Muốn “làng nước theo sau”, cán bộ, đảng viên phải “đi trước”
Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ra đời từ Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương khóa XI, ngày 31/12/2011. Tính đến nay, Nghị quyết đã được triển khai, đi vào cuộc sống hơn một năm, đem lại nhiều niềm vui, hi vọng, tuy vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở trong cán bộ, đảng viên cũng như đông đảo quần chúng nhân dân. Trong những trăn trở này, có vai trò “đi trước”, “tiên phong” của hàng ngũ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết có nói cụ thể “nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên”.
(Baonghean.vn) - Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” ra đời từ Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương khóa XI, ngày 31/12/2011. Tính đến nay, Nghị quyết đã được triển khai, đi vào cuộc sống hơn một năm, đem lại nhiều niềm vui, hi vọng, tuy vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở trong cán bộ, đảng viên cũng như đông đảo quần chúng nhân dân. Trong những trăn trở này, có vai trò “đi trước”, “tiên phong” của hàng ngũ cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết có nói cụ thể “nhất là vai trò gương mẫu của cán bộ chủ chốt các cấp, của người đứng đầu, của cấp trên”.
Gần cuối cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, trong bối cảnh đầy cam go ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sáng suốt khẳng định một sự thật bất di bất dịch: “Cán bộ được dân tin, dân phục, dân yêu thì việc gì cũng thành công” (Báo Sự thật, số 117, 1949). Nếu trái lại thì thất bại. Chính đó là một động lực làm nên Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”. Một năm sau đó, để giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng mạnh thêm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng, Bác Hồ viết bài báo “Tự phê bình và phê bình” (Báo Nhân dân, số 468, 1955). Ở đây vai trò cán bộ, đảng viên cũng được Người hết sức chú trọng: “Toàn thể đảng viên – trước hết là cán bộ phụ trách – phải làm gương mẫu tự phê bình và phê bình”.
Ngày 9/12/1961, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An. Trong đó, Bác yêu cầu: “Đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc!”
Khoảng thời gian trước, đặc biệt là từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công cho tới trước năm 1960, Bác Hồ đã có khá nhiều bài báo tập trung viết về công tác tự phê bình và phê bình. Từ quan điểm, phương pháp đến cách thức đều cốt để làm sao cho việc làm có hiệu quả, tác giả các bài viết nêu rất giản dị, sáng rõ, có lí có tình, ai cũng có thể vận dụng vào bản thân ở từng lĩnh vực, vị trí mình phụ trách. Chẳng hạn, Bác yêu cầu “tiên trách kỷ” rồi “hậu trách nhân” (tự phê mình trước, phê bình người khác sau); phê bình phải rõ ràng, thiết thực, thái độ đúng mực, còn tự phê bình thì phải thật thà; phê bình cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm nên phải nhằm chủ yếu vào tư tưởng và công tác, còn thái độ của người phê bình phải thành khẩn, nghiêm trang, đúng mực, đề ra được cả phương pháp sửa chữa... Người nhắc nhở: Không nên phê bình lấy lệ, càng không nên “trước mặt không nói, xoi mói sau lưng”, “thì thầm thì thụt”, viết thư nặc danh. Phê bình và tự phê bình cần tiến hành thường xuyên, nếu ngừng sẽ thoái bộ, như người sống mà thiếu không khí để thở. Phê bình đúng thì phải công khai thừa nhận, sửa chữa, còn phê bình sai phải điềm đạm giải thích. Bác chỉ trích số cán bộ, đảng viên “dìm phê bình hoặc phớt lờ phê bình” do khinh rẻ ý kiến nhân dân. Như vậy, theo Bác, là “như có bệnh mà từ chối uống thuốc, trái với dân chủ, và rất có hại”.
Không chỉ nói, viết bản thân Bác Hồ còn là một mẫu mực cho ý chí, tinh thần tự phê bình và phê bình trên mọi phương diện. Những ý kiến chỉ đạo và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào những thời điểm cách mạng lúc bấy giờ, có thể nói vô cùng sâu sắc, giàu giá trị thực tiễn và có ý nghĩa lâu dài. Tuy vậy, tình hình cách mạng những năm đó cũng không hoàn toàn đơn giản.
Đối với tự phê bình và phê bình của cán bộ đảng viên, đại loại có ba thái độ khác nhau:
- Những đồng chí giác ngộ chính trị cao đã tự phê bình rất thật thà, kiên quyết sửa chữa khuyết điểm. Đối với những kẻ sai lầm, lại không chịu sửa đổi thì các đồng chí đó đấu tranh không nể nang.
- Những đồng chí khác (số này ít thôi) thì phê bình giáo dục đến đâu cũng cứ ỳ ra, không chịu sửa đổi.
- Số còn lại (khá đông cán bộ), khi phê bình người khác thì đúng đắn nhưng khi tự phê bình thì quá “ôn hòa”. Bác Hồ chắc rất buồn khi phải nêu nhận xét: “Các đồng chí ấy không mạnh dạn công khai tự phê bình, không vui lòng tiếp thu phê bình – nhất là phê bình từ dưới lên, không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình, thường tìm những khó khăn khách quan để tự biện hộ. Nói tóm lại, đối với người khác thì các đồng chí ấy rất mác- xít, nhưng đối với bản thân mình thì mắc vào chủ nghĩa tự do...”.
Sự phân loại, phân tích, nhận diện từng loại cán bộ đảng viên đó của Bác Hồ, trong bài báo “Tự phê bình và phê bình” (Báo Nhân dân, số 468, 1955) có thể xem là mẫu mực cho thái độ trung thực, thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm của một nhà mác-xít yêu nước và cách mạng chân chính. Nhìn vào đó, cán bộ và đảng viên hôm nay chắc chắn sẽ rút ra cho mình nhiều bài học bổ ích để thực hiện tốt hơn, nhanh hơn Nghị quyết Trung ương 4; cho dù tình hình đã nhiều thay đổi, số “khá đông cán bộ” nêu trên khi tự phê bình thì “ôn hòa”, nhưng khi phê bình người khác, do có nhiều nguyên nhân, mà chất mác-xít không còn được nhiều như trước nữa ?!
Sự kiện ra mắt vào ngày 4/2/2013 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban là một xuất phát từ yêu cầu khách quan, mong muốn quan tâm cao hơn, tạo bước chuyển mới rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng - một công việc cực kì khó khăn, phức tạp, động chạm đến những người có chức quyền, liên quan đến sự mất còn, bền vững của cả chế độ. Hầu hết cán bộ, đảng viên và đặc biệt là đông đảo quần chúng nhân dân có thêm nhiều kì vọng...
Kim Hùng