Nguy cơ thai phụ tăng cân nhưng vẫn thiếu vi chất

25/11/2012 20:51

Thiếu i-ốt trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, chết non, trẻ sinh ra bị thiểu năng tuyến giáp, bướu cổ, điếc, chậm phát triển cả trí não lẫn thể chất.

Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đã tiến hành khảo sát dịch tễ học về tình trạng thiếu i-ốt trên 770 phụ nữ mang thai tại TPHCM. Kết quả cho thấy, chỉ có 56,8% phụ nữ mang thai biết sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Thiếu i-ốt trong quá trình mang thai sẽ làm tăng nguy cơ sẩy thai, chết non, trẻ sinh ra bị thiểu năng tuyến giáp, bướu cổ, điếc, chậm phát triển cả trí não lẫn thể chất.



Thực phẩm thai phụ sử dụng bổ sung vi chất cần thiết cho cơ thể như thịt, cá các loại, tôm tép, trứng, sữa, gan...

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM khuyến cáo: "Tỷ lệ thiếu i-ốt ở phụ nữ mang thai tại TPHCM là 72,8%. Đây là tỷ lệ khá cao, cần thiết phải cảnh báo cho cộng đồng vì thiếu i-ốt trong quá trình mang thai sẽ dẫn đến nhiều hậu quả trầm trọng mà bà mẹ khó nhận biết. Phụ nữ mang thai cần thiết phải sử dụng muối i-ốt hằng ngày để giúp phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt.

Khảo sát chỉ ra rằng, việc sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hằng ngày sẽ giúp phụ nữ mang thai giảm 53 - 59% nguy cơ bị thiếu i-ốt. Để phòng tránh nguy cơ bị thiếu i-ốt, phụ nữ mang thai cần chia sẻ lượng gia vị mặn, nên giảm nước mắm, nước tương và hạt nêm để có thể sử dụng muối i-ốt và chỉ cần nêm nếm như bình thường hoặc nhạt chứ không nêm mặn. Nên nhớ bảo quản muối i-ốt trong lọ đậy nắp kín và để ở nơi mát, tránh rang muối i-ốt trên bếp".

Không riêng i-ốt, phụ nữ mang thai cũng có nguy cơ bị thiếu các vi chất khác như sắt, kẽm, vitamin A, canxi...

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Danh, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, khoảng 88% phụ nữ mang thai không có kiến thức về các loại thức ăn giàu kẽm và chỉ 6% biết được thức ăn giàu kẽm có nguồn gốc động vật. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai tại TPHCM chiếm 39%. Phụ nữ mang thai bị thiếu kẽm có thể dẫn đến giảm cân nặng và chiều cao của trẻ sơ sinh, chậm phát triển tầm vóc và trí tuệ của trẻ sau này, giảm khả năng đáp ứng miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.

Kẽm thường có trong các loại hải sản như hàu biển, cá, thịt. Những thai phụ có chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thường thiếu kẽm hơn là những phụ nữ ăn đa dạng thực phẩm. Những thai phụ bị nghén nên ăn nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa ăn ít, với những thức ăn dễ tiêu, không nặng mùi, ít gia vị, ít béo.

Với sắt, đây là vi chất dễ thiếu nhất đối với thai phụ vì nhu cầu tạo máu, tạo mô cho cả mẹ lẫn con rất cao. Vì vậy, bên cạnh chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt (thịt, cá, trứng, đậu, rau xanh...), bà mẹ phải uống chất sắt trong suốt thời gian mang thai, uống mỗi ngày ngay từ khi phát hiện mang thai đến một tháng sau sinh.

Theo thống kê, phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản có tỷ lệ thiếu máu - thiếu sắt chiếm khoảng 28% và tỷ lệ này ở phụ nữ mang thai là 36,5%. Phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng thuốc bổ sung vitamin A liều cao vì có thể dẫn đến quái thai. Các thực phẩm thai phụ có thể sử dụng để bổ sung một số vi chất cần thiết cho cơ thể như thịt, cá các loại (cá nhỏ ăn luôn xương sẽ giàu canxi), tôm tép, trứng, sữa, gan (ăn vừa phải), đậu hũ, ăn đa dạng rau trái, đặc biệt là rau xanh đậm và củ quả vàng cam (cà rốt, bí đỏ, đu đủ chín)...


Theo Bùi Hương - Kiến thức - NT