Nhắc lại, để yêu thêm hòa bình

08/12/2012 14:38

(Baonghean) Trên 1.000 lần máy bay, trong đó có khoảng 500 lần máy bay B52-được xem là "siêu pháo đài bay" bất khả xâm phạm, niềm tự hào của quân sự Mỹ với 4 vạn tấn bom trút xuống 67 xã ngoại thành, 39 phố nội thành, 7 ga xe lửa, 4 cầu, 4 bến phà của Hà Nội vào mùa Đông năm 1972. Với đòn đánh có tính chất hủy diệt vào trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa của nước ta, chính quyền Richard Nicxon lộ rõ sự bội ước và muốn dùng sức mạnh bom đạn ép chúng ta đến bàn đàm phán, hòng buộc ta chấp nhận hòa bình theo sự áp đặt phía Mỹ. Nhưng không, chúng ta đã đối mặt với thách thức để bước vào cuộc chiến đấu...

Những gì đã diễn ra với Hà Nội, Hải Phòng và miền Bắc trong những ngày tháng Chạp lịch sử đó sẽ mãi mãi không quên trong ký ức những người đã vượt qua bom đạn, những người yêu hòa bình, đấu tranh vì công lý, vì sự vẹn toàn của đất nước.



Thiếu nữ làng Ngọc Hà tưới hoa bên xác máy bay B52 - Mỹ bị bắn rơi trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, 12/1972. Ảnh: Văn Bảo.

Hẳn người dân Khâm Thiên, Bạch Mai... sẽ nhớ mãi những đổ nát hoang tàn, hẳn trang sử của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tô đậm những ngày đau thương bị oanh tạc. Rồi khu phố Hai Bà Trưng, Nhà máy Cao su Sao Vàng, sân bay Bạch Mai, và Đông Anh, Yên Viên, Khuyến Lương, Đa Phúc, Dục Nôi, Cổ Loa... những trọng điểm, địa danh thân thương ken dày hố bom. Đã có gần 2.400 người chết, 1.355 người bị thương suốt 12 ngày đêm năm ấy. Người Hà Nội sẽ không quên tiếng ầm ì báo hiệu chết chóc của B52, sẽ không quên tiếng kẻng báo động, sẽ không quên tiếng guốc mộc gõ trên những cầu thang gỗ, tiếng í ới gọi nhau xuống hầm, sẽ không quên những lần sơ tán và ngoái trông từng góc phố, từng mái nhà, vườn hoa, mỗi cửa ô đang dần xa...

Những em bé Hà Nội ngày ấy đã hát vang bài hát "Bé bé bằng bông" như lời tâm sự, như lời hẹn ước: "Mẹ đi sơ tán, bế em đi cùng.../Bao giờ chiến thắng đưa bé về phố đông". Những lớp học vắng lặng và trên bảng đen sáng ngời dòng phấn trắng: "Lớp học thân yêu ơi, chúng em sẽ trở về...". Thế đấy, không chỉ có những người lính chiến đấu bảo vệ thủ đô, mà trong tim mỗi người Hà Nội đều đã giữ trọn lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". Và trong cuộc điện thoại với các sư đoàn chiến đấu bảo vệ Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh rằng: "Cả nước đang hướng về. Toàn thế giới đang hướng về Hà Nội...". Bộ đội tên lửa, bộ đội phòng không không quân, lực lượng tự vệ ở các nhà máy, xí nghiệp, những người ở lại cứu thương, cứu hỏa, cứu người... tất cả đã sát cánh bên nhau, cùng Hà Nội làm nên chiến thắng.

Những bản tình ca vẫn cất lên trên miệng hầm trú ẩn. Những đám cưới vẫn diễn ra giữa hai trận chiến đấu. Tiếng chuông nhà thờ vẫn vang thánh thót đêm Noel... Hà Nội đã rực lửa 12 ngày đêm, kiên cường khuất phục "siêu pháo đài bay" của Mỹ và làm nên một "Điện Biên Phủ trên không", buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, nối lại đàm phán hòa bình. Và người con gái của làng Ngọc Hà đã nở nụ cười bất diệt bên những luống hoa xuân, phía xa kia là xác chiếc "pháo đài bay" nằm bất động dưới đáy hồ Hữu Tiệp.

40 năm đã qua. Những ngôi nhà cao tầng, những bóng cây xanh mát, những dòng người, xe hối hả đã làm nên một diện mạo thủ đô hôm nay. Đã và sẽ có những cuộc hội thảo khoa học-quân sự để nói về những điều làm nên chiến thắng. Đã và sẽ có những câu hỏi về sức mạnh quân sự, sức mạnh ý chí, sức mạnh của trí tuệ Việt Nam. Câu trả lời thật giản dị biết bao: Chúng tôi yêu hòa bình và chúng tôi yêu Tổ quốc!


Nghệ An cuối tuần