Ngân hàng khan hiếm tiền lẻ, “chợ đen” hét giá cao
Đã thành thông lệ, mỗi dịp tết đến người dân lại có nhu cầu đổi tiền lẻ để đi lễ chùa và lì xì. Năm nay ngân hàng nhà nước có thông báo ngừng xuất tiền mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng. Thế nên nếu ai có nhu cầu đổi tiền lẻ phải tìm đến thị trường “chợ đen” dù phải chịu giá 10 ăn 2 hoặc 2,5 (đổi 100 ngàn mất 20 đến 25 ngàn) thậm chí ăn 3 (đổi 100 ngàn mất 30 ngàn) với loại tiền mệnh giá 500 đồng hoặc 200 đồng còn nguyên seri.
(Baonghean.vn) - Đã thành thông lệ, mỗi dịp tết đến người dân lại có nhu cầu đổi tiền lẻ để đi lễ chùa và lì xì. Năm nay ngân hàng nhà nước có thông báo ngừng xuất tiền mệnh giá nhỏ dưới 5.000 đồng. Thế nên nếu ai có nhu cầu đổi tiền lẻ phải tìm đến thị trường “chợ đen” dù phải chịu giá 10 ăn 2 hoặc 2,5 (đổi 100 ngàn mất 20 đến 25 ngàn) thậm chí ăn 3 (đổi 100 ngàn mất 30 ngàn) với loại tiền mệnh giá 500 đồng hoặc 200 đồng còn nguyên seri.
Phong phú dịch vụ đổi tiền lẻ
Vào chợ Vinh muốn đổi tiền đi lễ đầu năm đến ngay các quầy hàng mã, ở đây có tất cả các mệnh giá dưới 20.000 đồng mà ngân hàng hầu như không có. Tôi hỏi bà Tâm, một người có thâm niên trong nghề buôn hàng mã tại chợ Vinh, cho hay: “Tiền lẻ đi chùa đầu năm còn nguyên seri giờ cực hiếm, o phải trữ từ năm ngoái để chờ dịp tết đấy. Tất nhiên mình phải có người quen ở ngân hàng chứ, mình mất cho họ 10 mình ăn 15, 20 thôi. Cháu muốn lấy cọc nào 2.000 hay 1.000? ”. Khi tôi ngỏ ý muốn đổi tiền 500 đồng bà Tâm liền nói nhỏ: “Nói thật với cháu tiền 500 này cả chợ không ai có, chỉ mỗi mình o có vài triệu trữ từ tháng mấy năm nay. Muốn đổi mấy o lấy hữu nghị cho, 3 thôi (đổi 100 ngàn mất 30 ngàn)? ”
Tại đền Cờn, các mẹt hàng đổi tiền lẻ đã được bày nơi cửa Đền, các bà các chị đon đả mời chào. Nhiều nhất vẫn là tiền 2.000 và 1.000 được bày thành từng sêri, mỗi sê ri là 200 ngàn đồng. Khi hỏi có tiền 500 đổi không các chị đều cho biết đã hết mệnh giá này. Nếu chịu đổi tiền đã dùng “nhưng còn rất mới” thì vẫn phải chịu tỷ lệ cao từ 20-25%. Với mệnh giá 1000 đồng hay 2000 đồng phải mất phí 20%. Chị Lài, một chị “buôn tiền lẻ” lâu năm, cho biết: “Nhu cầu đổi tiền lẻ năm nay không nhiều như năm ngoái nhưng lại khan hàng dưới 5 (dưới 5 ngàn) nên tiền có giá càng thấp càng ăn cao”. Chị cho biết năm ngoái mỗi “ngày mồng” chị đổi được khoảng chục triệu với tất cả các mệnh giá từ 10.000 đồng trở xuống.
Chị Lài đưa xấp tiền 500 đồng hiếm hoi được “nhặt” từ năm ngoái
Có nhu cầu muốn đổi tiền lẻ để lì xì nhân dịp năm mới tôi hỏi người quen là nhân viên ngân hàng Bảo Việt, chị Nguyễn Thanh Trà cho hay: “Năm nay ngân hàng khan hiếm tiền lẻ còn nguyên seri lắm chị ạ. Mỗi nhân viên ngân hàng bọn em chỉ được 10 tờ 20.000 thôi chị ạ, khách quen muốn đổi phải dặn cách đây một tháng”. Cũng như ngân hàng Bảo Việt, ngân hàng Eximbank cũng khan tiền 20.000 và tiền 10.000, đặc biệt tiền lẻ dưới 5.000 thì không hề có tiền mới để đổi cho những khách hàng có nhu cầu đi lễ chùa đầu năm. Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp, nhân viên ngân hàng Eximbank, cho hay: “Năm nay ở cửa hàng em có nhu cầu đổi tiền lẻ rất lớn, đa số họ là những khách vip của ngân hàng nên khi họ muốn đổi mà mình không có, cũng rất ngại, nên bọn em thường phải nhờ chi nhánh Hà Tĩnh đổi cho”
Chi phí đổi tiền mới tại các trang mạng năm nay không tăng so với năm ngoái. Ở trên các website như 5giay.com hay Enbac.com, quabieusep.vn khách muốn đổi bao nhiêu cũng có, kể cả tiền cotton mệnh giá 10.000 đồng vốn đã không còn lưu thông nhiều, mức phí vẫn dao động chủ yếu từ 10-15%, không khác năm ngoái. Với những tờ mệnh giá càng nhỏ thì mức phí càng lớn. Ví dụ tiền 200 đồng, đổi trên 2 triệu đồng, phí đổi lên đến 55% trên tổng số tiền đổi, trong khi tờ 100.000 đồng, sẽ mất phí chỉ khoảng 4%. Đồng 2 đô la Mỹ được rao bán khoảng 50.000 đồng/tờ, chỉ có một số ít tờ mang tính sưu tập có giá từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tờ.
Đến ngân hàng thì khó đổi tiền lẻ hoặc chỉ đổi được rất ít trong khi ngoài chợ đen các loại tiền mệnh giá nhỏ vẫn đầy rẫy trong túi các tay buôn đã khiến nhiều người dân bức xúc. Chị Nguyễn Thu Trang ở Quang Trung đang ngã giá tiền lẻ tại quầy bà Tâm chợ Vinh, cho hay: “Ngân hàng kêu là không hề có tiền dưới 20.000 thế mà chợ vẫn nhiều, muốn đổi mấy cũng có, các bác ngân hàng có bán tiền ra ngoài không nhỉ?”
Đưa vấn đề này phỏng vấn lãnh đạo ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, được biết: Ngân hàng có đủ tất cả loại tiền lẻ mệnh giá nhỏ để phục vụ nhu cầu khách hàng có nhu cầu muốn đổi tiền lẻ dịp cuối năm. Tuy nhiên các loại tiền mệnh giá nhỏ và tiền mới nhằm phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân không phải là trách nhiệm của ngân hàng.
Việc in tiền lẻ sẽ gây lãng phí
Không thể phủ nhận việc dùng tiền lẻ để lễ chùa, lì xì là tập tục truyền thống lâu năm của người Việt, tuy nhiên tập tục đó đang bị biến tướng dưới nhiều hình thức. Có nhiều người đầu năm lên chùa thay vì công đức để xây dựng, ủng hộ thì lại rải tiền khắp nơi. Họ nhét tiền qua khe cửa tại các cổng chùa, hồ nước trong chùa, chân tay tượng phật, gốc cây... trông rất phản cảm.
Tiền lẻ còn được dùng vào nhiều hình thức như rải tiền để hóa giải phong long trong ngày cưới, nếu 2 đám cưới gặp nhau, nếu xe cô dâu đi qua các ngã ba, ngã tư. Bất cứ nhà nào có cháu nhỏ nhân lễ đầy tháng hoặc đưa con từ bệnh viện về nhà đi qua các ngã tư thì những xấp tiền lẻ cũng được rải. Không thể quản lý hết những thói quen và phong tục lâu đời của nhân dân, nhưng việc in tiền lẻ để phục vụ cho nhu cầu tâm linh sẽ là cơ hội để một bộ phận tư thương trục lợi từ dịch vụ đổi tiền trong dịp đầu năm mới.
Thử tính một bài toán, nếu nhân dịp năm mới một nhà đổi 200 ngàn tiền 2.000 đồng hoặc 1.000 đồng để đi lễ chùa mất 40.000 đồng thì toàn thành phố Vinh với hơn 300 ngàn người sẽ tiêu tốn hơn 120.000.000 đồng, một số tiền không hề nhỏ. Vì thế, việc NHNN quyết định không in tiền lẻ trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ cũng được nhiều người ủng hộ. Theo các chuyên gia kinh tế, việc sử dụng tiền có mệnh giá thấp dưới 2000 đồng hiện nay chủ yếu được dùng vào lễ chùa mà ít khi đưa vào lưu thông, thanh toán.
Bài, ảnh: Thanh Nga