Mỗi hiện vật là một câu chuyện sống động
(Baonghean) - Những ngày này, Bảo tàng Quân khu 4 luôn tấp nập những đoàn khách tham quan. Bận rộn, nhưng Đại tá Nguyễn Công Thành - Giám đốc Bảo tàng cũng đã dành thời gian để trò chuyện với Báo Nghệ An.
Đại tá Nguyễn Công Thành
- Thưa Đại tá Nguyễn Công Thành, vào dịp 22/12 hàng năm, Bảo tàng Quân khu 4 đều rất đông khách đến tham quan và hình ảnh xúc động thường gặp là không ít người bước ra cổng rồi mà vẫn lặng lẽ khóc! Điều gì đã tạo nên “sức hút” bền bỉ ấy của Bảo tàng?
- Ngoài dịp 22/12 thì còn nhiều dịp trong năm Bảo tàng Quân khu 4 được đón nhiều đoàn khách đến từ nhiều địa phương trong Quân khu, đặc biệt là các đoàn cựu chiến binh, học sinh, sinh viên... của tỉnh Nghệ An. Năm nay, lượng khách tăng đột biến, có ngày lên tới hơn 10 đoàn, chúng tôi phải phục vụ cả ngoài giờ. Tôi nghĩ, ấy cũng là lẽ thường, thể hiện tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với Bộ đội Cụ Hồ. Ngày 22/12 cũng là dịp để mỗi người chiêm nghiệm, nhớ lại thời kỳ những người lính đã làm nên chiến công cho quê hương, đất nước có độc lập, tự do. Đặc biệt trên mảnh đất được mệnh danh là “tuyến lửa” thời chiến tranh, là hình ảnh thu nhỏ của cả nước, Quân khu 4 đã làm tròn nhiệm vụ của cả hậu phương và tiền tuyến qua 2 cuộc kháng chiến, thì sự hy sinh của nhân dân, của các lực lượng tham gia bảo vệ nơi này là vô cùng to lớn. Cuộc chiến khốc liệt bao nhiêu thì sau cuộc chiến lại có những câu chuyện cảm động, đầy nhân văn bấy nhiêu. Có thể nói, dư âm của cuộc kháng chiến cứu nước vang vọng rất lâu dài, và mảnh đất này còn tiềm ẩn nhiều câu chuyện đáng được quan tâm mà Bảo tàng Quân khu 4 đã nói lên được những điều cơ bản nhất.
- Anh có thể nói rõ hơn về hệ thống tư liệu, hiện vật quý báu Bảo tàng đang có?
Hiện Bảo tàng có hơn 18.000 hiện vật và tư liệu, trong đó có hơn 2.000 di vật của liệt sỹ được trưng bày. Những hiện vật ấy đã nói lên được sự hy sinh to lớn của quân và dân khu 4 trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước. Mỗi hiện vật là một câu chuyện lịch sử sống động. Có thể gặp ở đây khẩu súng Bazoka gắn với câu chuyện về sự hy sinh của Kỹ sư Lê Đình Dụ trong thời kỳ chống Pháp, khi Nghệ An mở rất nhiều công binh xưởng sản xuất vũ khí cho chiến trường. Là câu chuyện về hàng rào kháng chiến của nhân dân Cự Nẫm (Quảng Bình); về chiến dịch thồ hàng lên Điện Biên Phủ qua những chiếc xe thồ, những đôi dép cao su, chiếc đèn chai. Là những hình dung về chiến dịch Thượng Lào với những trái mìn tự tạo… Đặc biệt, hệ thống hiện vật thời chống Mỹ vô cùng phong phú và có những hiện vật là “độc nhất vô nhị” như mảnh đạn 406 ly là mảnh đạn lớn nhất được bắn từ tàu hải quân lớn nhất của Mỹ vào Vĩnh Linh. Ở đây có thể thấy từ cái cột, cái kèo nhà cũng góp phần làm nên chiến thắng. Rồi những chiếc đèn của các cô gái ở Ngã Ba Đồng Lộc, hiện vật của trận “Bạch Đằng Giang” trên sông Ba Lòng, chiếc nỏ giết địch của bà con A Lưới, Thừa Thiên, khẩu pháo 37mm và câu chuyện về Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Viết Xuân... Và rất nhiều những kỷ vật về tình cảm, sự sẻ chia gắn bó, tinh thần quốc tế cao cả với nhân dân, cách mạng Lào. Có mảnh thân cây được tìm thấy trong rừng Lào được khắc lên dòng chữ “Trọn nghĩa vẹn tình” trước khi người lính tình nguyện Việt Nam tựa vào đó hy sinh. Có khẩu súng colt của Anh hùng Lê Thiệu Huy, người đã lấy thân mình che đạn cho Hoàng thân Xuvanuvông (lãnh tụ cách mạng nước CHDCND Lào). Đặc biệt hơn cả, Bảo tàng dành vị trí trang trọng nhất để trưng bày những hiện vật là kỷ vật của Bác Hồ trao tặng quân và dân Quân khu 4. Đây cũng là những kỷ vật để lại nhiều niềm sâu lắng nhất đối với người tham quan. Đó là chiếc đài bán dẫn Bác tặng Quân Y viện 49, là chiếc áo lụa Bác tặng cụ Nguyễn Văn Uy , tấm chân dung Bác tặng chiến sỹ đảo Cồn Cỏ, đồng tiền Bác tặng cho chiến sỹ Quân khu 4 để các anh uống nước chè...
- Như vậy để bảo tồn, phát huy những di sản vô giá và thiêng liêng như thế, đối với tập thể Bảo tàng là nhiệm vụ nặng nề, trách nhiện cao cả?...
- Đúng vậy! Làm công tác bảo tồn, phát huy di sản, cán bộ nhân viên Bảo tàng Quân khu 4 là người hơn ai hết phải hiểu rõ giá trị của di sản văn hóa quân sự to lớn này. Nó đòi hỏi những người lặng lẽ và tâm huyết.
Ra đời đúng ngày 22/12/1966, cuộc kháng chiến của ta trong giai đoạn khốc liệt nhất, không ít những cán bộ bảo tàng đã bị thương khi tham gia sưu tầm hiện vật, và đến bây giờ cũng có những người không quản ngày đêm, đến những nơi xa nhất, khó khăn nhất để mong tìm gặp tiếng nói của một quá khứ của mảnh đất này. Có rất nhiều câu chuyện cảm động đã diễn ra tại Bảo tàng này, như câu chuyện về sự khớp nối thông tin của hơn 60 trường hợp liệt sỹ, hay con số gần 80.000 lượt khách tham quan mỗi năm là những minh chứng cho những gì mà chúng tôi đã nỗ lực làm được. Hàng năm, Bảo tàng đều có các cuộc trưng bày theo chủ đề gây ấn tượng tốt cho khách tham quan, ngoài ra còn xuất bản những ấn phẩm sách để lan tỏa hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác tuyên truyền và giáo dục truyền thống...
- Xin cảm ơn anh!
Thùy Vinh (Thực hiện)