Quế Phong: Giảm nghèo nhờ “chuyển đổi”...

26/12/2012 16:50

(Baonghean) - Trong 2 năm qua, nhờ chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tập trung và chất lượng cao mà hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Quế Phong đang dần thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Tri Lễ là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Quế Phong. Trước tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao, nhất là tại các bản người Mông tình trạng di cư tự do dẫn đến cuộc sống không ổn định, đời sống kinh tế rất khó khăn. Nay, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà bộ mặt của Tri Lễ thay đổi hàng ngày, đời sống của người dân ngày một cải thiện. Ông Đàm Thiên Thương - Phó Bí thư xã Tri Lễ cho biết: Nếu so sánh Tri Lễ hiện nay với vài năm trước thì đã có một bước tiến dài. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 78%, thì mới đây, theo điều tra tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 63%. Đời sống của người dân đang từng ngày được nâng cao, nhất là đối với 10 bản Mông đã khởi sắc rõ nét. Có được kết quả đó là nhờ cấy ủy, chính quyền đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng nghị quyết của huyện nhiệm kỳ này.



Người dân bản Chiềng, xã Tri Lễ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu cho thu nhập cao.

Nói đến Tri Lễ, không thể không nhắc đến cây chanh leo. Từ mô hình hơn 2 ha, nay toàn xã đã nhân rộng được 16,49 ha, tập trung tại các bản Yên Sơn, San, Na Niếng, D1, D2, Tà Pàn. Đây vốn là loại cây trồng đã được khẳng định giá trị kinh tế trên vùng đất Tri Lễ. Vì thế, khi thành lập 2 bản mới của người Mông là D1, D2 thuộc Khu kinh tế mới Minh Châu, thì xã đã vận động, tuyên truyền người dân mạnh dạn đưa cây chanh leo vào trồng trên diện tích đất để hoang hóa. Nhờ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc nên cây chanh leo bước đầu đã đem lại thu nhập cho người dân tại 2 bản mới này. Gia đình anh Lỳ Bá Chài mới về ở tại bản D1 đầu năm 2012. Sau khi được chia đất, gia đình anh mạnh dạn trồng hơn 5 sào chanh leo. Sau vụ thu hoạch đầu tiên, anh thu về được 6 triệu đồng. Anh Chài cho biết: Từ ngày về ở bản mới, nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã nên đời sống của gia đình đã không còn khó khăn như trước nữa. Bây giờ, vợ chồng ở nhà chăm sóc diện tích chanh leo và mía là có thu nhập ổn định rồi.

Ngoài việc mở rộng diện tích trồng chanh leo, Tri Lễ đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây, con mới vào nuôi trồng để tăng năng suất, chất lượng. Tại 2 bản D1, D2, xã đã kết hợp với nhà máy đường trồng thử nghiệm 4,34 ha trên diện tích vốn là đất đồi để hoang. Hiện nay, cây mía đang phát triển tốt, hứa hẹn là cây trồng xóa đói, giảm nghèo của đồng bào. Bên cạnh đó, xã chủ trương cho người dân tiến hành nuôi cá lồng trên các hồ đập và sông lớn. Ngoài những giống cá truyền thống như mè, chép, trắm thì người dân còn mạnh dạn đưa các giống cá đặc sản như cá lăng, cá bọp, cá tầm vào nuôi. Tại các bản Chiềng, người dân chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được Đảng bộ và chính quyền xã Quế Sơn quan tâm và thực hiện tốt. Xác định cây mía là cây chủ lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo nên từ năm 2010, xã Quế Sơn đã vận động, tuyên truyền người dân khai hoang và chuyển đổi những vùng đất cưỡng, đất 1 vụ lúa, đất vườn kém hiệu quả sang trồng mía. Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật của Nhà máy đường Tate&Lyle nên diện tích trồng mía của xã không ngừng được mở rộng. Từ 30 ha trồng thử nghiệm vào năm 2006, đến năm 2012, toàn xã có 220 ha đất trồng mía. Cả xã hiện có khoảng 300 hộ dân trồng mía. Hiện nay, đời sống của các hộ trồng mía không ngừng được nâng cao. Mỗi ha mía, người dân thu về trung bình 75 tấn, tính ra hiệu quả kinh tế được gần 70 triệu đồng. Có những hộ nhờ đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất mía lên tới 120 tấn/ha.

Tùy vào điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của từng cụm, xã đã quy hoạch phát triển kinh tế theo hướng chuyên canh, tạo giá trị thị trường cao. Như tại cụm Nam Sơn gồm 4 bản khó khăn là Ná Công, Ná Cao, Ná Cọc, Piếng Mòn, người dân tập trung chuyển đổi từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt. Do được chăm sóc và tiêm phòng định kỳ nên đàn gia súc, gia cầm của người dân phát triển tốt, hàng năm đều cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Hồ Văn Khương - Chủ nhiệm HTX chuyên giống cây, giống con và nông nghiệp Quế Sơn cho biết: Nhờ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên phong trào chăn nuôi trong thời gian gần đây phát triển mạnh. Trung bình, mỗi tháng thì người lao động có thu nhập trên 3 triệu đồng. Và hầu hết các hộ này đã cơ bản thoát nghèo. Còn tại cụm Hồng Sơn, do có địa hình tương đối bằng phẳng, thuận tiện việc tưới tiêu. Trước đây là vùng đất trồng 1 vụ lúa, 1 vụ màu song hiệu quả kinh tế phập phù, năm được năm không. Nhận thấy cây rau màu có hiệu quả kinh tế cao, xã đã vận động người dân xây dựng vùng trồng rau tập trung với diện tích 4 ha. Mùa nào cây nấy, các loại dưa leo, bí đao, cà được trồng vào vụ hè thu. Còn đối với vụ đông xuân, người dân lại trồng su hào, bắp cải, đậu cô ve… Năm 2011, 11 hộ dân tại xóm Hải Lâm 1 đã tiến hành thành lập HTX sản xuất rau an toàn.

Anh Trần Điệp Trùng Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Sơn cho biết: Thực hiện nghị quyết của đảng bộ huyện, xã chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với thổ nhưỡng của từng địa phương, Quế Sơn đã mạnh dạn xây dựng từng vùng sản xuất cụ thể, để từ đây tạo ra được những hàng hóa có giá trị cạnh tranh trên thị trường. Qua 2 năm thực hiện, hiệu quả của công tác này đã thấy rõ. Tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2011 là trên 46%, sang năm 2012 đã giảm xuống còn 34,7%. Và số liệu điều tra gần đây tính cho năm 2013 thì tỷ lệ này đã giảm còn 27,6%. Đối với những hộ đã thoát nghèo thì đời sống của người nông dân nay đã được nâng cao. Bộ mặt nông thôn mới đang dần hiện rõ. Trong vụ đông xuân sắp tới, xã sẽ tận dụng hết quỹ đất khoảng 15-20 ha còn lại chuyển sang trồng mía. Hơn nữa, về giống lúa thì xã thay thế giống Nhị ưu 838 sang trồng giống lúa năng suất, chất lượng cao như giống Nhị ưu 986, NA2 và một số giống đặc sản của địa phương.

Không khó để nhận ra sự thay da đổi thịt trên từng bản làng của huyện miền núi Quế Phong mà chúng tôi đi qua. Ngoài Tri Lễ và Quế Sơn thì rất nhiều địa phương khác đã tìm được cho mình một hướng đi riêng vừa có tính đặc thù và có hiệu quả kinh tế cao. Ví dụ như xã Châu Thôn thì nuôi o­ng, Thị trấn Kim Sơn và Nậm Nhoóng thì nuôi nhím, Tiền Phong thì nuôi vịt bầu quỳ, Châu Kim nuôi gà đen và trồng lúa cao sản… Đó là những kết quả của quá trình chuyển hướng mạnh mẽ trong công tác phát triển trồng trọt và chăn nuôi.

Dựa trên đặc điểm thổ nhưỡng, điều kiện canh tác và tập tục của người dân mà Quế Phong đang dần hình thành những “địa chỉ” mang tính đặc thù, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Ông Trịnh Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Thực hiện nội dung trong Nghị quyết 20 của Đảng hộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, chúng tôi đã tiến hành xây dựng từng vấn đề cụ thể để trên cơ sở đó, mỗi địa phương sẽ xác định cho mình hướng đi phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi thực hiện liên kết với các doanh nghiệp để tìm hướng đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp kết hợp với ứng dụng các tiến bộ KH-KT. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình ở một số địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành để người dân có thể thoát nghèo một cách bền vững.


Phạm Bằng