Cổ tích rừng tre
(Baonghean) Chàng trai không cha, mồ côi mẹ từng sa vào bước đường lầm lạc và trong lúc cùng quẫn, Hợi từng định tìm đến cái chết. Mãn hạn tù, anh trở về quê, tự ôn thi, vượt qua nhiều sóng gió để theo học đại học.
Hợi nói: “Em mang họ của mẹ!”. Mẹ anh, bà Phan Thị Điểm đã qua 3 lần đò, và Hợi là “sản phẩm” của cuộc tình duyên sau cuối. Tròn 3 tuổi, Hợi rời Quảng Bình, theo mẹ về xã Sơn Quang (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), cùng sống với hai anh chị cùng mẹ khác cha.
Vào tù, tay chân Hợi bỗng nhiên bị liệt. Không đi lại được nên suốt ngày dường như anh ăn nằm một chỗ. Bản năng thúc dục anh phải sống. Gượng đứng dậy, Hợi tập đi.
Lúc Hợi nằm trong trại giam là lúc ở nhà mẹ anh hấp hối trên giường bệnh. Ung thư di căn, bà Phan Thị Điểm không thể chờ đợi ngày con mãn hạn tù trở về để gặp con lần cuối.
Hợi rời căn nhà gió lạnh vào rừng tre, dựng một cái chòi lá trên triền đồi mẹ anh để lại, ngày ngày cuốc đất trồng đậu, gieo lạc, nuôi đàn gà. Lấy ngắn nuôi dài, mỗi sáng anh thức dậy thật sớm, dắt dao vào rừng đốn củi, buổi chiều cõng củi ra chợ bán kiếm tiền đong gạo. Một mình Hợi lầm lũi, đơn độc giữa khu rừng nghèo nàn, thanh vắng.
Mỗi chiều cõng củi men theo con đường mòn xuống chợ, Hợi lại bắt gặp từng tốp học sinh đạp xe đi học và ước mơ được tiếp tục con đường học hành dang dở trong anh trỗi dậy. Nếu cứ thui thủi mãi giữa bạt ngàn tre pheo, cuộc đời sẽ héo mòn, sẽ mất hút như gió rừng chiều nên Hợi nung nấu quyết tâm thi vào đại học.
Tìm đâu ra sách vở để ôn thi nơi thâm sơn cùng cốc? Chợt nhớ đến cô bạn Nguyễn Thị Lành (xóm 10, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn) đang ôn thi tại nhà, Hợi lò dò đến nhà gõ cửa mượn tài liệu. Cảm động trước tấm gương hiếu học của Hợi, cô bạn cho cậu mượn 3 tập tài liệu Văn- Sử- Địa. Cầm “bảo bối” trong tay, chàng trai mang về nhà, hí húi học bài. Ngày cuốc đất trồng rau, đêm đêm Hợi cặm cụi tự ôn luyện dưới ánh đèn dầu. Gần một năm như vậy, trong đầu anh đã ghi nhớ được một lượng kiến thức kha khá và khấp khởi chờ ngày ra Vinh ứng thí.
Hôm “lều chõng” ra Nghệ An đọ sức với nghìn vạn sỹ tử trong Nam ngoài Bắc tại điểm thi Vinh, trong túi cậu chỉ có vẻn vẹn 600 ngàn đồng. Đó là số tiền chị gái Phan Thị Minh bán đàn gà, hỗ trợ cho em. Nhưng thật không may cho anh, trong lúc đi tắm, kẻ gian lẻn vào, khoắng sạch tiền và quần áo, sách vở. Đêm trước vào phòng thi, Hợi trắng tay, đến cả chiếc bút cũng chẳng còn.
Hợi suy nghĩ, nấn ná thật lâu, rồi cắn răng mạnh dạn bước vào phòng sinh viên kế bên “trình bày hoàn cảnh”. Nghe xong, nhóm bạn nhất tề nhổm dậy, kéo Hợi ngồi xuống cùng san sẻ bữa cơm đạm bạc. Những người bạn tốt cho Hợi giấy bút để vào phòng thi.
Phan Hợi
Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển ĐH Vinh, Hợi nửa mừng nửa lo. Mừng vì giấc mơ bước tới giảng đường đã thành hiện thực, nhưng lo lắng vì không biết lấy gì ăn học. Người dân xã Sơn Quang (Hương Sơn) nghe tin chàng trai mồ côi thi đậu ĐH, kéo nhau đến chia vui. Người góp gạo, kẻ cho quần áo, hàng xóm mở một cuộc vận động quyên góp, ủng hộ 6 triệu đồng. Cầm đồng tiền ân nghĩa của người dân Sơn Quang, Hợi khăn gói rời quê ra Vinh, nhập trường.
Ban Giám hiệu Trường ĐH Vinh dành chỗ trọ miễn phí cho chàng sinh viên mồ côi hiếu học, tạo điều kiện cho anh làm thủ tục vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. “Vừa làm thêm, vừa sử dụng đồng vốn vay được, em tằn tiện trong chi tiêu cũng đủ nuôi sống mình suốt 4 năm theo học anh ạ!”, Hợi kể.
Trung tâm hỗ trợ sinh viên do thạc sỹ Lê Công Đức làm giám đốc, lập ra CLB “Mái ấm trường Vinh”, tập hợp hơn 20 sinh viên nghèo mồ côi cả cha lẫn mẹ để những người chung cảnh ngộ cùng sinh hoạt, giúp đỡ lẫn nhau. “Dưới mái ấm trường Vinh, em thực sự tìm thấy tổ ấm của mình. Các sinh viên mỗi người một xứ, nhưng cùng chung một nỗi đau mất cha, mất mẹ, sống quây quần như anh em ruột thịt!”, Hợi nói. Hợi cho biết sau khi tốt nghiệp, sẽ xin về làm thầy giáo, trở về rừng tre, trở về Hương Sơn cõng chữ lên ngàn…
Quang Long