Máy vặt quả vải

06/02/2013 18:08

(Baonghean) - Trao đổi về những bí quyết mang đến thành công của công trình sáng tạo máy vặt quả vải (đạt giải Tư giải KHCN Nghệ An năm 2012), anh Nguyễn Huy Đức- đồng tác giả (cùng nhóm sáng chế đề tài- Nhà máy dứa - Công ty CP Thực phẩm Nghệ An), cho hay: Năm 2011, vải quả trong nước bội thu, Trong khi đó, nhu cầu từ nước ngoài về các sản phẩm nước vải cô đặc rất lớn. Từ đó lãnh đạo Công ty đã quyết định đầu tư thêm thiết bị để triển khai dây chuyền sản xuất vải. Tuy nhiên sau khi đã lựa chọn được các thiết bị như máy bóc tách vỏ quả vải, phễu chia liệu hay phễu rung…thì vẫn phải tập trung phần lớn nhân công để vặt quả vải ra khỏi chùm bằng tay. Một yêu cầu đặt ra là phải làm thế nào để công đoạn vặt thủ công quả vải khỏi chùm được thay thế bằng máy, mà vẫn đảm bảo công suất dây chuyền cũng như giảm số lượng nhân công đến mức tối đa.

Sau một thời gian nghiên cứu, cùng với trải nghiệm trong quá trình gắn bó với hoạt động sản xuất, công trình chế tạo máy vặt quả vải với công suất dự tính ban đầu là 3 tấn/giờ ra đời và được đưa vào ứng dụng tại Nhà máy dứa Quỳnh Châu - Quỳnh Lưu. Việc chế tạo máy vặt quả vải đã được gia công, lắp ráp ngay tại xưởng, đưa vào ứng dụng đảm bảo cho dây chuyền sản xuất ổn định với công suất lên đến trên 5 tấn/h, vượt 2 tấn/h so với trước.



Máy vặt quả vải được đưa vào ứng dụng tại Nhà máy dứa - Công ty CPTP Nghệ An.

Bên cạnh thành công từ công trình chế tạo máy cắt quả và cải tiến máy tách dịch chanh leo, thì công trình máy vặt quả vải cũng là một một sự nỗ lực, tâm huyết và trăn trở của nhóm tác giả Hồ Minh Tuấn, Lê Doãn Lệ, Nguyễn Huy Đức. Theo nhận định của lãnh đạo Công ty CPTP Nghệ An thì máy vặt quả vải là một sáng chế hoàn toàn mới, từ ý tưởng đến bản thiết kế gia công hoàn toàn đều do đội ngũ kỹ thuật của công ty sáng tạo nên. Máy có cấu tạo, nguyên lý hoạt động khá đơn giản, vận hành dễ, đảm bảo về độ an toàn cho công nhân làm việc nên công ty áp dụng ngay vào sản xuất và mang lại hiệu quả khá cao.

Anh Nguyễn Huy Đức - cán bộ kỹ thuật nhà máy và cũng là đồng nhóm sáng chế phân tích: So với việc vặt quả vải thủ công thì để đảm bảo công suất hoạt động 3000kg/giờ thì dây chuyền cần tới 75 nhân công. Trong đó, chi phí cho 1 công nhân lao động thời vụ/8h sản xuất là 70 ngàn đồng/giờ. Như vậy, để đạt công suất 3000kg/giờ thì tổng chi phí nhân công cho việc vặt vải là trên 650 đồng/giờ. Trong khi đó, nếu dùng máy, dây chuyền cần 4 người đứng máy và 4 người hỗ trợ, công suất động cơ của máy là 2.2kw; chi phí nhân công là 70 ngàn đồng/giờ, chi phí tiêu hao điện năng (1700đ/kwh) tương đương 3.700 đồng/giờ. Rõ ràng, việc sản xuất thủ công và máy tạo được số tiền làm lợi trên 580 ngàn đồng/giờ. Dựa theo số liệu từ Ban thống kê phân xưởng sản xuất và kết quả tổng hợp của phòng kế toán, năm 2011 vừa qua, thời gian làm lợi khi đưa vào sử dụng thiết bị máy vặt quả vải để phục vụ sản lên đến trên 700 triệu đồng/năm.

Đáng nói hơn, công trình sáng chế máy vặt quả vải không chỉ mang ý nghĩa thay thế sức lao động thủ công bằng máy móc, mà còn thúc đẩy chủ trương áp dụng các sáng kiến nâng cao năng suất trong sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty. Bên cạnh đó, việc sử dụng máy để thay cho hàng chục công nhân đã giải quyết được vấn đề sản xuất lộn xộn, vấn đề môi trường. Đồng thời làm hoàn thiện một dây chuyền sản xuất vải khép kín, là mô hình mà nhiều doanh nghiệp cần tham khảo.


Lương Mai