Cuối năm về đất lúa
Một ngày cuối năm, Chi hội Văn nghệ Sông Dinh được UBND huyện Yên Thành mời đi thực tế để nắm bắt tình hình sản xuất của huyện. Đây là hoạt động thường niên của huyện đối với Chi hội Văn nghệ. Cũng là cái nhiệt tình thường lệ, các hội viên, đặc biệt là những hội viên cao tuổi, như: Ngô Đức Tiến, Phan Bá Hàm, Phan Văn Từ, Phan Thế Phiệt… có mặt tại trụ sở UBND huyện từ rất sớm.
(Baonghean) Một ngày cuối năm, Chi hội Văn nghệ Sông Dinh được UBND huyện Yên Thành mời đi thực tế để nắm bắt tình hình sản xuất của huyện. Đây là hoạt động thường niên của huyện đối với Chi hội Văn nghệ. Cũng là cái nhiệt tình thường lệ, các hội viên, đặc biệt là những hội viên cao tuổi, như: Ngô Đức Tiến, Phan Bá Hàm, Phan Văn Từ, Phan Thế Phiệt… có mặt tại trụ sở UBND huyện từ rất sớm.
Do vậy, trong chuyến đi thực tế này, các hội viên của chi hội sẽ được tận mắt xem những mô hình trồng nấm tiêu biểu nhất trên địa bàn huyện.
Nghe vậy, ai cũng phấn khởi, hào hứng, bởi lâu nay mọi người đều được đọc, được nghe báo chí nói nhiều về nghề trồng nấm ở Yên Thành, nhưng chưa được “mục sở thị” nghề trồng nấm. Vượt qua sông Đào, ngược lên vùng đồi của xã Nam Thành là mô hình trồng nấm của anh Nguyễn Thọ Hạnh. Anh Hạnh hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã.
Dẫn đoàn vào khu vực nhà lợp mái cọ, nơi đang treo trên 1 vạn bịch nấm sò, anh Hạnh lần lượt giới thiệu các công đoạn làm nấm. Nguyên liệu thì có rơm càng tốt, nếu không thì sử dụng mùn cưa của gỗ cao su… Nhưng khâu đầu tiên là phải cho vào lò xử lý thanh trùng, sau đó trộn với một số nguyên liệu khác để đóng bịch, cấy giống. Bịch được treo trong nhà đảm bảo mưa không bị dột nước, nền nhà luôn phải sạch và xử lý bằng cách rắc vôi bột để khử trùng. Sau khi treo bịch lên thì hàng ngày phải phun nước bằng sương mù (sử dụng bình phun thuốc trừ sâu). Sau thời gian khoảng 2 tháng là nấm bắt đầu mọc và cho thu hái. Với băn khoăn trồng nấm phải phun thuốc kích thích thì nấm mới phát triển nhanh? Anh Hạnh giải thích rằng, nước phun hàng ngày là sử dụng nguồn nước phải sạch (nước giếng đào), ngoài ra không được sử dụng hóa chất gì. Nếu không thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật thì nấm hỏng hết.
Chi hội Văn nghệ Sông Dinh tham quan cơ sở trồng nấm của anh Lê Văn Sơn, xã Lý Thành.
Năm ngoái, khi mới học xong lớp tập huấn nghề trồng nấm do huyện phối hợp với Công ty Nấm Bắc Giang, anh được xã tạo điều kiện cho mượn khu vực trường tiểu học cũ để làm nghề. Những mẻ nấm đầu tiên do chưa quen và không thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, nên hư hỏng liên tục “thất bại là mẹ thành công”, đến nay cơ sở nấm của anh có thể nói là hiệu quả nhất huyện Yên Thành.
Ông Phan Thế Trung – Chủ tịch UBND xã Nam Thành, nghe tin đoàn đến tham quan cũng hồ hởi đến tiếp chuyện và cho biết: Năm nay xã xây dựng được thêm 4 mô hình trồng nấm có quy mô khá lớn, nâng tổng số hộ và nhóm hộ trồng nấm của xã lên trên 10 mô hình, giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động, có thu nhập ổn định. Trong năm địa phương cũng thực hiện xong chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn. Sau khi chuyển đổi ruộng đất xong, đã có nhiều gia đình đăng ký xây dựng gia trại chăn nuôi, trong đó có những hộ đầu tư 500 – 700 triệu đồng để xây dựng gia trại chăn nuôi vịt, cá.
Tại xã Lý Thành, đoàn cũng được tham quan mô hình trồng nấm mới của anh Lê Văn Sơn ở xóm 10. Ngay bãi đất rộng trước nhà, có tới trên 10 người nam, nữ ngồi xung quanh đống nguyên liệu, đóng bịch trồng nấm. Tại lò xử lý thanh trùng, có 2 lao động là nam thanh niên đang lấy từ lò ra từng bịch trồng nấm nóng hổi, vận chuyển đến nơi cấy giống. Bà Lê Thị Minh nói rằng, được anh Sơn nhận làm nấm với mức tiền công 100 nghìn đồng/ngày là ổn lắm rồi. Công việc hàng ngày ở đây không nặng nhọc, rất phù hợp với lao động nữ, vả lại ông chủ rất quan tâm và cho nấm về làm thức ăn hàng ngày, nên ai cũng thoải mái, làm tích cực.
Chỉ vào mấy bịch chi chít nấm trắng muốt, anh Sơn tự tin cho biết: Nấm sò có màu trắng như thế này là tốt. Vùng đất này trước đây là khu vực nhà trường cấp 2 cũ, lâu nay xã bỏ hoang, cây cối mục um tùm, hàng ngày không ai dám bước chân vào. Cách đây 3 tháng, tôi xin xã mượn khu vực này để làm mô hình nấm rơm, được xã đồng ý ngay.
Trại nấm mới có sản phẩm cách đây 1 tuần, 600 bịch (hiện đang đóng 2 tấn nguyên liệu), ngày nào cũng hái 2 – 3 yến nấm, hái đến đâu bán hết đến đó. Dân trong vùng có đám cưới, đám giỗ… cũng đặt hàng, nếu không nhập cho huyện. Hiện nay nhiều khách hàng ở TP. Vinh gọi điện đặt hàng nhưng không có bán.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng cho biết thêm: Nhờ được triển khai thực hiện Đề án 1959 về đào tạo nghề cho nông dân, Yên Thành đã thành công trong nghề trồng nấm và nhân ra diện rộng trong toàn huyện. Để đáp ứng nhu cầu giống nấm cho địa phương, huyện đã xây dựng trại giống nấm tại thị trấn. Đến nay toàn huyện đã có 14 xã trồng nấm, với 5 loại nấm: sò, mỡ, mộc nhĩ, linh chi… Năm 2012, toàn huyện sản xuất được 350 tấn nấm các loại, trong đó khoảng 2/3 là ký kết tiêu thụ tại các công ty chế biến thức ăn ngoài tỉnh. Điều quan trọng nhất là đã chuyển giao được nghề mới cho người nông dân, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Mục tiêu của huyện là phát triển nghề này ra tất cả các xã, với mục đích hàng năm tạo ra khối lượng sản phẩm nấm lớn, cung cấp cho thị trường. Nét khởi sắc nữa trong năm của Yên Thành là chỉ đạo các địa phương xây dựng nông thôn mới, trong đó đi đầu là chuyển đổi ruộng đất được 16 xã. Sau khi chuyển đổi xong, quân bình mỗi hộ còn 1,5 thửa.
Trong năm huyện cũng tích cực phối hợp với Nhật Bản đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm may công nghiệp tại thị trấn, kế hoạch là hoàn thành trong năm 2013. Giai đoạn 1, công ty này tuyển 1.000 lao động có tay nghề. Giai đoạn 2 sẽ là sản xuất máy tính, hàng công nghệ cao.
Xuân Hoàng