Vua Quang Trung và cành đào tặng Ngọc Hân công chúa

28/01/2013 11:12

Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), trên đường hành quân thần tốc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào còn vương mùi thuốc súng, nhìn thấy rừng đào Nhật Tân rộ sắc hồng, Vua Quang Trung liền cho người chọn một cành đẹp nhất phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân, tặng Ngọc Hân công chúa.

(Baonghean) Mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), trên đường hành quân thần tốc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, khi vào đến Thăng Long, lúc voi trận, áo bào còn vương mùi thuốc súng, nhìn thấy rừng đào Nhật Tân rộ sắc hồng, Vua Quang Trung liền cho người chọn một cành đẹp nhất phóng ngựa trạm vào thành Phú Xuân, tặng Ngọc Hân công chúa.

Đó chỉ là giai thoại. Nhưng giai thoại này giờ vẫn được nhiều người nhắc đến vì nó đẹp quá !

Người con gái hoàng tộc đất Bắc tài hoa ấy vào tận Phú Xuân làm hoàng hậu, vì thế đã trở thành kẻ tha phương. Mối lương duyên “trai anh hùng, gái thuyền quyên” chắc cũng khó làm nguôi ngoai nỗi nhớ cái rét xuân giữa Thăng Long Thành trong mùa đoàn tụ.

Với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, những mùa Xuân trong ký ức tuổi thơ ở Tây Sơn, Bình Định chắc không có hoa đào đỏ thắm nhưng giữa không gian Thăng Long trong một phút hành quân, con người vĩ đại ấy dường như linh cảm được sợi dây tâm hồn sâu thẳm của hiền thê khi chọn tặng cho nàng món quà báo tin chiến thắng không thể tuyệt vời hơn: một cành đào!

Cành đào ấy, với Ngọc Hân là cả không gian quê nhà, là núm ruột thân yêu, là nguồn cội. Cành đào ấy là hiện thân của mùa Xuân Thăng Long đang chảy sâu trong tâm thức Ngọc Hân. Đã có biết bao tác phẩm thi ca nhạc họa viết về hình tượng hoa đào, một loài hoa quý phái và thanh tao. Sắc đào mùa Xuân vì sao có sự quyến rũ nao lòng đến vậy?

Giữa một khoảnh đất trồng đào còn sót lại ven Hồ Tây, thuộc vùng Nhật Tân, nhớ một hình ảnh đẹp trong lịch sử đã được học: Rằng mùa Xuân Kỷ Dậu (1789), sau khi đại chiến quân Thanh, tiến quân vào Ngọc Hồi, Vua Quang Trung cho người mang cành hoa bích đào vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa. Cành bích đào đó được trồng trên chính vùng đất Nhật Tân - dinh Lẫm xưa.

Một ông lão nơi đây hào hứng khi nhắc tới câu chuyện cành đào Vua Quang Trung tặng Ngọc Hân công chúa, nhưng niềm vui vụt biến mất trên khuôn mặt ông, ông bảo: “Cho tới nay, các nhà sử học vẫn cho câu chuyện ấy là truyền thuyết. Nhưng cụ nội tôi kể cho ông tôi nghe, ông tôi kể lại với bố tôi, rồi bố tôi kể cho tôi. Bốn đời người, tới nay tôi gần 70 tuổi, vậy mang tuổi tác của 4 đời người ra để so sánh với mốc lịch sử nửa đầu thế kỷ XVIII thì gần lắm! Tôi nghĩ, đôi khi các nhà sử học cũng quên những chi tiết khi ghi chép, và có thể câu chuyện này là một sự quên lãng”.

Hãy khoan nói tới chuyện thật - giả, giả - thật ở đây. Bởi lẽ hình ảnh đẹp ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ người Việt Nam rồi, dù là truyền thuyết. Riêng sắc đào bích đã gợi lên toàn bộ thế giới mơ mộng của tình yêu nguyên khai và đằm thắm nhất.

Người xưa bảo: Bích đào là hoa của trời. Cây bích đào trên trời sắc biêng biếc, còn xuống trần thì tựa hoa đào nhưng sắc rất hồng. Lá bích đào so với lá hoa đào cũng biếc hơn… Câu thơ cổ “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” (Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông) gắn với tích: Một nho sinh thời xưa trên đường lên kinh đi thi, lúc về gặp người con gái trong mộng, tình yêu của họ nảy nở đúng vào mùa hoa đào. Họ hẹn ước với nhau, nhưng vì chiến tranh liên miên, nhiều năm sau chàng trai quay trở lại cũng mùa hoa đào nở, cảnh vẫn vậy, nhưng tìm người xưa không thấy. Có thể nói, những gì tinh khiết nhất thường được người xưa ví với hoa đào.

Phải chăng, vì lẽ đó mà tráng sĩ hào hoa đất võ Bình Định đã gửi hoa của trời, loại hoa chỉ riêng đất Thăng Long mới có vào Huế tặng cho người con gái hoàng tộc đất Bắc. Trong giai đoạn lịch sử này, Ngọc Hân công chúa được ví như bông hoa rực rỡ nhất, được nâng niu nhất trong triều Lê đang tàn tạ. Với ai đó, câu chuyện này chỉ mang màu sắc chính trị, nhưng dường như, đây là sự tương ngộ giữa “Trai anh hùng, gái thuyền quyên” và câu thơ của công chúa Ngọc Hân tặng người anh hùng áo vải còn vang mãi đến bây giờ…


Hồ Sĩ Tá (337 Hoàng Hoa Thám, P. Liễu Giai, Q. Ba Đình, Hà Nội)