Xem xét chỉ tiêu GDP phải tính đến sức mua

07/01/2013 16:56

GDP là chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia, là tổng sản phẩm quốc nội được tính cho từng quốc gia, được xác định bằng nhiều phương pháp nhưng thông dụng dễ tính và chính xác nhất là: GDP = C + I + G + (Ex-Im), tức là = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu chính phủ + Xuất khẩu ròng (xuất khẩu - nhập khẩu). Tuy nhiên chỉ tiêu này cũng có thể tính được cho từng địa phương (chủ yếu là cấp tỉnh), nhưng phải cộng đủ và loại tất cả các khoản không phải là GDP do tỉnh tạo ra.

(Baonghean) - GDP là chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia, là tổng sản phẩm quốc nội được tính cho từng quốc gia, được xác định bằng nhiều phương pháp nhưng thông dụng dễ tính và chính xác nhất là: GDP = C + I + G + (Ex-Im), tức là = Tiêu dùng + Đầu tư + Chi tiêu chính phủ + Xuất khẩu ròng (xuất khẩu - nhập khẩu). Tuy nhiên chỉ tiêu này cũng có thể tính được cho từng địa phương (chủ yếu là cấp tỉnh), nhưng phải cộng đủ và loại tất cả các khoản không phải là GDP do tỉnh tạo ra.

Về số tuyệt đối GDP thể hiện tiềm lực kinh tế của một quốc gia nhưng chưa phản ánh đầy đủ sự phát triển xã hội của quốc gia đó, ngày nay thế giới đang quan tâm nhiều đến chỉ số hạnh phúc quốc gia, một đất nước tổng GDP có thể không cao nhưng các vấn đề về an sinh, an toàn xã hội, văn hóa phát triển… được đánh giá cao hơn chỉ tiêu GDP. Mặt khác, một quốc gia có thể có tổng GDP cao nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp (như Trung Quốc) hoặc giá cả hàng hóa dịch vụ cao so với các nước trên thế giới thì tổng mức GDP cao không phải là mong đợi của người lao động, vì nó phản ánh mặt lượng về sự tăng trưởng nền kinh tế nhưng chưa phản ánh mặt chất, đó là phát triển xã hội.

Về chỉ tiêu GDP đầu người, đây là một chỉ tiêu phản ánh trực tiếp mức sống của dân cư. Thực ra ở hầu hết các nước trên thế giới, khi xét về chất lượng đời sống của người dân, người ta quan tâm hơn về chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người. Có những quốc gia tổng GDP thấp nhưng dân số ít thì GDP đầu người vẫn ở mức cao (như Singgapo, Hồng Kong…) Ngược lại, có những quốc gia tổng GDP cao nhưng dân số đông thì GDP đầu người vẫn ở mức thấp (như Trung Quốc, Ấn Độ…). Như vậy, khi đánh giá sự phát triển kinh tế của một quốc gia cần phải xem xét hai chỉ tiêu tổng GDP và GDP đầu người. Nếu tổng GDP cao nhưng thu nhập đầu người thấp thì quốc gia đó chưa thực sự phát triển toàn diện. Ngược lại, những quốc gia có GDP không cao nhưng GDP đầu người cao đây là mục tiêu và mong đợi của hầu hết dân chúng.
Khi xem xét GDP cần tính đến sức mua ở từng quốc gia.

Và cũng cần chú ý rằng khi tính GDP đầu người cần xem xét đến sức mua của đồng tiền, tức là giá cả của hàng hóa, dịch vụ. Khi tính GDP cho một tỉnh nghèo, do giá cả (nhất là giá cả lương thực, thực phẩm) ở hầu hết các tỉnh đều thấp, ở các tỉnh này đâu đó nền kinh tế còn mang dấu ấn tự cấp tự túc, nên khi so sánh GDP với cả nước và quốc tế, thì GDP thực tế (được đảm bảo bằng lượng hàng hóa mua được) sẽ cao hơn. Ví dụ một ly càfê ở nước ngoài có thể 10 USD, nhưng ở Nghệ An chỉ 6000đ- 10000đ, sức mua trong trường hợp cá biệt này tăng lên hơn 33 lần; bó rau muống 5 người ăn ở 1 số nước có thể là 5 USD, nhưng ở các huyện miền núi và vùng đồng bằng của Nghệ An chỉ từ 1000đ - 2000đ. Giá cả các dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng... ở Nghệ An đều thấp, vì vậy một chuyên gia nước ngoài rất ngạc nhiên khi biết rằng với thu nhập 15 - 20 USD/tháng/người mà người dân miền núi vẫn có cuộc sống bình thường. Như vậy, khi xem xét GDP đầu người cần phải tính đến sức mua, tức thu nhập thực tế. Ở Việt Nam mặc dù thu nhập GDP đầu người không cao nhưng nếu tính theo sức mua thì thu nhập đó phải được nhân thêm nhiều mới phản ánh và so sánh đúng với GDP của các nước trên thế giới, nhất là các nước thu nhập cao nhưng giá cả cũng rất cao, như các nước châu Âu, châu Mỹ…


TS. Dương Xuân Thao (Hiệu trưởng CĐ KT-KT Nghệ An)