Giám sát sử dụng thiết bị giáo dục tại Trường THCS Hà Huy Tập và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh

24/01/2013 16:36

Sáng nay 24/1, Đoàn giám sát do đồng chí Phạm Văn Tấn – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trường THCS Hà Huy Tập và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh về công tác quản lý, sử dụng thiết bị giáo dục. Cùng tham gia có đại diện Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nội vụ.

(Baonghean.vn) - Sáng nay 24/1, Đoàn giám sát do đồng chí Phạm Văn Tấn – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Trường THCS Hà Huy Tập và Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh về công tác quản lý, sử dụng thiết bị giáo dục. Cùng tham gia có đại diện Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh; Ủy ban MTTQ tỉnh; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nội vụ.



Đoàn giám sát tại phòng học môn vật lý của Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh).

Tại Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh), việc bố trí phòng học và trang bị dụng cụ, thiết bị học tập, thực hành được nhà trường quan tâm. Hiện trường có 6 phòng học bộ môn sinh, hóa, toán, lý, công nghiệp và mỗi bộ môn đều có phòng kho và phòng thực hành. Bên cạnh đó, trường cũng có 1 kho chung chứa thiết bị, tranh ảnh; 1 phòng thư viện sách; 2 phòng tin học gồm 46 máy vi tính và 4 bộ máy chiếu; 1 phòng âm nhạc. Riêng thiết bị, đồ dùng học tập, ngoài việc được cấp theo chương trình của ngành giáo dục, từ năm 2009 lại nay nhà trường cũng đã tập trung mua sắm bổ sung nhiều thiết bị như máy vi tính, các thiết bị dạy giáo án điện tử, tranh ảnh, radio... Chỉ tính học kỳ I, năm học 2012 – 2013, trường đã mua bổ sung 32 loại thiết bị, đồ cùng dạy học, trị giá 24 triệu đồng. Tỷ lệ và chất lượng sử dụng thiết bị giáo dục đạt cao, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Ở trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, nhà trường cũng đã dành những phòng học tốt để làm phòng thực hành. Tỷ lệ tiết học sử dụng thiết bị đạt 70 – 75%, riêng các môn ngoại ngữ, tin học, quốc phòng đạt 100%.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở 2 trường học là so với yêu cầu, thiết bị giáo dục còn thiếu, nhưng việc huy động nguồn lực để đầu tư mua sắm, bổ sung khó khăn; Chưa bố trí nhân viên phụ trách thiết bị đủ về số lượng và đạt chuẩn. Mặc dù cán bộ phụ trách thiết bị vẫn thường phối hợp với giáo viên bộ môn hướng dẫn học sinh thực hành nhưng không có chế độ đứng lớp, không có chế độ độc hại. Chất lượng một số thiết bị giáo dục được cấp chưa đảm bảo và phù hợp với chương trình dạy học, gây lãng phí cho nguồn ngân sách nhà nước.


Minh Chi