Diện kiến tranh thêu cổ

28/01/2013 11:22

Những  bức tranh thêu cổ những tưởng đã biến mất bởi thời gian và khí hậu khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Thế nhưng ở Bảo tàng Nghệ An thật may mắn vẫn còn giữ lại được hàng chục bức tranh nghệ thuật thêu cổ quý giá. Và nếu biết, hiện trên lãnh thổ Việt Nam những bức tranh như vậy chỉ còn rất ít mới thấy được “kho báu” trên giá trị biết chừng nào...

(Baonghean) Những bức tranh thêu cổ những tưởng đã biến mất bởi thời gian và khí hậu khắc nghiệt của vùng nhiệt đới. Thế nhưng ở Bảo tàng Nghệ An thật may mắn vẫn còn giữ lại được hàng chục bức tranh nghệ thuật thêu cổ quý giá. Và nếu biết, hiện trên lãnh thổ Việt Nam những bức tranh như vậy chỉ còn rất ít mới thấy được “kho báu” trên giá trị biết chừng nào...

Lần đầu tiên tôi được nghe về những bức tranh ấy cách đây gần 5 năm. Trong một dịp tình cờ, bác Trương Đắc Thành – nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An, có nhắc đến một bộ sưu tập thêu rất đặc biệt mà Bảo tàng Nghệ An đã sưu tầm được. Lúc đó dù có năn nỉ rất nhiều lần, nhưng vì lý do “bảo mật” chúng tôi không có cơ hội chiêm ngưỡng. Mặc dù vậy, sự “ám ảnh” với lời giới thiệu về bộ sưu tập “có một không hai ấy” cứ đeo đuổi tôi trong nhiều năm liền. Để hôm nay, được tận mắt nhìn thấy mới hiểu, sự cẩn trọng, “bảo mật” bộ sưu tập tranh thêu ấy thực là cần thiết.



Cán bộ bảo tàng thẩm định, kiểm kê các tác phẩm thêu.

Được sự đồng ý của anh Nguyễn Đức Kiếm – Phó Giám đốc Bảo tàng, tôi theo chân chị Nguyễn Thị Mai lên phòng Nghiên cứu, kiểm kê, nơi bảo quản và lưu giữ những tác phẩm độc đáo ấy. Chị Mai nhẹ nhàng mở cánh tủ nhôm ra và từ từ nâng bức tranh lên giống như đang nâng niu một báu vật. Bên một tác phẩm nghệ thuật quý giá, nhìn vào đó, tôi như cảm nhận được màu thời gian, cảm nhận được sự tinh tế, tỉ mỉ của người nghệ nhân xưa trước đứa con tinh thần của mình; có thể mường tượng về người chơi tranh, thưởng tranh và xem đó là một thú chơi để thể hiện đẳng cấp của mình...

Trên bức tranh, những dòng chữ Hán được thêu nằm ở phía trên hoặc hai bên bức tranh, ghi ngày tháng, lời đề tặng chủ nhân và những lời chúc mừng. Đa số các bức tranh hiện đang lưu giữ đều được thêu vào khoảng những năm cuối thể kỉ XIX đầu thế kỷ XX. Một số bức có ghi thời điểm hoàn thành xong bức tranh hoặc thời gian mang tặng như “Bảo Đại cửu niên đông” (Bảo Đại mùa Đông năm 1935) hoặc là “Long Phi Giáp Thân Mạnh Xuân (Bảo Đại mùa Xuân năm 1944), Bảo Đại Mậu Dần hạ (Bảo Đại mùa hè năm 1938)… Mỗi bức tranh có các nội dung khác nhau, nhưng thường trong các bức tranh vừa có hình ảnh của con vật, vừa có hình ảnh của cây cỏ, ví như tranh có chủ đề “Tùng, hạc, liên, điệp”, “Công, trúc, cúc, điệp” “Tùng, đại bàng”, “Chim công – Mẫu đơn”. Ngoài ra, tùy theo từng ý nghĩa riêng của những dịp đặc biệt thì mỗi bức tranh lại có minh họa khác nhau, tranh để mừng thọ thì thường có chữ Phúc – Lộc – Thọ, tranh tặng gia chủ nhân dịp năm mới thì lại có chủ đề về Phú Quý Trường Xuân… Đây đều là những hình ảnh quen thuộc trong dân gian tượng trưng cho phú quý, sang trọng, mạnh mẽ, tinh khiết như: Chim hạc tượng trưng cho sự trường thọ, chim công tượng trưng cho sự bình an thịnh vượng; mẫu đơn phối hợp với cá lội là biểu tượng “Phú quý dư dật” là lời chúc nguyện tốt đẹp vào ngày đầu năm; tùng, trúc, mai tượng trưng đức tính nhẫn nại của người quân tử, hoa sen hướng đến sự thanh cao, trong sáng, thuần khiết…



Bức tranh với chủ đề Phú – Quý – Trường – Xuân là bức tranh lớn nhất với chiều dài 190 cm, chiều rộng 100 cm. Bức tranh có hai lớp trên nền lụa quý màu đỏ, mặt dưới là vải thô trắng, viền xung quanh là gấm hoa màu vàng, mặt tranh thêu hình ông thọ, bên phải là một cô gái trẻ đẹp có màu tóc đen nhánh. Đứng bên trái là một cậu bé đang nâng cành hoa tặng ông thọ… Chỉ cho tôi cẩn thận từng đường kim mũi chỉ thêu trên bức tranh, có những nơi như búi tóc của cô gái, đường thêu dày lên, đen nhánh như một búi tóc thực sự. Chị Mai nói: Bức tranh được xác định có niên đại từ đầu thế kỷ XX, hơn một trăm năm rồi nhưng màu sắc của các đường chỉ vẫn còn rất tự nhiên, không phai màu. Kỹ thuật thêu cũng hết sức tinh xảo với các kiểu thêu như thêu nối đầu, thêu chăng chặn, thêu lướt vặn, thêu bó bạt… uyển chuyển tinh tế.



Một bức tranh khác có chủ đề về Trúc – điểu, liên – điệp lại được thêu trên nền vải lụa màu hồng. Mặt tranh thêu một khóm trúc và hai con cò, trên cành trúc thêu hai con chim sẻ, một cành cúc nhiều bông hoa và hai con bướm đang bay vờn. Tranh thêu bằng chỉ nhiều màu và đa phần đều là màu nhuộm tự nhiên lấy từ củ nâu, củ nghệ, lá móng, hoa hòe, lá chàm, vỏ sò… với năm màu chỉ cơ bản vàng, đỏ, tím, xanh, lục… Chị Mai cũng cho biết: Chính yếu tố tự nhiên này mới làm nên độc đáo của tranh thêu cổ, bởi chỉ thường rất bền màu. Các bức tranh đều được thêu thủ công nên mỗi bức mang một sắc thái, tâm hồn riêng, không lẫn vào đâu được.

Dò hỏi những người am hiểu nhất ở Hợp tác xã thêu Thống Nhất (TP. Vinh) họ cũng không biết chính xác những tác phẩm trên được thêu ở Nghệ An, Hà Tây, Huế, hay nơi nào nữa. Những người làm lâu năm nhất ở Bảo tàng cũng chỉ biết: Đây là những bức tranh được lấy từ các nhà địa chủ, quan lại của Nghệ An từ thời cải cách ruộng đất, một số bức còn ghi rõ nguồn gốc ở nhà địa chủ Lang Vi Nang (thuộc HTX Đôn Phục, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông), hay hiệu Hưng Văn, tỉnh Nghệ An. Do tính chất “độc nhất” của sản phẩm thêu tay thủ công, nên có thể xem mỗi bức tranh ở đây là một bức họa nghệ thuật đặc biệt.

Năm 2006, Tiến sỹ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Tiến sỹ Nguyễn Đình Chiến, thành viên Hội đồng Khoa học Trung ương đã về Bảo tàng Nghệ An thẩm định những bức tranh trên và cho rằng đây là những tác phẩm hết sức quý giá, giá trị của nó nếu đem ra thị trường có thể lên đến mười con số. Anh em trong bảo tàng cũng kể vui rằng: Ngày ấy Tiến sỹ Phạm Quốc Quân rất mong muốn được có những tác phẩm này để trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, nhưng sau đấy ông thành thật: Thứ quý giá này, các bạn Nghệ An sưu tầm được thì phải ở lại Nghệ An. Hiện ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng sưu tầm được gần 100 bức tranh thêu nghệ thuật cổ được thêu trong những năm đầu tiên của thế kỷ XX. Năm 2009, lần đầu tiên bảo tàng trưng bày các triển lãm trên và đã nhận được sự quan tâm của đông đảo người xem cũng như của các nghệ nhân và các nhà nghiên cứu nghệ thuật.

Không chỉ có những bức tranh thêu khổ lớn, hiện tại Bảo tàng Nghệ An còn lưu giữ nhiều tác phẩm thêu thủ công khác trên vỏ gối, mũ, áo, khăn trải bàn, các bức phù điêu, bức gốm... Để lưu giữ và bảo quản những tác phẩm giá trị này, suốt hơn 50 năm qua các thế hệ cán bộ, công nhân viên Bảo tàng Nghệ An đã ra sức sưu tập, lưu giữ. Cùng với đó, nhiều buổi thẩm định cũng đã được tổ chức nhằm đưa các tác phẩm tranh thêu nghệ thuật về đúng giá trị đích thực của nó. Chăm chút là thế, nhưng hiện nay những người âm thầm làm công tác gìn giữ đó vẫn còn nhiều băn khoăn khi mà công sức, tấm lòng của con người dường như không thắng nổi sự khắc nghiệt của thời tiết và thời gian. Nhiều tác phẩm sau hơn một thế kỷ tồn tại đã bắt đầu rách và mục nát. Bản thân chị Mai cùng các chị em ở phòng Nghiên cứu kiểm kê bảo quản trước thực trạng đó, dù rất cố gắng nhưng cũng chỉ bảo vệ được phần ngoài. Cái sâu xa hơn, cần hơn là các điều kiện về phương tiện, thiết bị bảo quản; nhưng những thứ đó là vượt quá khả năng của họ.


Mỹ Hà