Mỹ đang triển khai lực lượng quân sự bao vây Syria

10/12/2012 18:41

Theo mạng tin Báo cáo Tình báo Hàng ngày (Mỹ) ngày 8/12, trong khi dư luận lo ngại về các tin tức tình báo cho biết Chính phủ Syria chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học chống người dân trong nước thì chính quyền Mỹ bắt đầu triển khai hải quân và các lực lượng khác ở ngoài khơi bờ biển và xung quanh Syria.

Theo mạng tin Báo cáo Tình báo Hàng ngày (Mỹ) ngày 8/12, trong khi dư luận lo ngại về các tin tức tình báo cho biết Chính phủ Syria chuẩn bị sử dụng vũ khí hóa học chống người dân trong nước thì chính quyền Mỹ bắt đầu triển khai hải quân và các lực lượng khác ở ngoài khơi bờ biển và xung quanh Syria.

Ngày 5/12, Hải quân Mỹ quyết định điều động nhóm tàu tấn công hàng không mẫu hạm USS Eisenhower từ vùng Vịnh đến Địa Trung Hải gần bờ biển Syria; một nhóm tàu tấn công đổ bộ đến phía đông Địa Trung Hải gồm tàu USS Iwo Jima, USS New York và USS Gunston Hall cùng 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ. Như vậy, sau khi triển khai 2 lực lượng, hiện nay Mỹ có 17 tàu chiến, 70 máy bay ném bom và 10.000 binh sĩ đồn trú gần Syria.



Tàu sân bay USS Eisenhower của Mỹ

Ngoài ra, Mỹ còn bố trí Liên đoàn Căn cứ Không quân thứ 39 của Lực lượng Không quân tại căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, cộng với hàng chục nghìn binh sĩ của các đơn vị bộ binh triển khai ở Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Bahrain để sẵn sàng phát động một cuộc tấn công quân sự chống Syria.

Các nguồn tin của Lầu Năm Góc cho biết việc can thiệp quân sự với lý do ngăn chặn các loại vũ khí hóa học của Syria sẽ cần khoảng 75.000 binh sĩ.

Một mối đe dọa khác đối với chế độ Syria là sự can thiệp quân sự trực tiếp của NATO. Hiện nay, các chính phủ NATO đang chuẩn bị thực hiện quyết định ngày 5/12 của hội nghị các ngoại trưởng NATO nhằm triển khai các trận địa tên lửa Patriot trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. Đức quyết định triển khai khoảng 400 binh sĩ, Mỹ và Hà Lan cũng điều động quân số tương tự đến khu vực này.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cần các tên lửa Patriot để ngăn chặn mối đe dọa khi Syria phóng tên lửa mang vũ khí hóa học về phía biên giới hai nước, nhưng các trận địa Patriot cũng có thể được sử dụng để áp đặt một khu vực cấm bay ở miền bắc Syria, cho phép lực lượng nổi dậy được Mỹ hỗ trợ tăng cường kiểm soát lãnh thổ và tạo điều kiện cho việc thành lập một chính phủ được phương Tây hậu thuẫn ở Syria.

Phát biểu tại hội nghị các ngoại trưởng NATO ở Brussels, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tố cáo Washington và các đồng minh của Mỹ tung tin đồn về mối đe dọa của các loại vũ khí hóa học. Ông cho biết ngay sau khi nhận được thông tin về các loại vũ khí hóa học, Bộ Ngoại giao Nga đã tiến hành tìm hiểu và nhận được lời khẳng định rằng điều đó sẽ không xảy ra, và Nga đã chia sẻ thông tin này với các đồng nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Hillary Clinton, Washington sợ rằng chế độ Syria ngày càng tuyệt vọng nên có thể chuyển sang các loại vũ khí hóa học hoặc có thể lơi lỏng việc kiểm soát để cho các vũ khí hóa học rơi vào tay các nhóm khủng bố hiện đang hoạt động ở Syria.

Lần đầu tiên tuyên bố của bà Clinton đề cập đến mối đe dọa thực sự ở Syria, đó là lực lượng nổi dậy mà Mỹ và các nước đồng minh ủng hộ có thể tấn công các cơ sở quân sự của Syria và chiếm đoạt các loại vũ khí hóa học.

Trong khi đó, các quan chức Mỹ giấu tên cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ chuẩn bị đưa nhóm chiến binh Hồi giáo người Syria có tên "Jabhat al-Nusra", hiện đóng vai trò hàng đầu trong chiến dịch quân sự chống Chính phủ của ông Bashar al-Assad, vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài.

Theo các báo cáo gần đây, nhóm al-Nusra - có quan hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda - hiện có khoảng 10.000 chiến binh, trong đó có nhiều người Hồi giáo nước ngoài đã bí mật thâm nhập lãnh thổ Syria.

Nhóm chiến binh này được trang bị tốt nhất để phát động chiến tranh nhằm thay đổi chế độ và gần đây đã chiếm được 2 căn cứ quân sự của Syria. Cata đã và đang vận chuyển phần lớn các loại vũ khí cho tổ chức này.

Rõ ràng, việc coi nhóm chiến binh al-Nusra là một tổ chức khủng bố có nghĩa là Washington công khai tách các thành phần al-Qaeda mà Mỹ đã dựa vào để phát động cuộc nội chiến phe phái lật đổ chế độ Assad.

Một trong những lý do khiến Mỹ chỉ định nhóm al-Nusra vào danh sách khủng bố là để mở đường cho Mỹ và các nước đồng minh can thiệp trực tiếp hơn vào lực lượng nổi dậy vũ trang Syria, đồng thời phân biệt giữa các thành phần "thế tục-dân chủ" và các chiến binh Hồi giáo.

Động thái như vậy có khả năng phù hợp với một hội nghị của tổ chức "Những người bạn của Syria" sẽ được tổ chức tại Marrakech ở Morocco vào tuần tới, trong đó Washington có thể cùng các nước đồng minh NATO công nhận một mặt trận nổi dậy: Liên minh Quốc gia của Các lực lượng Đối lập gồm các lực lượng khác nhau dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao Mỹ./.


Theo(Vietnam+) - ĐT