Sạt lở kè sông Lam qua xã Nam Cường: Cần gia cố gấp

18/01/2013 14:54

Do tốc độ lở đất đoạn qua xã Nam Cường (Nam Đàn) quá mạnh, dòng chảy sông Lam lấn chiếm làng, đồng đất nên năm 2012, huyện Nam Đàn đã khởi công thi công công trình kè Nam Cường. Công trình trị giá  30 tỷ đồng, dài 1,83 km. Công trình đưa vào sử dụng chưa được bao lâu nay đã sạt lở chân kè, sụt lún các rọ đá. Tổng chiều dài sụt lún khoảng 70m. Nếu không khắc phục kịp thời thì công trình trên có nguy cơ  hỏng hoàn toàn.

(Baonghean) - Do tốc độ lở đất đoạn qua xã Nam Cường (Nam Đàn) quá mạnh, dòng chảy sông Lam lấn chiếm làng, đồng đất nên năm 2012, huyện Nam Đàn đã khởi công thi công công trình kè Nam Cường. Công trình trị giá 30 tỷ đồng, dài 1,83 km. Công trình đưa vào sử dụng chưa được bao lâu nay đã sạt lở chân kè, sụt lún các rọ đá. Tổng chiều dài sụt lún khoảng 70m. Nếu không khắc phục kịp thời thì công trình trên có nguy cơ hỏng hoàn toàn.

Mặc dù là mùa khô nhưng mực nước sông Lam vẫn khá cao. Đi qua cầu Yên Xuân vào xóm 3, xóm 4 xã Nam Cường là đến bờ kè. Công trình này được xây dựng đã chắn được nước sông để đồng ruộng của bà con nơi đây không bị mất mùa. Ông Trần Văn Nuôi, cựu chiến binh ở xóm 3, Nam Cường dẫn chúng tôi ra bờ kè, chỉ vào những chỗ hư hỏng, sụt lún và cho biết: “Sáng nào tôi cũng đi thể dục ở đây, công trình này thi công thế nào chúng tôi biết hết. Độ sụt lún ước khoảng 70m, một số rọ đá đã bị rơi xuống sông. Khi kè bị sụt, đã có 2 đoàn đến kiểm tra, nhà thầu đã đưa đá đến gia cố. Họ đổ đá trực tiếp lên chỗ sụt lún”. Quan sát thấy: một số chỗ sự liên kết giữa các rọ đá và bờ kè không còn. Một đường nứt khoảng 30cm hiện ra làm cho phần bê tông liên kết giữa chân kè và phần rọ đá cách xa nhau. Theo thiết kế, mái kè được kết cấu bằng khung bê tông, chia thành các ô, dưới đáy có phủ tấm bạt để cát, đất không vào được. Phía ngoài ghép đá hộc, chân kè đổ bê tông 2m.



Khai thác cát gần chân kè

Anh Nguyễn Hải ở xóm 3, Nam Cường nhận xét: “Sụt lún có lẽ do khai thác cát ở lòng sông quá mạnh. Có hôm tàu hút cát đặc đen, nổ máy ầm ầm dân không ngủ được. Mấy hôm nay tàu rút dần do bị thu thuế”. Nhìn ra lòng sông thấy còn 2 tàu đang hút cát, đổ về phía bến cát cầu Yên Xuân. Có thể do cát bị hút ở lòng sông quá mạnh, đáy sông bị hẫng nên cát ở ven bờ cũng chảy theo gây sụt lún. Nhưng cũng có thể vì nguyên nhân khác.

Được biết công trình kè Nam Cường chia thành 5 gói thầu. Nguồn vốn bố trí nhỏ giọt, năm 2011 và 2012 chỉ bố trí chưa đầy 10 tỷ đồng. Để khắc phục sự cố, nhà thầu đã đưa đá đến đổ trực tiếp đá lên chỗ sụt lún, tấp các rọ đá lại. Nhưng người dân ở đây cho biết, cách khắc phục thế là không được. Đáng lẽ phải lôi các rọ đá cũ lên, bỏ rọ đá mới xuống, đồng thời đổ bê tông lại chỗ bị nứt gãy. Còn đổ đá lên các rọ đá cũ trong khi các rọ này đang rớt xuống sông thì mấy cục đá ấy “nhằm nhò” gì!



Kè sông Lam đoạn qua Nam Cường bị sụt lún

Ông Trần Văn Nuôi, xóm 3, Nam Cường cho hay: Lẽ ra kè phải làm từng nấc một để cản sức đập của sóng chứ làm một mái phẳng như vậy sự bền vững không cao. Quả vậy, trong khi đá ghép không có xi măng thì với sức đập của nước sông Lam mùa lũ đá hộc dễ dàng rơi xuống.

Ông Đinh Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND Huyện Nam Đàn cho biết: “Huyện đã biết việc này nhưng về xử lý thì phải chờ nước rút xuống đã mới tìm hiểu được nguyên nhân và cách khắc phục cụ thể. Hiện nay nước đang lớn lắm. Công trình này cũng chưa bàn giao và nghiệm thu. Về vốn công trình mới trả được cho nhà thầu 7 tỷ đồng”.

Điều vô lý là cầu Yên Xuân sát đó đang xuống cấp mạnh, đây lại là đường tàu Bắc Nam, nhưng tàu hút cát ở khu vực này nhiều năm qua vẫn hoạt động không ngơi nghỉ, dù đã nhiều lần báo chí phản ánh. Chắc rằng sự sụt lún của bờ kè có một phần từ việc hút cát bừa bãi mà chính quyền đang bó tay. Chủ đầu tư và nhà thầu công trình cần sớm kiểm tra và khắc phục nghiêm sự cố.


Châu Lan