Nỗ lực vì mục tiêu giảm nghèo bền vững

20/03/2013 17:10

(Baonghean) - Ngân hàng Chính sách Xã hội Nghệ An được thành lập theo Quyết định số 44/QĐ-HĐQT ngày 14/01/2003 của Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và chính thức khai trương hoạt động từ ngày 9/4/2003.

Trải qua 10 năm thành lập, hoạt động, được sự quan tâm, chỉ đạo của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp; sự chỉ đạo quyết liệt của Ban đại diện HĐQT các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, sự ủng hộ của người nghèo và các đối tượng chính sách, cùng với sự phấn đấu nỗ lực quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức của tập thể cán bộ, viên chức trong toàn chi nhánh, đến nay Chi nhánh NHCSXH Nghệ An có bước phát triển vượt bậc, toàn diện.

Về mạng lưới, đã xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới hoạt động từ tỉnh tới cơ sở gồm: Hội sở tỉnh, 19 phòng giao dịch cấp huyện; 480 điểm giao dịch ở 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; 8.305 tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của trên 6 ngàn khối, xóm, làng, bản. Từ miền biển lên vùng núi cao, từ đồng bằng đến vùng đô thị, nơi đâu cũng có tổ TK&VV của NHCSXH hoạt động phục vụ nhu cầu vay vốn của người dân.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách bao gồm Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện với cơ cấu thành viên Ban đại diện là đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, đại diện lãnh đạo các ngành tài chính, nông nghiệp, kế hoạch, lao động thương binh-xã hội, dân tộc, ngân hàng và 4 tổ chức chính trị nhận ủy thác từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

Do vậy, có đến trên 250 cán bộ lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, trên 4.100 cán bộ thuộc các tổ chức chính trị xã hội tham gia hoạt động kiêm nhiệm, cùng đội ngũ cán bộ chuyên trách của NHCSXH Nghệ An đã và đang nỗ lực triển khai, quản lý hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhà.

NHCSXH Nghệ An hiện đang thực hiện cho vay 9 chương trình tín dụng ưu đãi do Trung ương chỉ định và một số chương trình tín dụng ưu đãi nhận ủy thác tại địa phương với tổng nguồn vốn quản lý đến 31/12/2012 đạt 5.731 tỷ đồng, tăng 5.418 tỷ đồng (gấp 18,7 lần) so với ngày đầu thành lập năm 2003, tốc độ tăng trưởng vốn bình quân hàng năm đạt 36,5%. Trong đó: Nguồn vốn Trung ương là chủ yếu, chiếm tỷ trọng 96,06% tổng nguồn vốn; nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất, chiếm tỷ trọng 2,75% tổng nguồn vốn; nguồn vốn từ ngân sách tỉnh đạt 53,46 tỷ đồng, chiếm 0,93%; nguồn vốn Ngân sách huyện đạt 2,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,042%.

Gần 99% tổng dư nợ của NHCSXH Nghệ An tập trung vào các chương trình tín dụng dành cho xóa đói giảm nghèo, trong đó tập trung vào 6 chương trình tín dụng lớn, gồm: chương trình tín dụng học sinh sinh viên từ chỗ chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong 5 năm đầu, sau khi thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg đến nay đã trở thành chương trình có tỷ trọng dư nợ đứng đầu trong các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH Nghệ An thực hiện với 2.847 tỷ đồng dư nợ (chiếm 49,74% tổng dư nợ); chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo với dư nợ đạt 1.899 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 33,17%); chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn có quy mô lớn thứ ba, với dư nợ đạt 350 tỷ đồng (chiếm 6,11%); chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ đạt 221,6 tỷ đồng (chiếm 3,87%), cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg đạt 209,4 tỷ đồng (chiếm 3,66%); chương trình cho vay xuất khẩu lao động và các chương trình tín dụng còn lại chiếm tỷ trọng 3,45% tổng dư nợ. Nếu xét về đối tượng cho vay thì dư nợ cho vay dành cho đối tượng là hộ nghèo chiếm tỷ lệ 57,9%/tổng dư nợ, cho vay các đối tượng chính sách khác chiếm tỷ lệ 42,1%.



Ngân hàng CSXH Nghệ An bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Lê Văn Khánh (gia đình liệt sỹ) ở xóm 6, xã Bắc Sơn, Đô Lương.

Mười năm qua (2003-2012), nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho 728.857 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH, dư nợ bình quân của một hộ vay tăng gấp 6,1 lần (từ 2,8 triệu đồng/hộ năm 2003 lên 17,1 triệu đồng/hộ năm 2012), 416,824 lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giúp 62.378 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho 12.799 lao động; hơn 170 ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 7.164 lao động được đi XKLĐ; 69.486 hộ tại vùng nông thôn được vay vốn, xây dựng trên 90 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn nhằm cải thiện môi trường tại vùng nông thôn; 26.388 hộ được vay vốn để làm nhà ở theo Chương trình 167; 34.937 hộ sản xuất kinh doanh và 188 thương nhân tại vùng khó khăn được vay vốn kinh doanh.

Sử dụng nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 14,79% năm 2002 xuống 7,6% năm 2005, từ 27,14% đầu năm 2006 xuống 14,54% năm 2010 và từ 22,86% đầu năm 2011 xuống còn 15,61% cuối năm 2012. Thị phần của tín dụng chính sách xã hội tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng khó khăn tăng nhanh, chiếm khoảng 50% nguồn vốn tín dụng trên địa bàn, nhất là tại địa bàn một số xã đặc biệt khó khăn, vùng biên giới tín dụng chính sách chiếm đến 80%. Các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH thực hiện thực sự là “bà đỡ” cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có vốn để sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Bên cạnh nhiệm vụ tập trung khai thác tốt mọi nguồn vốn, giải ngân kịp thời cho nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, NHCSXH Nghệ An luôn coi trọng công tác nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung thu hồi nợ và quan tâm xử lý các khoản nợ xấu. Nhờ đó vốn vay thu hồi tốt, đạt trên 99%; chất lượng tín dụng luôn đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,76% năm 2003 xuống còn 0,4% năm 2012.

Chặng đường 10 năm qua, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức về nhân lực, cơ sở vật chất, nguồn vốn, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động, song được sự quan tâm của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị -xã hội nhận ủy thác cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể CBVC toàn chi nhánh, NHCSXH Nghệ An đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả đạt được trong mười năm qua đã khẳng định, nguồn lực đầu tư của Chính phủ cho người nghèo và các đối tượng chính sách thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi do NHCSXH thực hiện là giải pháp quan trọng kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tự vươn lên hòa nhập cộng đồng xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và xây dựng xã hội công bằng - dân chủ -văn minh. Bài học rút ra của chặng đường 10 năm từ hoạt động của NHCSXH Nghệ An là “đoàn kết - đổi mới - xây dựng để phát triển”.

Với những cố gắng không mệt mỏi trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, NHCSXH Nghệ An đã nhận được sự tin yêu của nhân dân tỉnh nhà và trong dịp kỷ niệm 5 năm thành lập; Chi nhánh NHCSXH Nghệ An đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan và của Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, thiết thực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, trong những năm tới (2013-2020), NHCSXH chi nhánh Nghệ An xác định: “Tiếp tục xây dựng và phát triển Chi nhánh NHCSXH Nghệ An theo hướng ổn định, bền vững, đủ năng lực để thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước tại địa phương, hỗ trợ có hiệu quả cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính từ NHCSXH”; Phấn đấu đảm bảo cho 100% hộ nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp; Nguồn vốn và dư nợ đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%; Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1% tổng dư nợ. Phối hợp lồng ghép có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách với hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Kết quả tiêu biểu trong 10 năm hoạt động của Ngân hàng CSXH Nghệ An

* Giúp 728.857 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 8.703 tỷ đồng.

* Sử dụng nguồn vốn vay đã có:

- 62.378 hộ thoát nghèo;

- 12.799 lao động có được việc làm ổn định;

- Hơn 170.000 HSSV con của hơn 131.000 hộ nghèo được vay vốn học tập;

- 7.164 lao động được đi XKLĐ;

- 69.486 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn, xây dựng trên 90 ngàn công trình nước sạch, công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn;

- 26.388 hộ được vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định 167;

- 34.937 hộ gia đình vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh;...


Lê Xuân Tỵ (Giám đốc Ngân hàng CSXH Nghệ An)