Kết quả cuối cùng là thái độ sống của chúng ta

16/11/2012 18:23

(Baonghean) - Một nhà triết học phương Tây chia xã hội thành ba loại người: quần chúng mù quáng, những người am hiểu một nửa và những người am hiểu. Quần chúng mù quáng là những người nhìn nhưng không thấy, biết mà không hiểu nên sống thụ động và chấp nhận tất cả những hiện tượng trong xã hội. Những người am hiểu một nửa nhìn thấu được bản chất của vấn đề, không ngần ngại lên tiếng, phản ứng để thay đổi cục diện. Loại người cuối cùng là sự kết hợp giữa khả năng nhìn thông suốt sự việc của những người am hiểu một nửa và phản ứng im lặng, bàng quan của quần chúng. Đối với nhà triết học này, việc giữ im lặng trước những bất cập của xã hội là giải pháp tối ưu để bảo vệ trật tự hiện hữu, tránh những thay đổi có thể khiến tình trạng càng thêm bất ổn.

Chúng ta hẳn sẽ cười khẩy và chế giễu nhà triết học kia là kẻ sống thực dụng, gió chiều nào xoay chiều ấy. Nhưng khi nhìn lại cách ta phản ứng với những tiêu cực trong xã hội, ta không khỏi giật mình vì chính bản thân cũng đang tìm kiếm cuộc sống an phận thủ thường, tránh ồn ào, ngại thay đổi, hèn nhát khi đối mặt với sự bất công. Nghĩ lại, âu cũng là hệ quả của chủ nghĩa cá nhân, khiến con người ta chỉ chăm chăm tính toán thiệt hơn về phần mình mà quên mất nhiệm vụ của công dân còn là xây dựng, đóng góp cho bức tranh chung lành mạnh của xã hội. Khi chứng kiến một sự việc bất công, chúng ta làm gì có phản xạ nhận định đúng-sai. Suy nghĩ đầu tiên trong ta sẽ là việc đó có liên quan gì đến mình, có ảnh hưởng đến quyền lợi của mình không, từ đó mới quyết định cách phản ứng. Một người say rượu ẩu đả với người khác là tốt hay xấu? Điều đó không quan trọng. Chúng ta phải làm gì, ngăn cản, làm ngơ hay cổ xúy? Cái đó còn tuỳ vào việc người say rượu quan hệ với ta như thế nào, người kia liên quan với ta ra làm sao. Bao nhiêu là yếu tố ngoài lề cần phải tính đến, mà phần đa trường hợp ta lại thường chọn cách ngoảnh mặt làm ngơ để tránh "tai bay vạ gió", tránh rắc rối và phiền toái về phần mình.

Ta vẫn thường thở dài, phàn nàn rằng xã hội bây giờ sao "Thạch Sanh thì ít Lý Thông thì nhiều", nhưng thực ra chính sự im lặng, lãnh đạm của ta đã và đang cổ xúy, thông đồng cho những thói hư tật xấu sinh sôi nảy nở. Nên ta đừng trách người sống không đẹp, vì quan niệm đẹp-xấu, thiện-ác là do chúng ta đặt ra, nếu ta không phân biệt rạch ròi, lên tiếng phản ứng, cái xấu sẽ tự động được bình thường hoá, được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên, làm cho ranh giới giữa tốt và xấu bị xoá bỏ, xê dịch, thoái trào.

Xã hội ngày nay khác xã hội xưa nhiều, những giá trị, lối sống của con người thay đổi là điều dễ hiểu. Nhưng nếu ta ngày càng thu mình lại, nhìn gần hơn, chật hẹp hơn, quẩn quanh bảo vệ chỗ đứng của mình, thờ ơ với sự đi xuống của đạo đức xã hội mà quên mất rằng xã hội có tốt đẹp thì cá nhân mới tối đẹp, ta sẽ đánh mất bản ngã, tầm thường hoá, thực dụng hoá và đồng hoá với cái xấu lúc nào không hay. Trở lại với nhà triết học của chúng ta, thực ra là quần chúng mù quáng hay là người am hiểu có khác gì nhau, vì suy cho cùng kết quả của thái độ sống của họ đều là thờ ơ, lãnh đạm, vô trách nhiệm và vô tác dụng với xã hội. Một cộng đồng toàn những người thờ ơ trước cái tốt, cái xấu như thế rồi đây sẽ đi về đâu, khi mà chúng ta vẫn còn chưa cảnh tỉnh để phục hồi chức năng cho đạo đức, nhân cách và tiếng nói của lương tâm?


Hải Triều (Email từ Paris)