Một cải cách mạnh mẽ và quan trọng

20/01/2013 16:12

(Baonghean) Theo thông tin đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ chủ trì thì các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện đang có tổng vốn chủ sở hữu là 735.293 tỉ đồng; tổng tài sản là 2,14 triệu tỉ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm tỉ trọng bình quân là 43% nhưng có tổng nợ phải trả là 1,33 triệu tỉ đồng.

(Baonghean) Theo thông tin đưa ra tại Hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ chủ trì thì các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước hiện đang có tổng vốn chủ sở hữu là 735.293 tỉ đồng; tổng tài sản là 2,14 triệu tỉ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm tỉ trọng bình quân là 43% nhưng có tổng nợ phải trả là 1,33 triệu tỉ đồng.

Một số tập đoàn, tổng công ty có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt quá giới hạn cho phép, cá biệt có nơi rất cao. Điều đó cho thấy mục tiêu biến các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thành những “quả đấm thép”, “xương sống” “giữ vai trò chủ đạo” của nền kinh tế đất nước đang ngày càng gặp nhiều khó khăn, trở ngại ngay chính trong nhận thức và hành động của các doanh nghiệp lớn vốn đang được hưởng rất nhiều ưu đãi và được ví như là những đứa “con cưng” của Nhà nước. Đây là vấn đề đã được tiên đoán từ khá lâu, nhưng vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để nên đã tiêu phí một nguồn lực kinh tế không nhỏ của đất nước.

Vì thế, khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không còn nhắc tới quy định về việc kinh tế nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo. Thay vào đó, dự thảo chỉ khẳng định rằng: “Các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” (Khoản 2, Điều 54, Dự thảo Hiến pháp sửa đổi). Nhiều người mừng rỡ đón nhận và coi đây là một bước cải cách mạnh mẽ và quan trọng.

Đánh giá như vậy không phải là không có lý. Vì một khi kinh tế Nhà nước không còn có vai trò chủ đạo nữa thì những sự ưu đãi quá lớn của Nhà nước như trước đây về con người, tài chính, đất đai và các tài nguyên khác sẽ không còn được tập trung vào đó nữa mà sẽ được phân bổ lại công bằng, hợp lý hơn phục vụ cho những thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân nào làm ăn tốt mang lại nhiều hiệu quả kinh tế - xã hội cho đất nước, cho nhân dân. Đi cùng với đó, tình trạng làm ăn thiếu trách nhiệm, kém hiệu quả, lãng phí, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước cũng sẽ được giải quyết triệt để, bớt đi được khá nhiều rủi ro cho nền kinh tế nước nhà.

Đất nước ta còn nghèo, nguồn lực kinh tế của chúng ta còn mỏng, nhưng với bước cải cách mạnh mẽ này, nguồn lực ít ỏi của xã hội sẽ được phát huy một cách có hiệu quả hơn, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả và sự phát triển của nền kinh tế. Điều đó, đồng nghĩa với việc các thành phần kinh tế sẽ có cơ hội cạnh tranh lành mạnh để phát triển trong một môi trường bình đẳng hơn.

Như lời một chuyên gia ở Văn phòng Quốc hội thì: Với quy định mới như trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, vai trò của các thành phần kinh tế sẽ được sự phát triển của chúng xác định. Thành phần nào có động lực phát triển mạnh hơn, đóng góp được nhiều hơn cho xã hội thì thành phần đó sẽ giữ vai trò chủ đạo.

Cho nên nói đó là một cải cách mạnh mẽ và quan trọng là vì thế.


Duy Hương