Ý kiến ĐBQH: “Nghiêm cấm từ chức để trốn trách nhiệm ?”
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB Phạm Văn Tam (Hà Nam) đề nghị phải làm nghiêm để...
ĐB Phạm Văn Tam: Đề phòng một số vị từ chức để trốn tránh trách nhiệm
Nghiêm cấm từ chức để trốn trách nhiệm
Ông Tam đề xuất Nghị quyết phải đưa ra quy định chặt chẽ về vấn đề cán bộ tự nguyện xin từ chức. Và mỗi cán bộ lãnh đạo nên có tư duy xem từ chức là chuyện bình thường khi chưa hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Tam cũng lưu ý đề phòng một số vị từ chức để trốn tránh trách nhiệm.
Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB cho rằng nên đi thẳng vào khâu “bỏ phiếu” và chỉ khoanh vùng trong nhóm 49 cán bộ chủ chốt bởi lo ngại hai quy trình từ lấy phiếu đến bỏ phiếu sẽ khiến mục tiêu đưa khỏi bộ máy những người không xứng đáng khó lòng đạt được. Việc khoanh trong nhóm cán bộ chủ chốt sẽ đảm bảo mục tiêu giám sát với các chức danh mà chỉ đạo, điều hành của họ tác động đến số đông.
ĐB Phan Văn Tường: Hai quy trình là tương đối lòng vòng
ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) phản ánh, cử tri đang cho rằng hai quy trình như hiện nay là tương đối lòng vòng. Đề nghị nên bỏ phiếu hàng năm với nhân sự cấp cao để tránh tràn lan, hình thức. Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một kênh nằm trong quy trình công tác, được áp dụng ở nhiều nơi nên không nhất thiết phải tiếp tục đưa ra QH, HĐND.
Ông Tường cũng nêu nghịch lý, các chức danh chủ chốt chỉ bầu một lần ở QH và chỉ cần kết quả “quá bán” là đủ điều kiện phê chuẩn. Vậy nhưng đến khâu đánh giá cán bộ thì lại đưa ra một quy trình lòng vòng. Trong đó một số điều kiện để đi đến “bỏ phiếu” là khó khả thi (như có 20% ý kiến ĐBQH hoặc đề xuất của các ủy ban).
“Cán bộ lãnh đạo thì phải có vào có ra, có lên có xuống”, ông Tường nói.
Quyền năng của QH là thể hiện tín nhiệm với chức danh do chính QH phê chuẩn song trong số 5 điều kiện để đưa cán bộ ra bỏ phiếu thì có tới 2 điều kiện từng được nêu trong các luật hiện hành song không khả thi. Các điều kiện còn lại cũng dễ phát sinh tiêu cực. Trong khi đó, theo ông Tường, phải xem việc bỏ phiếu tín nhiệm ở QH là chuyện bình thường. Cũng để gửi thông điệp tới các vị lãnh đạo rằng nhiệm kỳ 5 năm không dài, cần toàn tâm toàn ý phục vụ quốc gia ngay từ ngày đầu nhậm chức.
Đồng thời, việc chọn các chức danh chủ chốt cũng sẽ có tác dụng “cảnh tỉnh” với những vị cán bộ ở cấp dưới.
Đa số ĐBQH tán thành với các phân tích trên và đề xuất Thường vụ QH nên phát phiếu lấy ý kiến khi thông qua Nghị quyết để xem bao nhiêu người chọn phương án mở rộng đối tượng.
Nói như ĐB Phạm Minh Tấn (Đắk Lắk), thà làm ít mà tốt còn hơn dài trải, hình thức. Còn Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc thì nói vui, việc kê khai tài sản làm dàn trải, rồi căn bệnh đầu tư dàn trải và đến bây giờ nếu lại lấy phiếu tín nhiệm dàn trải thì không hiệu quả.
Để dân giám sát người “hứa trước quên sau”
Phát biểu tại hội trường, nhiều ĐBQH thốt lên, lo nhất vẫn là việc thiếu thông tin để bỏ phiếu cho chính xác. Hơn nữa, các ĐBQH cũng muốn để người dân được tham gia bỏ phiếu.
Để có thêm thông tin giúp ĐB bỏ phiếu khách quan, chính xác, ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) đề xuất cần thêm ý kiến từ cơ quan làm việc, đánh giá của Thường vụ QH (hoặc HĐND). Đặc biệt, người được đưa ra lấy phiếu cũng phải báo cáo kết quả xác minh về những nội dung đơn thư tố cáo liên quan hoặc những vấn đề công luận nghi vấn.
Ông Khánh cũng đề nghị, Mặt trận Tổ quốc nên tập hợp thêm ý kiến của nhân dân. “Chứ nếu không chỉ có mỗi bản tự kiểm điểm, tự giải trình của người được lấy phiếu là chưa đủ. Vì cần phải làm chắc chắn, cẩn thận, công tâm, đồng thời tránh được sự lợi dụng từ phía các thế lực thù địch”, ông Khánh nói.
ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cũng khẳng định, phải để người dân được trực tiếp thể hiện ý kiến và quan điểm. Vì vậy, trước khi tiến hành lấy phiếu, nên có một cuộc điều tra dư luận xã hội. “Có thể giao cho một cơ quan điều tra dư luận xã hội, phối hợp Ban tuyên giáo TƯ, hoặc Viện khoa học xã hội”, ông Việt nói.
Nói như ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình), người dân đang rất trông đợi chủ trương này đi vào thực tiễn bởi đây là một thước đo với các vị lãnh đạo. “Lâu nay, thước đo chỉ số hài lòng của dân chưa thật cụ thể, thậm chí còn rất hình tượng. Việc lấy phiếu tín nhiệm dường như là điều không tưởng. Người dân không có quyền quyết định sinh mạng của cán bộ nhưng cán bộ lại cho mình quyết định tất cả. Nên mới dẫn đến tình trạng một bộ phận cán bộ suy thoái, ích kỷ, xa dân, quên đi trách nhiệm với dân, chỉ chăm chăm lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”, bà Hoàn nói.
ĐB Phạm Trường Dân cũng kỳ vọng, việc bỏ phiếu tín nhiệm nếu được làm nghiêm túc sẽ đáp ứng được mong mỏi của dân, đó là giám sát các vị lãnh đạo do dân bầu ra. Tránh tình trạng không ít người “hứa trước mà quên sau, hứa rồi không làm”.
Nghị quyết sẽ được biểu quyết vào cuối kỳ họp.
Phó chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc: ĐB có quyền đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm
Phải chú ý đến quyền của ĐBQH. Nên tính đến tình huống từng ĐBQH sau khi tiếp xúc cử tri, sau khi đi giám sát, sau khi chất vấn có quyền đề xuất xem xét bỏ phiếu tín nhiệm. Vì thực tiễn tại kỳ họp QH vừa qua đã xuất hiện tình huống này rồi.
ĐBQH có quyền trình luật, có quyền đề xuất bổ nhiệm thì cũng phải có quyền đề xuất bãi nhiệm.
Tất nhiên đã có quy định phải có đề xuất của 20% ĐBQH, của các ủy ban, nhưng tôi cũng đề nghị mỗi ĐBQH có quyền đề xuất đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh.
Theo VPchinhphu-M