Hành trình để mộc bản triều Nguyễn trở thành di sản tư liệu thế giới

30/01/2013 18:24

Mộc bản triều Nguyễn là một dạng tài liệu đặc biệt được khắc ngược trên gỗ dùng để in thành sách. Ngày 30 tháng 7 năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn đã được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới” và được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại. Sau hơn 300 năm, khối mộc bản triều Nguyễn đã được vinh danh trên trường quốc tế.

(Baonghean) Mộc bản triều Nguyễn là một dạng tài liệu đặc biệt được khắc ngược trên gỗ dùng để in thành sách. Ngày 30 tháng 7 năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn đã được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới” và được UNESCO công nhận là di sản tư liệu của nhân loại. Sau hơn 300 năm, khối mộc bản triều Nguyễn đã được vinh danh trên trường quốc tế.

Trước thời Nguyễn, một phần mộc bản được bảo quản tại Văn Miếu Quốc tử giám để làm tài liệu học tập và giảng dạy cho các học sinh trường giám. Sau khi Minh Mạng lên ngôi, với niềm đam mê sách cổ của các triều và tìm hiểu về văn hóa của tiền triều, ông vua này đã ra chỉ dụ sưu tầm sách vở. Sách Đại Nam hội điển sự lệ cho biết việc vua Minh Mạng xuống chỉ cho sưu tầm sách vở ở các nơi rằng: “Minh Mạng năm thứ 8 (1827), xuống chỉ: Văn Miếu ở Bắc thành, nguyên trữ các bản in ngũ Kinh tứ Thư đại toàn và Võ kinh trực giải. Chuẩn cho sức soạn lấy đủ số. Nếu như tấm in bản nào lâu năm mọt nát, thì khắc bản khác bổ sung vào, đến khi có đoàn thuyền vận tải thì đưa đến kinh giao Quốc tử giám lưu giữ, đặng phòng khi dùng in ra để ban cấp”. Cũng trong sách Minh Mạng chính yếu cho biết: “Vua sai quan ở Bắc thành kiểm điểm sách vở nguyên trữ ở Văn Miếu trong thành, như Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn. Bên cạnh đó, vua còn xuống chiếu tìm sách cũ, chiếu viết: trẫm để ý điển xưa, noi theo chí trước, ngửa nghĩ rằng nhờ công đức các đời mở đắp mới có ngày nay, càng muốn làm cho rõ rệt dấu xưa, giao cho sử quán soạn thuật… Vậy chuẩn cho quan dân trong ngoài, phàm nhà nào cất được những bản biên chép điển cũ của triều trước, thì không kể tường hay lược, đem nguyên bản tiến nộp, hoặc đưa cho nhà nước sao chép, đều có khen thưởng”.



Mộc bản triều Nguyễn tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt - Lâm Đồng).
Ảnh: Internet

Với việc Minh Mạng cho vận chuyển toàn bộ những ván in từ Văn Miếu Hà Nội về Huế, hầu hết sách thời này đều được nhà nước quản lý in ấn chặt chẽ. Những ván in được bảo quản trong một số cơ sở tại Kinh thành Huế. Sau khi lên ngôi, Minh Mạng đã cho xây dựng Quốc sử quán để biên soạn sách quốc sử, lại đặt nhà chứa ván in. Quốc sử quán với chức năng là cơ quan chuyên trách trong việc biên soạn những bộ sách sử lớn của đất nước, lại vừa trông coi việc in ấn xuất bản của đất nước.

Sau khi triều Nguyễn cáo chung, toàn bộ các thư tịch, tài liệu châu bản, mộc bản đã trải qua nhiều lần di dời. Do đó, một phần đã bị mất mát hư hỏng, cộng với thiên nhiên khắc nghiệt ở Huế đã làm mai một nhiều. Nhận thấy việc mộc bản và các thư tịch có nguy cơ bị hủy hoại, nếu không di chuyển sớm sẽ có nguy cơ mất hoàn toàn. Đến năm 1959, một ban dự thảo quyết định di chuyển khối mộc bản đồ sộ ra khỏi Huế. Địa điểm được lựa chọn là thành phố Đà Lạt - nơi có điều kiện lý tưởng về khí hậu, địa hình.

Năm 1960, trước tình hình chiến sự căng thẳng và để tránh những sự xung đột có thể xảy ra gần vĩ tuyến 17, khối tài liệu lịch sử của triều Nguyễn đã được chế độ miền Nam (cũ) di chuyển lên Đà Lạt bảo quản và Viện bảo tàng Đà Lạt được xem là một quốc khố để giữ gìn chu đáo các cổ thư và sử liệu quý giá của triều Nguyễn. Trải qua hơn 15 năm được bảo quản trong kho lưu trữ của chi nhánh Văn Khố, đến sau năm 1975, mộc bản được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tiếp quản nhưng vẫn lưu trữ tại Đà Lạt.

Năm 2008, sau quá trình thực hiện chỉnh lý khoa học khối tài liệu mộc bản cùng với quá trình nghiên cứu hồ sơ tư liệu, xác định giá trị khoa học cho tài liệu để đệ trình lên UNESCO công nhận khối tài liệu mộc bản là dạng tư liệu đặc biệt quý hiếm ở Việt Nam và hiếm có trên thế giới. Chính bởi vì giá trị khoa học đặc biệt và cũng là dạng tài liệu ghi tin đặc biệt mà cuối cùng mộc bản triều Nguyễn đã được vinh danh trên trường quốc tế.

Để có được vinh dự ấy, khối tài liệu này đã trải qua rất nhiều sóng gió do lịch sử để lại, nhưng với những giá trị hết sức quý giá của mình, mộc bản triều Nguyễn xứng đáng được thế giới biết đến. Đó là lịch sử tự hào của cha ông ta để lại suốt bao năm mới có được những cổ thư sẽ và mãi mãi được lưu danh muôn thưở, cũng là niềm tự hào của đất nước Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến.


Nguyễn Huy Khuyến (Khoa Đông Phương - ĐH Đà Lạt)