Những chiếc xe lôi ở Ngọc Lâm

08/12/2012 14:42

Lâu nay, xe lôi luôn là nỗi ám ảnh đối với bà con ở Khu tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Bởi lẽ, với việc vận chuyển cả khối gỗ cồng kềnh, vận tốc tương đối lớn (khoảng 40 km/h), lại không thể phanh kịp khi gặp chướng ngại vật, loại xe này rất dễ gây tại nạn nếu người đi đường không để ý tránh đúng lúc, đúng khoảng cách. Hơn nữa, với ưu thế gọn nhẹ, cơ động, xe lôi chính là thủ phạm gây “chảy máu” rừng ở khu vực biên giới của huyện Thanh Chương.

(Baonghean) Lâu nay, xe lôi luôn là nỗi ám ảnh đối với bà con ở Khu tái định cư xã Ngọc Lâm (Thanh Chương). Bởi lẽ, với việc vận chuyển cả khối gỗ cồng kềnh, vận tốc tương đối lớn (khoảng 40 km/h), lại không thể phanh kịp khi gặp chướng ngại vật, loại xe này rất dễ gây tại nạn nếu người đi đường không để ý tránh đúng lúc, đúng khoảng cách. Hơn nữa, với ưu thế gọn nhẹ, cơ động, xe lôi chính là thủ phạm gây “chảy máu” rừng ở khu vực biên giới của huyện Thanh Chương.

Cấu tạo của xe lôi khá đơn giản: Giá xe làm bằng gỗ, bánh xe được tận dụng từ bánh xe ô tô cũ. Xe lôi được thiết kế gần giống với chiếc xe bò lốp của bà con nông dân dùng để vận chuyển nông- lâm sản nhưng nhỏ gọn hơn và không làm thành xe vì nó chuyên dùng vào việc chở gỗ. Càng xe được buộc vào phần sau của một chiếc xe gắn máy. Chiếc xe gắn máy này có nhiệm vụ kéo (lôi) chiếc xe thô sơ phía sau, điều này giải thích vì sao nó được gọi là xe lôi. Khi xe lôi có trọng tải lớn sẽ có 3- 5 người đi xe máy theo sau dùng chân đạp vào giá xe hoặc các phiến gỗ trên xe để trợ lực. Sở dĩ xe lôi không thể phanh kịp khi đột ngột gặp chướng ngại ở phía trước là vì chạy với vận tốc tương đối lớn, lại chở nặng, nếu người điều khiển xe máy thực hiện thao tác dẫm phanh lập tức toàn bộ chiếc xe lôi sẽ dồn về phía trước và tính mạng người điều khiển khó được bảo toàn.



Chiếc xe lôi chở gỗ vừa bị tổ tuần tra của xã Ngọc Lâm bắt giữ.

Nhiệm vụ của xe là chở gỗ từ các cửa rừng, nơi gỗ vừa được vận chuyển ra bằng trâu về nơi tập kết để chuyển lên ô tô rồi chở đến nơi tiêu thụ. Người dân xã Ngọc Lâm cho hay, trước đây xe lôi hoạt động không kể ngày đêm, mỗi ngày có hàng chục chuyến chạy khắp các ngả đường gây ra tình trạng náo loạn ở các bản làng. Thời gian gần đây, một phần do gỗ rừng đã bắt đầu cạn kiệt, phần khác do các ban, ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nên tần suất hoạt động của xe lôi giảm hẳn. Tuy vậy mỗi ngày cũng có đến trên dưới 10 chuyến. Giờ đây, các đối tượng chạy xe lôi ít hoạt động vào ban ngày, chủ yếu hoạt động vào ban đêm, đặc biệt là vào thời điểm đêm khuya vắng lặng.

Còn nhớ, cách đây hơn 1 năm, khi xe lôi chở gỗ đang hoạt động khá rầm rộ ở Ngọc Lâm, chúng tôi có mặt ở bản Noòng và bắt gặp 1 chiếc xe lôi chở đầy gỗ và 5 chiếc xe máy chạy sau hộ tống. Đang cầm máy ảnh trong tay, người bạn đi cùng đưa lên định chụp hình. Lập tức, 2 chiếc xe máy dừng lại, 2 thanh niên điều khiển xe đứng nhìn chúng tôi với vẻ mặt đầy thách thức. Chúng tôi vào nhà một người quen ở gần đó, mấy chục phút sau, 2 thanh niên này vẫn rú ga chạy đi chạy lại ngoài đường. Thông thường, để đảm bảo an toàn khi xe lôi vận chuyển gỗ, có một chiếc xe máy chạy phía trước khoảng 100m để làm “hoa tiêu”, tức là vừa thăm dò sự kiểm soát của các lực lượng chức năng, vừa thông báo “có xe lôi!” để người đi đường biết cách tránh. Thế nhưng, bà con nơi đây cho biết, trên địa bàn thỉnh thoảng vẫn xảy ra tai nạn do xe lôi gây ra. Tính từ đầu năm đến nay, ít nhất có 2 “tài xế” xe lôi đã thiệt mạng. Bởi lẽ, xe lôi là nỗi ám ảnh đối với người dân Ngọc Lâm nhưng với trâu bò, chúng gần như không biết sợ là gì. Hai “tài xế” xe lôi này tử vong vì điều khiển xe đụng phải trâu đang đi trên đường làm xe đổ nhào, gỗ bung ra đường rồi đè lên người.

Trao đổi với ông Lô Hoài Dung- Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, được biết: Xã đã lập tổ tuần tra có nhiệm vụ chốt chặn, bắt giữ các đối tượng vận chuyển gỗ nên lâu nay tình trạng vận chuyển gỗ bằng xe lôi đã giảm xuống đáng kể, các đối tượng này không còn hoạt động một cách ngang nhiên như trước đây. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, nhiều tuyến đường đan xen, trạm kiểm soát lại ít nên hàng ngày vẫn có những chiếc xe lôi chở gỗ hoạt động trên địa bàn, đặc biệt là vào thời điểm đêm khuya.


Tường Anh