, chè chén, làm hư hỏng cả cán bộ cấp dưới,... Có hiện tượng "đi cơ sở đều đều" nhưng cuối tháng, cuối quý phản ánh trong giao ban, báo cáo toàn là: Nhân dân đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng,... tuy nhiên thời tiết không thuận lợi, giá cả vật tư lên cao, nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng trên báo chí làm dân hoang mang... trở thành những điệp khúc ở nơi nào cũng nói được. Trong khi nhiều vụ việc dân lúng túng, không biết hỏi ai, thậm chí kêu kiện cả mấy tháng lại không biết.

Đi cơ sở phải xác định rõ mục đích: Đi để làm gì? Đi để phát hiện vấn đề, để đúc rút kinh nghiệm, hay đi để đôn đốc, kiểm tra, giải quyết khó khăn hay để hướng dẫn thực hiện,... Cấp trên phải tùy mục đích công việc mà phân công cho hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường của cán bộ. Phải xác định rõ mục đích, nội dung, từ đó mới định ra lịch trình, phương pháp cụ thể. Và điều quan trọng nhất là phải xuất phát từ cái tâm, cái tầm của cấp trên, của từng cán bộ.


Anh Đặng