Nâng chất lượng dân số để phát triển bền vững
Hiện nay, chất lượng dân số tỉnh Nghệ An nói chung còn thấp, tuổi thọ trung bình tuy tăng song số năm trung bình sống khoẻ mạnh không nhiều, tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ, số người bị tàn tật, khuyết tật, tỷ suất chết mẹ, chết sơ sinh, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tình trạng bệnh tật, nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản… vẫn còn cao. Trước thực tế này, cùng với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều đề án nhằm nâng chất lượng dân số.
(Baonghean) - Hiện nay, chất lượng dân số tỉnh Nghệ An nói chung còn thấp, tuổi thọ trung bình tuy tăng song số năm trung bình sống khoẻ mạnh không nhiều, tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực, trí tuệ, số người bị tàn tật, khuyết tật, tỷ suất chết mẹ, chết sơ sinh, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, tình trạng bệnh tật, nhất là bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản… vẫn còn cao. Trước thực tế này, cùng với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai nhiều đề án nhằm nâng chất lượng dân số.
Là 1 trong 5 huyện thực hiện Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS), đến nay toàn huyện Nghi Lộc có 27/30 xã được triển khai Đề án. Thông qua tuyên truyền vận động, người dân đã thấy được lợi ích của việc SLTS & SS, chấp nhận tham gia tích cực các hoạt động của Đề án. Sau gần 2 năm triển khai, có khoảng trên 3.000 thai phụ đã tham gia sàng lọc trước sinh và gần 700 sản phụ đã đồng ý sàng lọc sơ sinh cho con. Chị Nguyễn Thị T - một sản phụ ở xóm 8 xã Nghi Thịnh có con được sàng lọc phát hiện bệnh thiếu men G6PD, chia sẻ: "Thật may mắn, khi tôi sinh cháu đầu lòng thì cũng là lúc Đề án SLTS&SS được triển khai trên địa bàn. Con tôi đã được lấy mẫu máu gót chân, qua sàng lọc phát hiện cháu bị bệnh thiếu men G6PD. Nhờ đó, gia đình đã đưa đi điều trị kịp thời để cháu có thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác".
Đề án Sàng lọc trước sinh và sơ sinh được Chi cục Dân số-KHHGĐ triển khai từ năm 2010 tại 125 xã của 5 huyện, thị: TX Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành và Diễn Châu. Sau 2 năm triển khai đã thực hiện sàng lọc trước sinh 19.839 ca, phát hiện 89 ca bất thường, đình chỉ thai nghén 89 ca; thực hiện 2.760 ca sàng lọc sơ sinh, phát hiện 24 trẻ thiếu men G6PD. Bác sỹ Phan Văn Huê - Trưởng phòng Dân số - Chi cục DS- KHHGĐ, cho biết: "Chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh là 2 biện pháp dự phòng hiện đại với trình độ khoa học kỹ thuật cao, nhằm phát hiện những bất thường của trẻ trong giai đoạn thai còn trong bụng mẹ và ngay sau khi trẻ ra đời. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, chương trình sẽ mở rộng thêm các loại bệnh được sàng lọc hiếm gặp như hội chứng down, các dị tật ống thần kinh, tăng thượng thận bẩm sinh và một số bệnh khác nữa nhằm giúp sinh ra những đứa trẻ khoẻ mạnh về thể chất và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng dân số một cách tốt nhất. Đề án SLTS&SS được triển khai là cơ hội tốt góp phần giảm tỷ lệ tàn tật trong dân cư, qua đó giảm chi phí nuôi dưỡng, chữa trị và hỗ trợ đối với người tàn tật, nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cao cho phát triển đất nước."
Tuyên truyền nâng cao nhận thức về chăm sóc SKSS
ở xã Diễn Bích (Diễn Châu).
Bắt đầu từ năm 2006, Đề án Tiền hôn nhân được triển khai ở xã Thanh Giang (Thanh Chương). Với đặc thù xã vùng khó khăn, cách trở giao thông, vừa có dân vạn chài vừa có đông đồng bào theo đạo sinh sống, nhận thức về chăm sóc SKSS, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên còn hạn chế. Thụ hưởng Đề án, mô hình CLB Tiền hôn nhân được thành lập ở 5 xóm đã tạo điều kiện cho người dân, trong đó phần lớn là những công dân trẻ được tiếp cận với kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản – KHHGĐ; quan điểm đúng đắn về tình bạn, tình yêu, về quan hệ tình dục và biết cách phòng tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Từ việc triển khai thí điểm ở 1 xã, đến nay đã có 45 xã của 9 huyện được thụ hưởng Đề án với nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề, cấp phát tài liệu, tờ rơi cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khoẻ sinh sản; tư vấn và khám sức khoẻ cho các đối tượng vị thành niên, thanh niên. Qua đó giúp người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng vị thành niên, thanh niên trên địa bàn, có những kiến thức cơ bản để bảo vệ hạnh phúc gia đình, chăm sóc con cái.
Năm 2011, Đề án Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng của Chi cục DS-KHHGĐ bắt đầu được triển khai tại 10 xã của 3 huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Nghĩa Đàn. Đề án hướng đến 3 mục tiêu cụ thể: Vai trò của người cao tuổi (NCT) được phát huy trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách Dân số- KHHGĐ và nâng cao chất lượng cuộc sống; chất lượng tư vấn chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCT được cải thiện; phát hiện và xử lý sớm các bệnh thường gặp ở NCT; sức khỏe thể chất và tinh thần của NCT được hỗ trợ chăm sóc thông qua hoạt động của mạng lưới tình nguyện viên tại cộng đồng. Trong 2 năm, tại các xã thực hiện mô hình đã thành lập được mạng lưới tình nguyện viên 282 tư vấn, chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho NCT; thành lập dược 20 CLB Người cao tuổi giúp người cao tuổi (mỗi xã thành lập 2CLB) sinh hoạt định kỳ 1 lần/quý với nhiều hình thức như nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tư vấn chăm sóc sức khỏe...
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: “Thực hiện có hiệu quả các đề án trên nhằm góp phần đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
Duy Nam