Tiết giảm chi phí công đã thực sự có hiệu quả?
(Baonghean) - Trước đây, không ít doanh nghiệp đã coi ngân sách Nhà nước như “chùm khế ngọt”. Bước sang năm 2012, việc tiết giảm chi phí công được coi trọng, ngân sách Nhà nước ngày càng được thắt chặt, thì câu chuyện này đã khác.
Bằng những hình thức khác nhau, các cơ quan Nhà nước đều thực hành tiết giảm chi phí công. Từ ngày có Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 của Chính phủ, Công văn 6890 của Bộ Tài chính… việc chi tiêu được quản lý rất nghiêm ngặt. Các cơ quan tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, hội nghị, hội thảo. Việc sử dụng phương tiện đi lại, máy móc thiết bị không để phải sửa chữa lớn, chi phí xăng dầu giảm. Đi công tác cùng địa điểm, các lãnh đạo và cán bộ sử dụng chung xe, in văn bản, tài liệu sử dụng cả hai mặt giấy, khoán chi phí đi lại cho cán bộ để hạn chế sử dụng xe công… Mới đây nhất, ngày 26/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện chống lãng phí, trong đó có nói rõ: "Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, việc tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong sử dụng ngân sách nhà nước có ý nghĩa quan trọng, góp phần dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan trọng cấp bách". Việc cần thiết phải tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đang là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Những ngày này, vào Google gõ cụm từ “Tiết giảm chi phí công”, sau vài giây đã cho ngay trên 27.100.000 kết quả.
Ở chiều ngược lại, khi các cơ quan Nhà nước thực hiện nghiêm ngặt việc tiết giảm chi phí công, không ít doanh nghiệp trong các lĩnh vực máy tính, sửa chữa ô tô, nhà hàng… than khổ.
Những năm trước, các công ty, doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ viễn thông, lắp đặt thiết bị tin học, sửa chữa, bảo trì máy móc có khối lượng công việc tại các “địa hạt” nhà nước khá lớn, nên CBCNV của những công ty này có việc làm thường xuyên, mức lương, thưởng khá tốt. Năm nay, việc mua bán máy móc cho các tập thể không nhiều, nhất là các cơ quan nhà nước. Những khách hàng lớn hạn chế lắp đặt mới thiết bị hay sửa chữa. Những năm trước việc cài đặt các phần mềm đơn giản cũng gọi dịch vụ, nhưng năm nay các doanh nghiệp tự cài đặt…
Trò chuyện với một vị lãnh đạo công ty sửa chữa ô tô có uy tín tại Thành phố Vinh, anh cho biết công ty chuyên chăm sóc sửa chữa, thay thế các phụ tùng ô tô cho các cơ quan Nhà nước, doanh thu từ các cơ quan này hàng năm không dưới 10 con số. Thế nhưng, năm 2012 lượng khách hàng này giảm rất nhiều, chỉ bằng khoảng 1/10 năm trước.
Ở các nhà hàng đặc sản, những địa điểm được các khách hàng ưa thích đặt tiệc liên hoan, hội nghị hoặc tiếp đối tác, năm nay cũng khác. Một số chủ nhà hàng cho biết, năm 2012 thực sự khó khăn vì lượng khách từ các cơ quan Nhà nước rất ít. Họa hoằn lắm mới thấy một vài cơ quan tới đặt tiệc mà chi tiền cũng khá hạn chế…
Các cơ sở kinh doanh, lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ thường xuyên bán hàng cho các cơ quan nhà nước, những năm trước, đến mùa hè là làm không hết việc, thậm chí ông chủ cũng phải tham gia cùng thợ đi lắp đặt. Năm nay chỉ vài đơn vị gọi lắp đặt và số lượng rất ít.
Vậy, việc thực hiện tiết giảm chi phí công đã thực sự có hiệu quả? Trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực tài chính công được biết, việc tiết giảm chi phí công chưa thực sự có hiệu quả đích thực. Bởi, những năm trước đây, vấn đề này đã được triển khai thực hiện, năm 2012, việc thực hiện tiết giảm chi phí công được cụ thể hóa với yêu cầu cao hơn một chút mà thôi. Với lại, chẳng có một số liệu cụ thể nào phản ánh được việc một cơ quan cụ thể nào tiết giảm chi phí công được bao nhiêu, vì họ cho rằng nếu báo cáo thật thì sang năm tiếp theo sẽ bị cắt giảm.
Ngẫm ra điều này không phải không có lý. Hiện nay, các cơ quan Nhà nước thực hiện phương thức khoán chi. Hàng năm, họ được cấp trên cân đối, duyệt một khoản kinh phí nhất định dành cho các chi phí cụ thể. Với mức kinh phí được duyệt, các cơ quan này phải tự cân đối chi phí sao cho đủ trong thời gian một năm. Thiếu sẽ phải xoay xở bù vào, thừa thì được hưởng. Vậy nên, chẳng phải nhắc thì việc tiết kiệm chi là đương nhiên. Ở một khía cạnh khác, hầu hết các cơ quan Nhà nước khi duyệt kế hoạch, họ đều bị cấp trên cắt giảm khoảng 10% chi phí công, vậy nhưng công việc vẫn chạy tốt, chẳng thấy cơ quan nào vì vậy mà ách tắc công việc. Điều này cho thấy, đã có sự nới lỏng, thậm chí là lãng phí ngân sách Nhà nước ở nhiều năm trước. Số tiền lãng phí ở một cơ quan Nhà nước có thể chỉ dăm trăm hoặc một vài triệu đồng. Nhưng cả tỉnh, cả nước, số tiền lãng phí sẽ là bao nhiêu? Chắc không hề nhỏ.
Trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, rõ ràng yêu cầu tiết giảm chi phí công trong các cơ quan nhà nước là điều rất cần thiết. Không chỉ vậy, việc tiết giảm chi phí công sẽ tạo được ý thức tiết kiệm trong mỗi cán bộ, công chức. Tuy nhiên, để có hiệu quả đích thực, vẫn cần có thêm sự điều chỉnh.
Nhật Lân