Kỳ 1: Khái niệm về bệnh đái tháo đường

08/01/2013 15:13

(Baonghean) - Để đáp ứng yêu cầu của những độc giả quan tâm về sức khỏe của mình, đặc biệt về những vấn đề liên quan tới Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Bắt đầu từ năm 2013, Bệnh viện Nội tiết Nghệ An sẽ phối hợp cùng Ban Biên tập Báo Nghệ An phát hành chuyên mục "Đái tháo đường - Những điều bạn cần biết". Chuyên mục này được phát hành thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, với mong muốn chuyển tới các quý vị độc giả tất cả những vấn đề liên quan của bệnh ĐTĐ.

Ngày nay, bệnh đái tháo đường, đặc biệt ĐTĐ typ 2 thực sự đã trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Nó là nhóm bệnh không lây nhiễm, nhưng hậu quả của bệnh khá nặng nề. Vậy, ĐTĐ có những đặc điểm gì, làm sao để biết mình có nguy cơ bị bệnh hoặc đã bị bệnh hay chưa? Cách phòng chống thế nào? Hậu quả của bệnh? Chúng ta sẽ lần lượt làm rõ những băn khoăn này:

• Theo Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA)-2006: “ĐTĐ là một rối loạn mạn tính, có những thuộc tính sau: Một là: tăng glucose máu; Hai là: kết hợp với những bất thường về chuyển hoá carbonhydrat, lipid và protein; Ba là: bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch khác”.

• Về nguyên nhân, cơ chế sinh bệnh:

Đặc điểm lớn nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường týp 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường. Đây là mối quan hệ phức tạp.

*) Yếu tố gen: Có tới 60% đến 100% các cặp sinh đôi cùng trứng cùng mắc bệnh đái tháo đường týp 2. Con bị đái tháo đường thì bố mẹ (hoặc ngược lại - tức là thế hệ cận kề) có khả năng mắc bệnh tới 40%, nếu mẹ bị mắc đái tháo đường, khả năng con bị mắc bệnh cao hơn so với bố. Nếu cả bố mẹ cùng mắc đái tháo đường thì con có khả năng mắc bệnh tới 70%;

Các yếu tố khác: Béo phì hoặc thừa cân; Chế độ ít vận động; Các yếu tố đặc biệt trong tiền sử (Trẻ sinh ra có cân nặng thấp dưới 2500 gram; Phụ nữ có tiền sử có đái tháo đường thai kỳ hoặc sinh con nặng trên 4000 gram; Tiền sử được chẩn đoán có rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn glucose máu lúc đói; Tiền sử trong gia đình có bố, mẹ hoặc con ruột, anh, chị, em ruột (thế hệ cận kề) bị mắc đái tháo đường; Tăng huyết áp vô căn; Thay đổi môi trường sống).

Tuổi ≥ 40: Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh càng cao. Ở Việt nam có tới 80% người mắc bệnh đái tháo đường týp 2 ở lứa tuổi từ 40 đến 65.

*) Các stress: Các stress này thường xảy ra cả trong gia đình và xã hội.

*) Sự suy giảm chức năng tế bào beta:

- Tại thời điểm chẩn đoán có mắc bệnh đái tháo đường chức năng hoạt động bài tiết của tế bào beta chỉ còn khoảng 50%.

- Mất thăng bằng glucose trong máu và trong tế bào, do: Giảm bài tiết insulin; Do kháng insulin (insulin trong máu vẫn có nhiều nhưng bị kháng nên không có tác dụng); ...

- Hậu quả: Ở gan tiếp tục sản xuất ra glucose đưa vào tuần hoàn, làm cho hàm lượng glucose trong máu sau ăn vốn đã cao, nay lại càng tăng cao hơn nữa; Ở cơ vân giảm khả năng thu nhận glucose.

*) Tình trạng đề kháng Insulin: Có đặc điểm chính sau: Giảm dung nạp glucose; Tăng insulin máu; Tăng triglycerid; Giảm nồng độ HDL - Cholesterol; Tăng huyết áp...

Bác sỹ: Nguyễn Văn Hoàn (Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An)