Ký kết Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào năm 2013

20/12/2012 22:20

Ngày 19/12, kết thúc kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad đã ký Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào năm 2013.

Ngày 19/12, kết thúc kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Lào, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengsavad đã ký Hiệp định hợp tác Việt Nam-Lào năm 2013.



Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Hai bên cũng ký thỏa thuận về chiến lược hợp tác giữa Việt Nam-Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng đến năm 2020; Nghị định thư về sửa đổi Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam-Lào.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả làm việc của các đoàn hai nước Việt Nam-Lào trong kỳ họp; mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp hai nước thẳng thắn chỉ rõ những điều còn hạn chế, khó khăn để khắc phục.

Phó Thủ tướng cũng thông báo sơ bộ về tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam, những thuận lợi, khó khăn trong phát triển nói chung và chủ yếu là năm 2012.
Phía Lào cũng đánh giá cao tầm quan trọng của kỳ họp và thông báo sơ bộ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước mình.

Hai bên đã bàn bạc về sự hợp tác ở nhiều lĩnh vực như giáo dục-đào tạo,văn hóa, khoa học kỹ thuật, khai thác khoáng sản, năng lượng, đầu tư phát triển nói chung…

Các thành viên phân ban hợp tác Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam đã thông qua chương trình nghị sự của kỳ họp, đánh giá tình hình thực hiện Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật năm 2012, trao đổi và thống nhất phương hướng nhiệm vụ cụ thể trong năm 2013.

Hiện Việt Nam có hàng trăm dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Lào còn hiệu lực. Riêng năm 2011, Việt Nam có 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sang Lào với tổng vốn đăng ký đạt 477,4 triệu USD.

Năm 2013, Chính phủ Việt Nam sẽ dành 825 suất học bổng cho cán bộ, học sinh Lào, ưu tiên đào tạo bồi dưỡng cán bộ chính trị và cán bộ quản lý các cấp.

Đặc biệt, trên lĩnh vực kinh tế, các bên tiếp tục rà soát các doanh nghiệp đầu tư tại Lào theo hướng tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án hợp tác, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng và cam kết với Chính phủ Lào, phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề mới nảy sinh.

Hai bên yêu cầu các doanh nghiệp liên quan đẩy nhanh tiến độ để sớm phát điện thương mại nhà máy thủy điện Sekaman 3; thúc đẩy tiến độ dự án thủy điện Sekaman 1; phấn đấu đưa kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước năm 2013 đạt mức tăng trưởng 25%.

Đồng thời tiếp tục áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất, thuế nhập khẩu cho hàng hóa có xuất xứ từ hai nước. Hai bên cũng sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, bảo tàng, khoa học và công nghệ...

Về chính trị, ngoại giao, hai bên sẽ đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt và Liên minh chiến đấu Việt-Lào vào giảng dạy tại các trường học của hai nước.

Hai bên cũng chú trọng xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào ổn định và phát triển toàn diện, nhân rộng trên toàn tuyến mô hình hợp tác tuần tra chung của lực lượng biên phòng, phấn đấu hoàn thành cơ bản tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào 2013 để tiến tới hoàn thành dứt điểm dự án này vào năm 2014.


Theo (TTXVN) - L.T