Ai phải bình tĩnh?

07/01/2013 17:12

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo vào ngày cuối cùng của năm 2012, ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đưa ra một thông điệp rằng: Về triển vọng của thị trường bất động sản năm 2013, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và bình tĩnh. Nhưng ông không chỉ rõ ai là người cần phải khách quan và bình tĩnh.Vậy ai sẽ là người cần phải khách quan và bình tĩnh đây?

(Baonghean) - Trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo vào ngày cuối cùng của năm 2012, ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã đưa ra một thông điệp rằng: Về triển vọng của thị trường bất động sản năm 2013, chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan và bình tĩnh. Nhưng ông không chỉ rõ ai là người cần phải khách quan và bình tĩnh.

Vậy ai sẽ là người cần phải khách quan và bình tĩnh đây?


Quan sát kỹ thì thấy, khi thị trường bất động sản đóng băng, người mất bình tĩnh đầu tiên là các nhà đầu tư thứ cấp do trót ôm một lượng hàng khá lớn vượt quá khả năng chi trả của mình mà không thể đẩy nhanh để “lướt sóng” kiếm lời trong chớp nhoáng như trước đó. Khi sự đóng băng tiếp tục kéo dài thì chủ đầu tư các dự án bất động sản mất bình tĩnh vì không có đủ tiền để tiếp tục thi công hoàn thành dự án. Nếu có đủ tiền hoàn thành thì cũng không khả quan hơn vì không bán được hàng.

Tiếp đó, là đến lượt các ngân hàng trót đổ nhiều tiền cho vay vào các dự án bất động sản mất bình tĩnh. Các dự án không bán được hàng, đồng nghĩa với việc ngân hàng không thu hồi được số tiền đã cho vay. Thực tế là đã có một lượng tiền khổng lồ hàng trăm nghìn tỉ bị kẹt cứng trong bất động sản “tồn kho” và trong đó có một phần không nhỏ trở thành “nợ xấu” của các ông chủ ngân hàng. Các nhà đầu tư, chủ dự án, ngân hàng lao đao vì không có đầu ra cho sản phẩm thì đến lượt Chính phủ mất bình tĩnh. Động thái các bộ, ngành liên quan lĩnh vực này lên tiếng rồi hối thúc tìm cách cứu bất động sản đã cho thấy điều đó. Mới đây, người đứng đầu Chính phủ cũng đã chính thức khẳng định sẽ cứu thị trường bất động sản.

Còn về khách quan? Các nhà đầu tư, các chủ dự án, các nhà băng đang tìm đủ mọi cách để tống khứ đống nợ xấu đó đi càng nhanh càng tốt, bất kể đó là biện pháp nào. Nên không thể hy vọng có sự khách quan từ các đối tượng đó được. Cứu cánh cuối cùng mà họ nhắm đến là dựa vào Nhà nước, vì trong hoàn cảnh khó khăn như hiện tại, không ai có đủ tiềm lực rã đông được cục băng bất động sản và đống nợ xấu của ngân hàng. Do đó, đã có nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức để tìm cách tháo gỡ đầu ra cho thị trường này. Qua cách phát biểu của một số đại biểu thường xuyên được mời tham dự các hội nghị thì thấy thấp thoáng bóng dáng của các ông chủ dự án bất động sản hoặc các ông chủ nhà băng. Vì thế mà vẫn chưa có được một giải pháp hoàn hảo nào được đưa ra để bảo đảm được lợi ích của cả ba bên là “nhà đầu tư, nhà băng và khách hàng”. Cuối cùng, người ta muốn kéo Nhà nước vào cuộc và Nhà nước đã bắt đầu vào cuộc với các động thái như đã nói ở trên. Vì thế, đối tượng cần “nhìn nhận một cách khách quan và bình tĩnh” ở đây chính là các cơ quan nhà nước liên quan lĩnh vực này.

Nhà nước sẽ cứu bất động sản với số tiền dự kiến khoảng từ bốn đến năm mươi nghìn tỉ đồng, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin như vậy. Khoan hãy bàn đến số tiền đó nhiều hay ít, mà các cơ quan chức năng được giao thực hiện nhiệm vụ này nên dành một khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu, xem xét sự việc. Từ đó có được sự nhìn nhận khách quan và bình tĩnh nhằm sử dụng số tiền đó một cách công khai, công bằng và hiệu quả. Nếu không bình tĩnh sẽ dễ bị tác động có chủ đích từ nhiều phía, dẫn đến nhiễu loạn, giải cứu không đúng phương pháp và đối tượng. Khi đó, sẽ có nhiều lực lượng nhảy vào khuấy cho “đục nước” để vỗ “béo cò”. Còn nếu không khách quan, thì như nhiều người lo ngại và đã lên tiếng cảnh báo, tiền sẽ được dùng để giải cứu cho các doanh nghiệp bất động sản là “sân sau” của một ai đó, dưới nhiều hình thức khác nhau. Tóm lại, nếu không khách quan và bình tĩnh thì không thể tháo gỡ được khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, tạo đà cho thị trường này phát triển bền vững và đáp ứng được những nhu cầu đa dạng về nhà ở của các tầng lớp khác nhau trong xã hội.


Duy Hương (Báo Nhân Dân)