Tản mạn… cá, lươn

16/01/2013 19:46

(Baonghean) Qua thông tin báo chí, thấy nói trong 12 món ăn Việt được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á, có món miến lươn Nghệ An, chợt bâng khuâng…

Nói miến lươn Nghệ An trước hết phải nói miến lươn ở Vinh. Có lẽ không ở đâu như ở Vinh có nhiều quán miến lươn, cháo lươn đến như vậy. Người Vinh ăn miến lươn, cháo lươn như người Hà Nội ăn phở. Miến lươn ngon đến tầm quốc tế, nhưng không có người bắt lươn thì… không có miến lươn! Nghĩ thế, tự dưng nhớ nghề bắt cá, bắt lươn ở quê nhà.

Yên Thành quê tôi, ngoài đặc sản gạo dự và nếp rồng, nghe nói từng là gạo tiến vua, Yên Thành còn nổi tiếng nhiều cá, lươn. Có lẽ do nguồn nước, thức ăn dồi dào, cá, lươn Yên Thành to và ngon hơn hẳn nhiều nơi khác. Hồi làm kênh tiêu úng Vách Nam, cách đây khoảng hơn ba chục năm, nước sông Dinh cạn, người ta bắt được những con cá trắm nặng đến nửa tạ, gọi là “cụ cá”, thịt rất ngon, đặc biệt lòng cá thì nhiều người nói là chưa thấy món gì ngon hơn.

Ở Yên Thành có nhiều nhà gia truyền nghề bắt cá và làm dụng cụ bắt cá. Làng tôi có anh Cu Nhường đan trúm và lờ bóng nổi tiếng. Vào dịp chợ phiên, dụng cụ bắt cá: Nơm, đó, lờ, trúm… kín một góc chợ. Lờ và trúm anh Cu Nhường vẫn đắt hàng hơn cả. Cán bộ xã đe: Anh đan lờ, trúm là tiếp tay cho mấy người phá lúa hợp tác đó nha! Anh Cu Nhường cười, cán bộ xã cũng cười. Thời buổi khó khăn, người ta dễ thông cảm cho nhau.

Cũng ở làng tôi có anh Đậu bắt lươn rất tài. Anh bắt lươn mà không cần dụng cụ gì. Đi trên bờ, ngó ngó, nghiêng nghiêng, rồi đột nhiên thấy anh lội xuống ruộng, xách lên con lươn, có khi to bằng ngón chân cái người lớn. Anh Đậu nói, nhìn lươn, biết được con nào đang mang trứng. Anh không bao giờ bắt lươn đang mang trứng. Anh bảo, để cho nó đẻ, còn có để mình bắt, đừng ăn hết lộc trời.

Nghe nói anh Đậu học được nghề bắt lươn từ dân Rú Đất. Rú Đất là làng nhỏ ở xã Long Thành (Yên Thành), quê ngoại tôi. Không ai biết nghề bắt lươn ở đây có từ khi nào nhưng hồi nhỏ tôi đã thấy người Rú Đất đi bắt lươn khắp xứ. Cả làng đi bắt lươn. Họ đi tay không, chỉ mang theo cái bao đựng lươn. Tôi nhớ những ngày đông, cận Tết, bầu trời sũng nước, nhìn từ nhà tôi ra cánh đồng trước mặt, thấy những dáng người trồi sụt trong mưa. Cha tôi nói: Dân Rú Đất đi bắt lươn đó! Lên cấp 3, học ở Vinh, chuyến xe nào vào thành phố tôi cũng thấy vài ba chị nông dân lam lũ với bì lươn bên cạnh. Hỏi thì các chị bảo, đem vào Vinh bán cho các nhà hàng cháo lươn, miến lươn. Xe đến bến, các chị quầy quả xuống xe, xích lô hỏi, các chị lắc đầu. Nhìn các chị xiêu xiêu trên phố, thấy cay cay trong mắt.

Ở quê tôi có nhiều người nổi tiếng sát cá. Ngoài anh Đậu còn có ông Hoạch, ông Sơn, ông Hoàng… mỗi người một tài riêng. Ông Hoạch giỏi soi cá đêm, ông Sơn giỏi bắt cá mùa lũ, còn ông Hoàng thì chuyên nghề đánh cá sông. Có điều lạ là ai cũng rất khoẻ nhưng không ai thọ lâu. Có lẽ nghề bắt lươn, bắt cá, dầm mưa dãi nắng, đi đêm đi hôm nhiều, bệnh nhiễm vào người lúc nào không hay. Và nữa, không thấy ai khá giả.

Một lần về Vinh, ngồi nhậu với thằng bạn học cũ, với món đặc sản lươn om củ chuối. Đang nhậu, chợt thấy một chị xách bì lươn vào bán cho chủ quán. Hỏi quê chị ở đâu? chị bảo ở Yên Thành. Hỏi tiếp: Giờ ở Yên Thành còn nhiều lươn không? Chị bảo: Người khôn, của khó, chồng tui và thằng lớn rảo khắp cả tuần mới được chừng nấy chú! Vào tận đây bán cho được giá. Gần Tết rồi! Nói chưa hết lời, chị quầy quả bước đi. Vẫn cái dáng xiêu xiêu trên phố.

Ngồi nhậu đặc sản với thằng bạn, sao thấy nghèn nghẹn.


Phan Xuân Luật (Đài PT-TH Phú Yên)