Nhà giáo Nguyễn Thanh Tùng và hoài niệm về văn hóa Dừa Lạng

22/01/2013 11:06

Hay tin công trình “Văn hóa dân gian Dừa Lạng” của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Tùng vừa đạt Giải sáng tạo Khoa học công nghệ Nghệ An năm 2012, tôi liền tìm đến nhà để chúc mừng. Không phải “thấy người sang bắt quàng làm họ”, vả lại còn cách xa về mặt tuổi tác, nhưng dù sao chúng tôi cũng sinh ra trên một vùng quê. Hơn nữa, công trình đạt giải thưởng của ông lại viết về quê hương Dừa Lạng…

(Baonghean) - Hay tin công trình “Văn hóa dân gian Dừa Lạng” của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Tùng vừa đạt Giải sáng tạo Khoa học công nghệ Nghệ An năm 2012, tôi liền tìm đến nhà để chúc mừng. Không phải “thấy người sang bắt quàng làm họ”, vả lại còn cách xa về mặt tuổi tác, nhưng dù sao chúng tôi cũng sinh ra trên một vùng quê. Hơn nữa, công trình đạt giải thưởng của ông lại viết về quê hương Dừa Lạng…

Ngôi nhà nhỏ của gia đình ông nép mình bên những ngôi nhà cao tầng, ngoài vườn đa phần là những loài cây dân dã, gắn bó với vùng thôn quê: táo, na, xoài, bưởi. Đã 60 năm bước chân ra chốn thị thành, ông vẫn giữ được cái chất quê, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách sinh hoạt. Ông giới thiệu về bản thân hết sức ngắn gọn: “Tôi sinh năm 1935 ở Dừa, nay là xã Tường Sơn- Anh Sơn. Năm 18 tuổi, tôi rời gia đình, quê hương để theo đuổi sự nghiệp học hành, sau đó trở thành cán bộ giảng dạy bộ môn Ngữ văn, Trường CĐSP Nghệ An cho đến ngày về hưu. Công trình “Văn hóa dân gian Dừa Lạng” là kết quả gom nhặt gần như suốt cả cuộc đời, từ những ký ức tuổi thơ đến việc tiếp cận và khai thác những người thuộc thế hệ trước”.



Nhà giáo Nguyễn Thanh Tùng.

Đọc “Văn hóa dân gian Dừa Lạng”, ai cũng dễ dàng nhận thấy một tình yêu tha thiết của tác giả đối với truyền thống văn hóa quê hương. Dừa Lạng là vùng đất cổ được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan đẹp và phong phú, có bề dày truyền thống văn hóa được kết tinh từ bao đời. Thế nhưng, trải qua bao biến cố lịch sử, bao lần vật đổi sao dời, không ít nét đẹp ngày xưa đã một đi không trở lại. Dòng chảy truyền thống văn hóa có lúc đã bị đứt đoạn, lớp trẻ giờ đây không mấy ai nắm bắt được mạch nguồn quê hương. “Mỗi lần về thăm quê, tôi lại bàng hoàng, có lúc thật sự thảng thốt trước sự thay đổi của cảnh vật. Sự thay đổi cấu trúc và không gian làng xã tất sẽ dẫn tới sự đứt đoạn trong dòng chảy văn hóa. Vì thế, tôi nghĩ phải kịp thời ghi lại những dấu ấn cũ và tìm gặp các bậc cao niên để sưu tầm, cất giữ những tư liệu quý về quê hương với mong muốn sau này con cháu sẽ có được một sự hình dung về dòng chảy lịch sử. Gom nhặt, ấp ủ mãi đến lúc về hưu mới có điều kiện hoàn thành” - nhà giáo Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.

Với tổng số hơn 300 trang, công trình “Văn hóa dân gian Dừa Lạng” đã khái quát những nét cơ bản về văn hóa dân gian vùng đất này. Đồng thời, tác giả đã dành một dung lượng khá lớn (khoảng 150 trang) để công bố những tác phẩm thơ- văn lưu truyền trong mỗi làng quê. Theo đó, Dừa Lạng là vùng đất gồm các xã Tường Sơn, Hùng Sơn, Đức Sơn và Hoa Sơn (huyện Anh Sơn) ngày nay. Đây từng là vùng đất văn vật của xứ Nghệ, đến nay vẫn lưu truyền câu ca “Nhất Kinh kỳ, nhì Dừa Lạng”.

Ngày xưa, tại đình làng Thượng, thôn Phúc Điền, xã Quan Lạng (nay là xã Tường Sơn) có treo câu đối: “Địa uất kỳ quan danh Nghệ Tĩnh/ Thiên phô quang cảnh đối kinh kỳ” (Đất chứa kỳ quan nổi danh Nghệ Tĩnh/ Trời khoe quang cảnh sánh kinh kỳ). Vùng đất này có địa hình khá đa dạng, vừa có núi rừng, vừa có sông suối, vừa có đồng bằng, bờ bãi. Vì thế, giao thông hết sức thuận tiện, dễ làm ăn và tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình, nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền. Ở đây, mỗi ngọn núi, khúc sông, cánh đồng và làng mạc đều chứa đựng một sự tích hay gửi gắm niềm tự hào hoặc khát vọng của nhân dân. Có thể kể đến quần thể lèn Bút (Bút Nhạc), ao Sen (Liên Trì) như một biểu tượng văn hóa và khát vọng về sự học của người dân xứ Dừa: “Liên Trì, Bút Nhạc rõ ràng/ Lam giang soi bóng ngô vàng đẹp thay”. Là vùng đất dễ sinh sống, làm ăn nên người khắp nơi tìm đến sinh cơ lập nghiệp tạo nên cảnh quan làng mạc trù phú, xanh tươi. Thời điểm ấy, chợ Dừa đứng thứ 3 xứ Nghệ về mức độ sầm uất (chỉ đứng sau chợ Vĩnh và chợ Lường) nên có câu ca: “Dưới đò, trên chợ rập rình/ Phố Tây, phố Khách xây thành hai bên”.

Từ sự phong phú về địa hình, địa vật dẫn đến sự phong phú về mặt sắc thái văn hóa. Người dân khắp các vùng tìm đến đây cộng cư với người dân bản địa đã mang theo những nét tinh túy của quê hương mình và góp phần làm nên sự đa dạng trong đời sống văn hóa vùng đất Dừa Lạng. Trước tiên, do được thiên nhiên ưu đãi, vùng đất này dễ tìm kế sinh nhai nên rất phong phú về nghề nghiệp. Bên cạnh nghề khai thác lâm sản, làm nương rẫy, chăn thả trâu bò, nấu cao xương động vật của người dân bản xứ, còn có sự du nhập của một số nghề từ vùng khác như nghề đóng thuyền, đánh bắt thủy sản, rèn, đan lát và buôn bán. Do có nhiều loại sản vật, nguyên liệu sẵn nên con người Dừa Lạng cũng rất biết cách ăn chơi. So với các vùng khác, nơi đây có khá nhiều các món ăn và những món ăn đặc trưng nhất là những món được chế biến từ ngô, măng rừng và mật mía.

Nằm trong dòng chảy của văn hóa xứ Nghệ, con người Dừa Lạng mang đậm bản tính khẳng khái và cứng cỏi. Ngay từ thế kỷ XV, người dân nơi đây đã sớm tập hợp theo nghĩa quân Lê Lợi và góp phần làm nên chiến thắng Bồ Ải, Khả Lưu, mở đường tiến quân xuống Lam Thành để hạ Thành Nghệ An, do quân Minh chiếm giữ. Đến thời Tây Sơn, anh em nhà Lê Quốc Cầu đã tập hợp quân lương phò Vua Quang Trung để lập nên những chiến công lẫy lừng, được phong “Anh liệt tướng quân chỉ huy sứ cầu võ bá”. Thời Cần Vương, người dân Dừa Lạng trở thành lực lượng tin cậy giúp Lê Doãn Nhã xây dựng thành Sơn Phòng và hạ đồn Dừa do bọn lính Pháp chiếm đóng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người dân Dừa Lạng đã vùng lên phá bỏ kìm kẹp của bọn phong kiến, thực dân và đế quốc qua các chặng đường lịch sử, từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931) đến Cách mạng tháng Tám (1945) và hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kỳ. Tinh thần yêu nước, lòng quả cảm của nhân dân nơi đây đã được ghi nhận khi Nhà nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho xã Tường Sơn (năm 1999).

Có thể nói, chương III (Những biểu hiện của văn hóa dân gian Dừa Lạng) là nội dung trọng tâm của công trình. Trên cơ sở tư liệu được sưu tầm và khảo cứu khá phong phú và kỹ lưỡng, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Tùng đã hệ thống hóa được những nét văn hóa mang tính đặc trưng của vùng đất Dừa Lạng trên cả phương diện vật thể và phi vật thể. Từ kiến trúc nhà ở đến dụng cụ sản xuất, trang phục, đình đền, miếu mạo, từ đường, phong tục tập quán, người dân nơi đây đều có ý thức tạo nên sự khác biệt. Đặc biệt, sự hiện diện của hệ thống đình đền, miếu mạo, từ đường là một minh chứng sinh động về bề dày truyền thống văn hóa, góp phần vẽ nên nét cổ kính và văn vật của quê hương Dừa Lạng. Cũng như khắp mọi miền quê Việt Nam, người dân Dừa Lạng đều gửi gắm đời sống tâm linh thông qua các hoạt động tín ngưỡng, qua đó bày tỏ tấm lòng tri ân với các vị thần linh, tiên tổ, thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Đặc biệt, ở Dừa Lạng có số lượng đáng kể bà con giáo dân. Đồng bào lương- giáo ở đây luôn chung sống trong sự hòa hợp. Thế nên, mới có những câu ca xúc động lòng người: “Đôi ta lương giáo mặc dầu/ Cùng chung Tổ quốc, cùng sầu nước non”, và: “Yêu nhau chẳng quản giáo lương/ A- men mặc thiếp, khói hương mặc chàng”. Ngoài ra, mảnh đất này còn có sự hiện diện của đồng bào dân tộc Thái nhưng bao đời nay người Kinh, người Thái vẫn cùng chung sức xây dựng quê hương.

Phần giới thiệu, tuyển chọn những sáng tác thơ văn ở cuối công trình đã giúp người đọc hình dung được vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên, làng quê cũng như tâm hồn người Dừa Lạng. Phần lớn những gì ông Nguyễn Thanh Tùng tập hợp trong “Văn hóa dân gian Dừa Lạng” giờ đây đã bị dòng chảy thời gian cùng những biến thiên của lịch sử (chiến tranh, lũ lụt, di dời làng mạc) đưa vào “miền ký ức”. Những nét văn hóa một thời bây giờ đã thành trầm tích và trở thành hoài niệm trong tâm thức của những thế hệ cao niên. Còn với hầu hết thế hệ 8X chúng tôi, những nét xưa cũ ấy đã thành xa lạ, không phải bởi sự vô tình mà do chúng không còn hiện hữu. Có lẽ nhận ra được điều này nên ở phần Kết luận, tác giả đã đưa ra 3 kiến nghị quan trọng đối với cán bộ và nhân dân địa phương: Xác định đúng chất và lượng những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; Chống tâm lý thỏa mãn, tự bằng lòng và Xây dựng môi trường xã hội - nhân văn.

Khi đọc “Văn hóa dân gian Dừa Lạng”, tôi như được đắm mình trong dòng suối trong mát và thật sự vui sướng khi được bắt gặp những vỉa tầng văn hóa của quê hương. Ngoài cuốn sách này, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thanh Tùng đã hoàn thành thêm cuốn “Văn hóa cổ truyền ở huyện Anh Sơn” và đang dự định bắt tay thực hiện công trình “Làng cổ ở Anh Sơn”. Người dân Dừa Lạng, người dân Anh Sơn biết ơn ông, vì có ông mà nhiều giá trị văn hóa truyền thống của quê hương không bị rơi vào quên lãng!


Công Kiên