Tết hậu phương thương nơi hải đảo

07/02/2013 09:56

- Gặp gỡ các cán bộ, chiến sỹ người Nghệ ở Trường Sa và Nhà Giàn DK1, chúng tôi thấy ở họ ngời lên ở những phẩm chất kiên trung và ý chí quyết tâm cao vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Các anh chia sẻ: Sự quan tâm từ đất liền và từ gia đình chính là điểm tựa để các anh vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió…

(Baonghean) - Gặp gỡ các cán bộ, chiến sỹ người Nghệ ở Trường Sa và Nhà Giàn DK1, chúng tôi thấy ở họ ngời lên ở những phẩm chất kiên trung và ý chí quyết tâm cao vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Các anh chia sẻ: Sự quan tâm từ đất liền và từ gia đình chính là điểm tựa để các anh vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió…

Ngày Thiếu úy Đặng Quang Chiên, quê xã Thái Sơn, huyện Đô Lương nhận lệnh từ Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 đi tăng cường cho Bộ Tư lệnh Hải Quân Vùng 4, trực tiếp đi công tác tại huyện Đảo Trường Sa, thì cũng là lúc cô con gái đầu lòng vừa tròn 4 ngày tuổi... Nhớ vợ, thương con gái bé bỏng, nơi đảo chìm Đá Lớn bốn bề sóng vỗ, mỗi lần xong nhiệm vụ, anh lại lấy điện thoại có chụp ảnh vợ con ra ngắm; mỗi lần gọi điện về lại tự cố dặn lòng đừng ủy mị, để chính bản thân và vợ mình có thêm sức mạnh vượt khó khăn. Mỗi người một tâm trạng, nhưng nói chung đều đau đáu tình cảm nhớ thương như thế… Sau chuyến đi Trường Sa, Nhà Giàn DK1 trở về, chúng tôi đến thăm gia đình các anh ở quê trong dịp Tết Quý Tỵ cận kề.

Ngôi nhà nhỏ của anh Chiên nằm trong khu tập thể Hải đội 137, xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc. Cuối chiều, chị Lê Thị Hảo – vợ anh, làm kế toán một doanh nghiệp tư nhân đi làm cũng đã về. Chồng đi xa, chị Hảo một mình vừa công tác vừa chăm con đầy bộn bề vất vả, bố mẹ chồng già yếu, may có bà ngoại đỡ đần. Khó có thể nói hết những khó khăn mà người vợ trẻ phải một gánh hai vai. Nhưng trò chuyện cùng Hảo mới thấy tình yêu với chồng con đã giúp chị vượt lên tất cả. Tết đã cận kề nhưng Hảo cũng chẳng sắm sửa gì nhiều, bởi doanh nghiệp nghỉ muộn và đến chiều 27, chị đưa cháu về ăn Tết cùng ông bà nội. Ông bà mong cháu, quý dâu; trên nhà cũng lo liệu đủ cho cả nhà vui tết. Chị Hảo cho hay: “Đêm giao thừa cả nhà sẽ gọi điện ra cho anh Chiên; để bố nghe tiếng bi bô của con; cả nhà chúc anh thêm vững vàng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.



Nhớ con, bố mẹ của anh Tân lại lật từng tấm ảnh ra xem.

So với gia đình của anh Chiên, thì “hậu phương” của Đại úy Trần Kim Cương (công tác tại đảo chìm Đá Thị) đỡ vất vả hơn. Vợ anh – chị Nguyễn Thị Hạnh công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Lộc; gia đình anh có 2 cháu còn nhỏ nhưng may là gia đình nội ngoại đều ở gần nên có điều kiện qua lại chăm cháu, giữ cháu. Thương nhớ chồng nơi đảo xa, chị càng tâm niệm vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, dạy bảo các cháu ngoan. Lấy nhau đã 2 mặt con nhưng tối nào cũng nối cầu điện thoại tíu tít như vợ chồng son. Anh Cương vẫn thường động viên vợ rất khéo, nên nỗi buồn cũng sớm nguôi ngoai. Chị Hạnh tâm sự: “Đôi khi nghĩ lại cũng thấy chồng đặt niềm tin mình, mình cũng phải cố gắng nhiều; là vợ của người lính, mình cần phải trở thành “hậu phương vững chắc”, thay chồng báo hiếu với bố mẹ lúc ốm đau để chồng yên tâm làm nhiệm vụ”.

Đến gia đình Thượng úy Hoàng Duy Tân đang công tác tại tàu HQ624 ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, chúng tôi gặp hai cụ thân sinh của anh. “Tân là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em trai; từ nhỏ em nó ham học và có nghị lực” – bố anh, ông Hoàng Duy Tác đã kể về con trai mình với vẻ tự hào. Học xong cấp 3, thi đại học, bố thì muốn con thi vào sư phạm, nhưng Tân quyết chí thi vào trường quân đội vì đó là môi trường tốt để rèn luyện bản thân. Và hơn nữa, nếu đậu sẽ giảm gánh nặng chi phí học hành cho bố mẹ. Năm 2008, Tân ra trường và được phân công về công tác tại Lữ đoàn 171. “4 năm ra trường, chưa có năm nào Tân được về ăn Tết. Nhìn nhà người khác, con cái về đông vui, nghĩ đến Tân, tui lại nhớ lắm. Biết tính mẹ ở nhà hay lo nên cứ thỉnh thoàng vài ngày hoặc tranh thủ lúc có sóng điện thoại, nó lại gọi điện về hỏi thăm sức khỏe rồi động viên bố mẹ” – ông Tác tâm sự. Một năm, được nghỉ khoảng hơn 1 tháng phép, anh Tân liền về ngay với gia đình.

Tự nhủ mình cứng cỏi lên nhưng nhiều khi cũng chẳng thể giấu nỗi buồn tủi; Chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở xã Bồng Khê, huyện Con Cuông - vợ của Trung úy Trần Minh Hồng, đang công tác tại nhà giàn DK1/15 chia sẻ: Nếu nói vợ của người lính thời bình không thiệt thòi là không đúng. Một năm phải xa chồng từ 10-11 tháng trời. tất cả công việc đều đè nặng lên đôi vai của người vợ. Những lúc yếu đuối nhất, chỉ mong có một bờ vai vững chắc để mình dựa dẫm nhưng thật khó khăn. Từ khi lấy nhau, chị đã thay chồng gánh vác chuyện gia đình và hai bên nội ngoại vẹn toàn. Mỗi lần nghỉ phép, anh Hồng về thăm vợ “chưa nóng chỗ” lại phải vào đơn vị đi Nhà Giàn thay cho đồng đội khác vào bờ. 8 năm sau khi được chuyển về Tiểu đoàn DK1, Lữ đoàn 171 là 8 cái Tết anh Hồng vắng nhà. Phút giây giao thừa, chị tự mổ gà, hông xôi, thắp hương cúng tổ tiên. Chị Hoa kể: Mỗi lần được nghỉ phép, anh Hồng luôn dành hết thời gian để được gần vợ, gần con. Trong khoảng 1 tháng về nhà anh chăm con từng li, từng tí. Do cả năm mới gặp lại bố nên con lạ hơi khóc nức nở. Được ở gần con nhưng không được ôm con vào lòng mà hôn hít cho thỏa lòng nhớ thương, khiến anh Hồng trào nước mắt. Mãi đến lúc gần phải đi cháu mới cho bồng.

Trở lại Yên Thành, tôi về với mẹ Hoàng Thị Thìn – mẹ liệt sỹ Trường Sa Cao Đình Lương ở xóm 5, xã Trung Thành. Thế là cũng đã gần 25 năm kể từ ngày anh hy sinh trong trận hải chiến năm 1988 ở đảo Gạc Ma bảo vệ chủ quyền ở Trường Sa; và cùng ngần ấy năm mẹ Hoàng Thị Thìn khóc hết nước mắt, không nguôi nỗi nhớ về đứa con đã ngã xuống vì sự bình yên của biển đảo quê hương. Ngày con trai mẹ hy sinh còn trẻ lắm, mới tròn 20 tuổi. Mẹ Thìn nay đã 86 tuổi, nói: “Con mẹ hy sinh vì đất nước, mẹ rất đỗi tự hào...”. Mẹ bảo: Ngày xưa còn đói ăn đói mặc, chứ bây giờ không có gì phải lo. Mẹ được các anh, chị, các cháu và Nhà nước chăm sóc chu đáo lắm. Mỗi lần dịp lễ tết, ốm đau đều có các cơ quan, chính quyền đoàn thể đến chăm lo... Chào mẹ ra về trong nắng chiều cuối năm, lại thấy mẹ đưa chiếc áo trắng hải quân của con trai ôm vào lòng ra như thể lần tìm hơi ấm.

Huyện đảo Trường Sa, Nhà Giàn DK1 nói riêng và biển đảo Việt Nam đã và đang có những đổi thay kỳ diệu. Chúng tôi biết, chính máu, mồ hôi, tuổi thanh xuân của những người lính đã và đang góp phần quan trọng làm nên những đổi thay đó và cũng như giữ sự bình cho biển đảo Tổ quốc hôm nay. Và để có biển đảo tươi xanh, thanh bình mùa xuân ở biển đảo còn có công lao rất lớn của những người mẹ, người vợ ở hậu phương; Tổ quốc luôn nâng niu, trân trọng những công lao đó.


Thành Chung - Phạm Bằng